+Aa-
    Zalo

    6 điều cần biết về Bàn Môn Điếm trước thềm hội nghị thượng đỉnh liên Triều

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sự chú ý của thế giới đang tập trung đến Bàn Môn Điếm (hay còn gọi là làng đình chiến) - một ngôi làng nhỏ nằm trong vùng phi quân sự chia tách 2 miền Triều Tiên.

    Sự chú ý của thế giới đang tập trung đến Bàn Môn Điếm (hay còn gọi là làng đình chiến) - một ngôi làng nhỏ nằm trong vùng phi quân sự chia tách 2 miền Triều Tiên.

    Bàn Môn Điếm đã được chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông Kim và ông Moon dự kiến gặp mặt tại Nhà Hòa bình. Sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên chấm dứt vào năm 1953, Bàn Môn Điếm được chỉ định là nơi mà các quan chức của cả 2 bên có thể gặp nhau. Đây cũng là biên giới Chiến tranh Lạnh cuối cùng của thế giới, nơi mà những người lính từ cả 2 bên đối đầu với nhau.

    LÍnh Triều Tiên và Hàn Quốc đứng đối diện nhau tại khu vực phi quân sự. Ảnh: Getty

    Các cuộc đàm phán liên Triều dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 4 này thu hút sự chú ý trên toàn thế giới trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về việc phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

    Dưới đây là danh sách 6 điều cần biết về Bàn Môn Điếm, còn được gọi là Khu vực An ninh chung.

    1. Không thuộc về quốc gia nào

    Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều không có thẩm quyền đối với Bàn Môn Điếm.

    Bàn Môn Điếm nằm trong khu phi quân sự (DMZ), được sử dụng làm đường biên giới trên thực tế giữa 2 miền bán đảo Triều Tiên. Con đường chính tới khu vực này bao gồm hàng rào dây thép gai và các trạm quan sát an ninh dày đặc. Nơi đây cách thủ đô Seoul 50 km về phía Bắc và cách thành phố Gaeseong của Triều Tiên 10 km về phía Đông. Hiện khu vực này do Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (LHQ) quản lý.

    Hiệp định đình chiến giữa Hàn Quốc và Triều Tiên được ký tại Bàn Môn Điếm nhưng trên thực tế, chiến tranh 2 miền vẫn chưa chấm dứt vì thỏa thuận được ký chỉ là hiệp định ngừng bắn.

    Những người đào tẩu khỏi Triều Tiên, chạy đến Hàn Quốc hoặc những người có tổ tiên ở Triều Tiên thường đến khu vực DMZ trong dịp lễ Chuseok (Trung thu) để khấn vái, cầu nguyện.

    2. Một địa điểm cho cuộc hội đàm liên Triều

    Nhà Hòa Bình ở Bàn Môn Điếm. Ảnh: Getty

    Sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên chấm dứt vào năm 1953, Bàn Môn Điếm được chỉ định là nơi mà các quan chức của cả 2 bên có thể gặp nhau.

    Hàn Quốc và Triều Tiên mỗi nước có hai tòa nhà bên trong làng Panmunjom, gồm một nhà hội nghị và tòa nhà còn lại dùng làm văn phòng liên lạc kết nối qua biên giới. Máy ảnh, máy quay và micro có thể đã được đặt trong phòng họp trước khi các cuộc thảo luận diễn ra để đảm bảo rằng quan chức từ cả 2 bên có thể giám sát cuộc đàm phán.

    Theo một quan chức chính phủ Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ lắng nghe các cuộc thảo luận và can thiệp nếu cần. Nếu thuận lợi, đây sẽ là lần đầu tiên một cuộc họp thượng đỉnh liên Triều được tổ chức tại làng Panmunjom. Hai cuộc gặp trước đây vào năm 2000 và 2007 diễn ra ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên.

    3. Bàn Môn Điếm được chia làm 2 phần

    Làng đình chiến được chia thành 2 phần bằng đường ranh giới quân sự: một thuộc Hàn Quốc, một thuộc Triều Tiên. Ở giữa ngôi làng là các tòa nhà chỉ huy của LHQ, băng ngang giữa đường.

    Con đường phân cách được đánh dấu bởi một phiến xi măng thấp, nơi không có người lính và du khách nào dám vượt qua.

    4. Chứng kiến cho nhiều vụ đào tẩu

    Bàn Môn Điếm đã chứng kiến ​​một số sự kiện kịch tính. Gần đây nhất, một người lính Triều Tiên đã băng qua biên giới trong một vụ đào tẩu vô cùng hiếm hoi vào tháng 11/2017. Những người lính còn lại đã bắn ít nhất 40 viên đạn trong một nỗ lực để tiêu diệt kẻ chạy trốn. Hiện người này đang hồi phục ở Hàn Quốc.

    Vào năm 1984, một sinh viên Nga từ Moscow chạy qua biên giới đã đấu súng với các binh sĩ Triều Tiên ở khu vực này trong suốt 30 phút, khiến 4 người thiệt mạng dù người này không hề hấn gì. Một vụ khác được ghi lại vào năm 1967 là khi một nhà báo cấp cao thuộc Cơ quan Thông tin Trung ương của Triều Tiên đào thoát khỏi cuộc đàm phán quân sự.

    5. Nơi để các vị lãnh đạo bày tỏ quan điểm

    Các vị Tổng thống Mỹ đến Hàn Quốc thường đi đến DMZ, coi đó như một minh chứng cho thấy cam kết của Washington trong việc bảo vệ Seoul.

    Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc hồi tháng 11/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên kế hoạch thăm DMZ nhưng vì điều kiện thời tiết xấu nên ông buộc phải quay về. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đến khu vực này trong khuôn khổ chuyến công du Hàn Quốc.

    Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng từng thực hiện một chuyến đi hiếm hoi tới Bàn Môn Điếm vào năm 2012. Hình ảnh đăng tải trên phương tiện truyền thông nhà nước cho thấy ông Kim đang nhìn qua biên giới xuống Hàn Quốc thông qua một cặp ống nhòm.

    6. Điểm du lịch hấp dẫn

    Qua nhiều năm, Bàn Môn Điếm đã trở thành điểm đến thu hút đối với du khách nước ngoài.

    Khách du lịch đến Hàn Quốc được cảnh báo liên tục rằng không nên thực hiện hành động những người lính Triều Tiên phật ý, và nếu muốn chụp ảnh thì phải chụp thật nhanh. Những thứ sau đây đều bị cấm khi tham quan khu vực: Quần vải denim rách, đồng phục, áo thun, quần ngắn, váy ngắn và quần áo không kín đáo khác. Chuyến đi tốn khoảng 1,4 – 2 triệu đồng/người.

    Triều Tiên cũng đưa khách du lịch tới khu vực này. Chuyến đi từ phía Triều Tiên được thực hiện theo cách thức thoải mái hơn.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Straitstime)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/6-dieu-can-biet-ve-ban-mon-diem-truoc-them-hoi-nghi-thuong-dinh-lien-trieu-a225454.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan