+Aa-
    Zalo

    4 tình trạng đáng báo động lột tả sự khắc nghiệt của khí hậu hiện nay

    (ĐS&PL) - Nhiệt độ toàn cầu tăng vọt, đại dương nóng lên bất thường, băng biển Nam cực ở mức thấp kỷ lục và mức độ ô nhiễm carbon trong khí quyển cao kỷ lục thể hiện rõ sự khắc nghiệt của khí hậu ở thời điểm hiện tại.

    Theo CNN, mặc dù mới qua nửa năm 2023 nhưng rất nhiều kỷ lục khí hậu đang bị phá vỡ, khiến các nhà khoa học phải gióng lên hồi chuông cảnh báo do lo ngại đó có thể là dấu hiệu cho thấy Trái Đất nóng lên nhanh hơn nhiều so với dự kiến.

    Một số nhà khoa học nhận định, tuy tình hình khí hậu đáng báo động nhưng không nằm ngoài dự báo vì tình trạng ô nhiễm gia tăng liên tục khiến Trái đất nóng lên, kết hợp cùng sự xuất hiện của hiện tượng El Nino với tác động làm nóng toàn cầu.

    Theo nhận định của các nhà khoa học, dù các kỷ lục bị phá vỡ là dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu đang tiến triển vượt ra ngoài dự báo của các mô hình khí hậu hay đúng như dự đoán, chúng vẫn là tín hiệu rất đáng lo ngại về những gì sắp xảy ra.

    “Những thay đổi này dấy lên mối lo ngại sâu sắc vì tác động của chúng với con người trong mùa hè tới và mọi mùa hè sau đó cho đến khi chúng ta cắt giảm lượng khí thải carbon với tốc độ nhanh hơn nhiều so với hiện tại”, bà Jennifer Marlon - nhà khoa học nghiên cứu ở khoa Môi trường Đại học Yale chia sẻ.

    Được biết, thế giới đã ấm hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Khoảng thời gian 5 năm tới được dự báo là những năm nóng nhất từng được ghi nhận. Những số liệu dưới đây cho thấy năm 2023 đã phá kỷ lục về khí hậu ra sao trong khi những tháng nóng nhất vẫn còn ở phía trước.

    Nhiệt độ toàn cầu tăng đột biến

    Năm 2023 đang trở thành một trong những năm nóng nhất được ghi nhận, khi dữ liệu toàn cầu cho thấy nhiệt độ tăng vọt lên mức cao bất thường.

    4 tinh trang dang bao dong neu bat su khac nghiet cua khi hau
    Năm 2023 đang trở thành một trong những năm nóng nhất được ghi nhận. Ảnh minh họa

    Theo phân tích được Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU) công bố hôm 15/6, 11 ngày đầu tiên của tháng 6 chứng kiến mức nhiệt cao nhất được ghi nhận vào thời điểm này trong năm.

    Các nhà khoa học nhận thấy, đây là lần đầu tiên nhiệt độ toàn cầu trong tháng 6 vượt quá mức thời tiền công nghiệp hơn 1,5 độ C. Kỷ lục về nhiệt độ cao đang bị phá vỡ trên toàn thế giới.

    Tại Canada, nơi một đợt nắng nóng ngột ngạt bất thường đang bao phủ phần lớn đất nước, nhiều kỷ lục nhiệt độ đã bị phá vỡ. Sức nóng góp phần tạo nên những trận cháy rừng sớm chưa từng có, thiêu rụi khu vực rộng hơn khoảng 15 lần so với mức trung bình vào thời điểm này trong năm, khiến khói độc bay sang Mỹ.

    Một số kỷ lục nhiệt độ mọi thời đại cũng bị xô đổ tại Siberia hồi đầu tháng 6, khi nhiệt độ tăng vọt lên mức hơn 37,7 độ C. Nhiều khu vực ở Trung Mỹ và các bang Texas, Louisiana cũng đang đối mặt với tình trạng nắng nóng gay gắt.

    Tương tự, Puerto Rico trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt trong tháng 6 với nhiệt độ tăng lên mức gần 49 độ C. Nhiều khu vực tại Đông Nam Á cũng chứng kiến “đợt nắng nóng kỷ lục nhất trong lịch sử”, trong khi nhiệt độ cao kỷ lục tại Trung Quốc tác động lớn đến nhiều động vật và mùa màng, dấy lên mối lo về an ninh lương thực.

    “Tình hình hiện tại thật kỳ lạ. Đợt El Nino kỳ lạ nhất từ trước đến nay. Làm thế nào có thể định nghĩa hoặc tuyên bố xảy ra El Nino khi mọi nơi đều nóng?”, ông Phil Reid thuộc Cục Khí tượng Australia nói.

    Sức nóng của đại dương đạt mức kỷ lục

    Theo thông tin trên CNN, các đại dương đang nóng lên đến mức kỷ lục và không có dấu hiệu dừng lại. Các nhà khoa học bắt đầu lo lắng về nhiệt độ về mặt đại dương từ tháng 3 khi mức nhiệt tăng dần, sau đó tăng vọt đạt mức kỷ lục vào tháng 4. Tình trạng này khiến họ phải đau đầu để tìm ra lý do.

    Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 5/2023 là tháng 5 nóng nhất từng được ghi nhận đối với các đại dương trên thế giới. Đó là xu hướng nóng lên đã diễn ra trong nhiều năm. Năm 2022, các đại dương trên thế giới phá kỷ lục nhiệt năm thứ tư liên tiếp.

    Nhà khí hậu học Maximiliano Herrera, người theo dõi chặt chẽ nhiệt độ khắc nghiệt trên toàn cầu, cho hay ông không nghĩ tình trạng nóng lên nhanh chóng lại xảy ra sớm như vậy.

    “Ngay cả trước khi chính thức tuyên bố xảy ra El Nino, các vùng nhiệt đới và đại dương đã trải qua quá trình nóng lên rất nhanh. Điều này đã được lường trước nhưng không nhanh như trước đây”, nhà khí hậu học Herrera nói với CNN.

    Đại dương nóng lên dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, bao gồm hiện tượng tẩy trắng san hô, sự tuyệt chủng của sinh vật biển và mực nước biển dâng cao. Trong khi El Nino thường khiến Đại Tây Dương ít bão hơn nhưng nhiệt độ đại dương cao tiếp thêm năng lượng cho bão, có khả năng ngăn chặn hoặc áp chế tác động làm giảm độ ẩm của hiện tượng này.

    Băng biển Nam cực ở mức thấp kỷ lục

    Băng biển Nam cực hiện đang ở mức thấp kỷ lục vào thời điểm này trong năm. Một số nhà khoa học lo ngại đó là một dấu hiệu nữa cho thấy khủng hoảng khí hậu đã lan đến khu vực tách biệt này.

    Hồi cuối tháng 2/2023, băng biển Nam cực đạt mức thấp nhất kể từ khi được theo dõi vào những năm 1970, ở mức gần 1,8 triệu km2. Theo ông Ted Scambos, nhà nghiên cứu về sông băng tại Đại học Colorado-Boulder, băng biển Nam cực không chỉ ở mức thấp kỷ lục mà đang có xu hướng giảm rất nhanh.

    Khi Nam cực bước vào mùa đông và băng biển bắt đầu hình thành trở lại, mức độ vẫn ở mức thấp kỷ lục vào thời điểm này trong năm.

    Ông Scambos đánh giá sự suy giảm này “thực sự đáng báo động” và nhấn mạnh rằng phạm vi băng biển Nam cực là khoảng 953.115 km2, thấp hơn mức cần thiết vào thời điểm này trong năm.

    4 tinh trang dang bao dong neu bat su khac nghiet cua khi hau1
    Băng biển Nam cực hiện đang ở mức thấp kỷ lục vào thời điểm này trong năm. Ảnh minh họa: EUMETSAT

    Cả ông Reid và ông Scambos đều cho rằng, có mối liên hệ giữa sự suy giảm băng biển Nam cực với vùng nước ấm ngoài khơi Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Theo họ, chỉ cần đại dương nóng lên 1/10 độ C lên cũng đủ để ngăn băng biển hình thành.

    Sự suy giảm của băng biển gây ra tác hại nghiêm trọng đối với các loài động vật sinh sống tại đây, trong đó có chim cánh cụt sống dựa vào băng biển để kiếm ăn và ấp trứng.

    Mức độ carbon dioxide trong không khí đạt mức kỷ lục

    Đầu tháng 6 vừa qua, các nhà khoa học từ NOAA và Viện Hải dương học Scripps tại Đại học California thông tin, mức độ carbon dioxide (CO2) trong không khí sinh ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch đã đạt mức kỷ lục vào tháng 5.

    Các nhà khoa học lưu ý, kỷ lục 424 phần triệu tiếp tục “tăng đều đặn chưa từng thấy trong hàng triệu năm”. Theo NOAA, mức độ ô nhiễm carbon hiện cao hơn 50% so với trước thời điểm bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp.

    “Hàng năm, chúng ta thấy mức độ carbon dioxide trong bầu khí quyển tăng lên mà nguyên nhân trực tiếp là hoạt động của con người. Đồng thời, chúng ta cũng chứng kiến tác động của biến đổi khí hậu từ những đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt, cháy rừng và bão xảy ra xung quanh”, ông Rick Spinrad - người đứng đầu NOAA cho hay.

    Đinh Kim(Theo CNN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/4-tinh-trang-dang-bao-dong-neu-bat-su-khac-nghiet-cua-khi-hau-hien-nay-a579514.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan