+Aa-
    Zalo

    Ai đã bày kế vượt rào chắn của Thông tư 24?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sau nhiều ngày tìm hiểu qua rất nhiều nguồn tin và tiếp cận đường đi của thiết bị y tế cũ vào Việt Nam, chúng tôi phát hiện ra những lỗ hổng.

    (ĐSPL) - Sau nhiều ngày tìm hiểu qua rất nhiều nguồn tin và tiếp cận đường đi của thiết bị y tế cũ vào Việt Nam, chúng tôi phát hiện ra những lỗ hổng. Đó chính là việc các doanh nghiệp được phép nhập TBYT nhưng làm sai lệch.

    Thực tế thiết bị y tế cũ tồn tại một cách ngang nhiên đến mức thành "chợ" thiết bị y tế cũ hoạt động một cách sôi động. Chợ thiết bị y tế sôi động như thế nào, sẽ được chúng tôi phản ánh ở bài viết sau. Còn các kiểu "lách luật" ra sao để thiết bị y tế cũ vẫn có mặt tại các bệnh viện, phòng khám mới là chuyện cần bàn ở kỳ này.

    Kỳ lạ những công văn "thanh minh"

    Ai cũng biết, vì nhiều lý do khác nhau, hiện nay, chúng ta cấm nhập thiết bị y tế cũ. Việc nhập thiết bị y tế mới 100\% được quy định chi tiết, cụ thể ở Thông tư 24/2011, Bộ Y tế ban hành ngày 21/6. Thông tư này quy định rất rõ nhập thiết bị y tế mới 100\% như thế nào, các đơn vị có các điều kiện cụ thể ra sao mới được xét, cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế và điều cơ bản nhất là giấy phép này chỉ có hiệu lực trong vòng một năm.

    (bgiay)Nhận diện thủ đoạn nhập khẩu thiết bị y tế cũ thành mới và

    “Giấy thông hành” cho thiết bị y tế vào Việt Nam.

    Anh An (người chúng tôi đã đề cập ở bài viết trước) cho biết: "Thực ra, với người ngoại đạo với thiết bị y tế, cầm trên tay giấy phép nhập khẩu, đọc tên sản phẩm, nhà sản xuất còn thấy lạ thì phân biệt làm sao được, đó là nhà sản xuất thiết bị y tế uy tín; hãng trực tiếp sản xuất hay chuyên thu mua thiết bị cũ, "mông má" lại rồi bán... Người trong ngành, nghe tên là biết. Quy định là không được nhập thiết bị cũ, nhưng vẫn ký cho doanh nghiệp nhập khẩu các thiết bị của Diamond, FAMICO... là cố tình nhập nhèm, đánh lận con đen của những người làm công tác quản lý Nhà nước.

    Nói thì bảo tôi ngoa ngoắt, "cả làng" thiết bị y tế, ai cũng biết, Diamond, FAMICO không sản xuất thiết bị y tế bao giờ thì làm gì có thiết bị mới 100\% bán mà cho nhập. Còn Hitachi CAST thì trước đó có sản xuất nhưng những nhãn hiệu mà thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp của ta "lách luật" nhập về ấy đã bị chính hãng ngừng sản xuất từ cách đây cả chục năm, thậm chí có nhãn hàng ngừng sản xuất đã 15 năm, thì lấy đâu thiết bị mới cho chúng ta nhập. Vậy mà, khi bị "sờ gáy", đại diện công ty A.N.N.A (được phản ánh ở những bài viết trước) vẫn "múa rìu qua mắt thợ" rằng, đối tác có công văn "thanh minh" là gửi nhầm, sau khi chuyển trả họ lô hàng cũ, họ sẽ chuyển lại lô thiết bị y tế mới 100\%?! Câu hỏi đặt ra là không sản xuất lấy đâu ra thiết bị mà chuyển?!”.

    (bgiay)Nhận diện thủ đoạn nhập khẩu thiết bị y tế cũ thành mới và

    Nguyên Giám đốc công ty Bảo Trân biết rõ nhất “đường đi” của TBYT cũ vào Việt Nam.

    Theo tìm hiểu của PV, không riêng gì A.N.N.A., Bảo Trân, Đông Nam Á... phù phép nhập thiết bị cũ mà còn nhiều doanh nghiệp khác cũng được cấp phép nhập khẩu thiết bị y tế mới nhưng kiểm tra thực tế là cũ, "lạ" và "khuyết tật". Ông M. (đề nghị giấu danh tính), cán bộ của Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, người trực tiếp kiểm tra, phát hiện, bắt giữ nhiều vụ thiết bị y tế cũ, đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam qua đường hàng không khẳng định: "Doanh nghiệp, họ am hiểu chính sách để "lách" ở chỗ, giấy tờ thì khai thiết bị y tế mới, thế là không bị kiểm tra thực tế hàng, cứ thế được thông quan... Như vậy là điều kiện, quy định thì ở trên giấy còn thực tế nhập thiết bị thì ở hồ sơ và lô hàng".

    Khi đặt vấn đề tại sao thời gian qua, hải quan lại phát hiện ra đó là thiết bị y tế cũ để kiểm tra thực tế hàng trước khi cho thông quan? ông M. cho biết: "Thực tế có nhiều mặt hàng được thông quan, chỉ bị kiểm tra trên hồ sơ. Từ trước đến nay, những loại mặt hàng như thế, thường có vấn đề nên chúng tôi phải tổ chức theo dõi thường xuyên. Để kiểm tra nó ra sao, sẽ tiến hành những thủ tục gì để chủ hàng không thể trốn tránh hoặc "bỏ của chạy lấy người". Tức là vấn đề trinh sát của chúng ta phải chuẩn. Chúng tôi đã từng bị chủ hàng đưa luật sư đến gây ảnh hưởng với mục đích làm cho cán bộ hải quan ngại, không dám kiểm tra thực tế lô hàng. Họ còn dọa, kiểm tra là thiết bị y tế mới 100\% thì hải quan phải chịu trách nhiệm... Chúng tôi không ngại vấn đề đó".

    Mật mã "mới, đè, xóa, cũ"...

    Cũng theo thông tin từ anh An cung cấp, những doanh nghiệp làm ăn vớ vẩn, bỏ vốn ít, muốn lãi nhiều thì mới có kiểu nhập nhèm hồ sơ để nhập thiết bị y tế đã qua sử dụng, thành mới trong hồ sơ về bán, còn vẫn có nhiều doanh nghiệp đăng ký và nhập đều giống nhau là mới. Song, nó có nguồn gốc ở những nước chưa có nhiều tiếng tăm về sản xuất thiết bị y tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ hay một vài nước ở khu vực Đông Nam Á.

    Anh An đưa tôi đi mua thiết bị y tế của một đơn vị có 20 năm nhập khẩu hàng này. Trước khi đi, anh An dặn: "Cô chú chỉ chứng kiến thôi, anh đạo diễn, "biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe", hở ra câu hớ, chúng nó "xử" anh đấy". Theo giới thiệu của anh An, chủ của đơn vị nhập khẩu thiết bị y tế này có người thân làm trong ngành nên họ "sống quá khỏe" với thiết bị y tế. Cuộc giao dịch diễn ra ngắn gọn, với những ký hiệu riêng. Anh An nói: "New (tức thiết bị mới - PV) âu hay á?". Trả lời: "New âu France (tức thiết bị châu âu, gốc Pháp - PV). "Lõi?". Có 3 lựa chọn. Một, nhãn và lõi giống nhau 100\%, mới 100\%. Hai, nhãn "xịn", lõi giống nhưng "hàng mông". Ba, nhãn mới, "xịn", lõi khác (bị tẩy xóa, in đè tên nhãn lên...). Giá. Mới biết rồi. "Mông" cùng nhãn hàng giảm 35\%. Lắp ghép (tức nhãn mới, "xịn" của hãng thiết bị y tế nổi tiếng nhưng bên trong là chi tiết của hãng khác, được tẩy xóa chữ, in đè chữ của hãng nổi tiếng) giảm 50\%.

    Vì "diễn tròn vai", anh An đồng ý dẫn tôi đến một đơn vị chuyên nhập thiết bị y tế khác. Quá trình giao dịch cũng chẳng khác gì ở đơn vị trước. Điều tôi ghi nhận được là các bên trao đổi rất sòng phẳng, rõ ràng về nguồn gốc của thiết bị, giá tiền. Thế nên, chuyện nói rằng, họ nhập nhầm thì cần phải xem lại.

    Câu hỏi lớn đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm với đống thiết bị "râu ông nọ, cắm cằm bà kia" như thế? Và với thiết bị như thế, kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân sẽ ra sao? Ai cũng cho rằng, đơn vị cung cấp thiết bị cho các bệnh viện, phòng khám phải chịu trách nhiệm. Còn ngành chủ quản, đơn vị hưởng thụ thiết bị đó thì sao? Chỗ này, chắc y tế chưa xét đến, bởi theo ông M. cung cấp thì chính người của ngành y tế cũng từng gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi xác nhận lô thiết bị y tế đó là mới, cũ.

    Cụ thể, khi cơ quan hải quan nghi ngờ lô hàng thiết bị y tế của đơn vị nhập khẩu có vấn đề, kiểm tra thực tế, có những lô hàng, nhãn là hãng sản xuất hoàn toàn mới, thậm chí không có trong danh mục những nhà sản xuất thiết bị y tế, hải quan phải làm công văn hỏi ngành y tế. Vì nhiều lý do khác nhau, ngành y tế mãi chưa trả lời, trong khi thời hạn xử lý về mặt hành chính của một lô hàng có thời gian cụ thể.

    Những cái khó của ngành... hải quan

    Lý giải vì sao, thời gian qua, số thiết bị y tế cũ, "lạ" vào Việt Nam đến mức báo động, hải quan mới tiến hành một số biện pháp ngăn chặn, vạch mặt đường đi của nó? ông M. khẳng khái thừa nhận: "Thiết bị y tế là mặt hàng đặc thù, chỉ phải kiểm tra trên hồ sơ, giấy tờ là cho thông quan. Việc kiểm tra thực tế lô hàng là không đơn giản, trừ khi cơ quan chức năng phải có đầy đủ chứng cứ thì mới thực hiện kiểm tra lô hàng được. Hơn nữa, cán bộ hải quan chứ không phải cán bộ ngành y tế nên phải tìm hiểu rất nhiều mới biết được hãng nào đang sản xuất, hãng nào chuyên "mông má", nếu bắt giữ sai, cán bộ hải quan bị kiện và phải chịu trách nhiệm bồi thường. Chính vì có những cái khó như thế nên việc kiểm tra, bắt giữ phải chính xác.

    Rủi ro người bệnh phải hứng chịu(!?)

    Ông Nguyễn Xuân Bính, Chủ tịch Hội Thiết bị y tế Việt Nam đánh giá: "Nếu máy móc cũ, quá tải khi sử dụng sẽ gây chậm kết quả xét nghiệm. Đó là những rủi ro cho chính người bệnh phải hứng chịu từ những kết quả không chính xác của thiết bị. Trong lĩnh vực y tế, các xét nghiệm nói chung và xét nghiệm sinh hóa có vai trò quan trọng, cung cấp cho các thầy thuốc kết quả xét nghiệm để dự phòng, chẩn đoán và điều trị bệnh. Thiết bị cũ, cho ra đời kết quả xét nghiệm không đúng, sẽ dẫn đến sự chẩn đoán bệnh không chính xác. Một trong những yếu tố then chốt để bảo đảm có kết quả xét nghiệm chính xác cao là trang thiết bị phải hiện đại, chính xác và đồng bộ. Vì thế, kiểm tra, giám sát chất lượng trang thiết bị y tế là một việc làm cần thiết để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ai-da-bay-ke-vuot-rao-chan-cua-thong-tu-24-a70820.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan