+Aa-
    Zalo

    Bài 11: Quy hoạch điện có nguy cơ "vỡ" vì năng lực nhà thầu TQ?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thực tế đã chứng minh, nhiều công trình dự án điện trọng điểm trong Quy hoạch điện VI "lỗi hẹn" là do thiếu vốn, hiệu quả đầu tư nguồn điện và năng lực nhà thầu Trung Quốc yếu...

    (ĐSPL) - Thực tế đã chứng minh, nhiều công trình dự án điện trọng điểm trong Quy hoạch điện VI "lỗi hẹn" là do thiếu vốn, hiệu quả đầu tư nguồn điện và năng lực nhà thầu Trung Quốc yếu...

    Ngay lập tức, nhiều chuyên gia khuyến cáo, nếu các tập đoàn không giải quyết triệt để được những bài học trên thì nguy cơ "vỡ" Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII) sẽ rất dễ xảy ra. Và, sự lo lắng đó đang hiện hữu khi các dự án nhiệt điện do các nhà thầu Trung Quốc liên tục chậm tiến độ.

    "Vỡ" kế hoạch vì nhà thầu kém năng lực

    Trước đây, khi chứng kiến hàng loạt dự án điện thuộc Quy hoạch điện VI và Quy hoạch điện VII chậm tiến độ, một chuyên gia ngành năng lượng từng công tác trong Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã lên tiếng khẳng định, các nhà đầu tư cần chọn nhà thầu đủ năng lực để thúc tiến độ dự án điện.

    Theo đó, quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đã được thực hiện từ năm 2011 nhưng đến nay các dự án nhiệt điện gần như chưa triển khai được gì. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Công thương về tình hình thực hiện các dự án điện thuộc Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 xét đến năm 2025 cho thấy, mới có 2/3 dự án điện đạt kế hoạch.

    Cũng theo vị chuyên gia ngành năng lượng này, khối lượng yêu cầu về nguồn điện không đạt chỉ tiêu, nhu cầu về điện được đánh giá trong Quy hoạch điện VI có sự sai lệch. Các dự án nguồn điện và lưới điện đều chậm tiến độ, có nhiều công trình bị chậm tiến độ từ 1-3 năm, thậm chí chậm hơn 3 năm, gây rất nhiều khó khăn cho vận hành hệ thống điện.

    Trong khi đó, nguyên nhân của sự chậm trễ này chủ yếu là do khó khăn về vốn, đầu tư dàn trải, năng lực của nhà thầu còn hạn chế, giải phóng mặt bằng chậm, cơ chế giá và cơ chế tài chính chưa khuyến khích phát triển ngành điện.

    Bên cạnh đó, việc giao nhiều dự án cho một tập đoàn vượt quá khả năng tài chính cũng là nguyên nhân gây chậm tiến độ dự án.

    Ngoài ra, còn chưa đánh giá đúng mức khả năng tài chính và chuyên môn của chủ đầu tư. "Đặc điểm chung của nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện do EVN làm chủ đầu tư chọn nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu giá rẻ nhưng lại bị chậm tiến độ gây thiệt hại khó thống kê được.

    Như nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1, Hải Phòng 2 và nhiệt điện Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2 đều chậm từ 18-24 tháng, đến nay vẫn chưa thể bàn giao được. Đây chính là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến Quy hoạch điện VII", vị chuyên gia ngành năng lượng dẫn chứng.

    Về vấn đề các nhà máy nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công chậm tiến độ ảnh hưởng đến Quy hoạch điện VI, VII, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế thẩm tra năng lực của các nhà thầu. Bên cạnh đó, một chế tài mạnh nhằm kiên quyết loại bỏ, xử lý nhà thầu không đủ năng lực hoặc năng lực thực tế không đúng với hồ sơ trúng thầu là hành động cần thiết.

    Quy hoạch điện có nguy cơ
    Nhiều chuyên gia lo ngại Quy hoạch điện VII có nguy cơ "vỡ" vì năng lực nhà thầu Trung Quốc. Ảnh minh họa.

    Diễn lại "bài ca" cũ để "át" bài học mới?

    Được biết, để đảm bảo đầu tư các dự án trong Quy hoạch điện VI, tổng vốn cần là 832.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2011, EVN mới thu xếp được hơn 283.000 tỷ đồng, còn thiếu 599.000 tỷ đồng.

    Theo đó, ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt cho vay vượt 15\% vốn tự có của các ngân hàng đối với từng dự án. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phê duyệt cho một số ngân hàng cho vay do các ngân hàng này vượt các tỉ lệ quy định khác về đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng, như dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2 đến nay chưa giải ngân được khoản vay 726 tỷ đồng.

    Bộ Tài chính đã thực hiện bảo lãnh cho vay đối với các dự án điện của EVN, tuy nhiên vướng mắc pháp lý, nên việc giải ngân một số hợp đồng tín dụng bị chậm như dự án nhiệt điện Hải Phòng 2, Quảng Ninh 2 (chậm hai năm so với tiến độ)...

    Về vấn đề này, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam từng khẳng định: Thiếu vốn là thách thức rất lớn đối với EVN trong việc đảm bảo cung cấp điện khu vực phía Nam từ năm 2013-2015 trong khi sản xuất kinh doanh của tập đoàn đang bị lỗ.

    Năm 2010 tập đoàn lỗ trên 8.000 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm nay lỗ trên 2.000 tỷ đồng. Vốn khấu hao không đủ trả nợ vay hằng năm. Hơn một năm nay EVN chưa thu xếp được vốn đối ứng cho nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2 và cảng Vĩnh Tân.

    Cũng theo vị này, sau đó, EVN đã tìm ra giải pháp buộc các nhà thầu EPC phải tự thu xếp vốn qua phương thức PCA (đàm phán với ngân hàng của nước có nhà thầu cung cấp hợp đồng cho vay vốn để thực hiện công trình). Giải pháp này phần nào giúp EVN đỡ một phần gánh nặng về vốn, nhưng về lâu dài vẫn cần giải pháp căn cơ hơn.

    Trước đây, khi bàn về vấn đề vốn cho các dự án điện, ông Phan Ngọc Quang, Phó Vụ trưởng vụ Đầu tư (bộ Tài chính) thẳng thắn chỉ ra 4 điểm yếu trong thực hiện Quy hoạch điện VI. Các dự án thủy điện của các doanh nghiệp chủ yếu là các dự án quy mô lớn, thời gian đầu tư dài. Các nhà đầu tư có tiềm lực vốn không lớn lắm, việc chủ động vốn vào các dự án không tốt.

    Và dường như trong Quy hoạch điện VII, cái "điệp khúc" thiếu vốn lại tiếp tục được EVN sử dụng để giải thích cho việc chậm trễ của các nhà máy nhiệt điện của mình. Sau hơn một năm rưỡi thực hiện Quy hoạch điện VII, "ông lớn" EVN lại phải lên tiếng thừa nhận, vốn vẫn là vấn đề nan giải nhất với tập đoàn này.

    Đến khi này, EVN mới đưa vào vận hành được 27\% công suất điện giai đoạn 2011 - 2015. Riêng trong giai đoạn chuyển tiếp 2011-2015, nhu cầu vốn cho đầu tư là hơn 500.000 tỷ đồng, nhưng hiện mới thu xếp được 315.000 tỷ đồng, khoảng hơn 62\% nhu cầu vốn. Số vốn còn thiếu hiện tại 180.000 tỷ đồng đang được EVN tìm cách "xoay xở".

    Trao đổi với PV về vấn đề EVN liên tục kêu thiếu vốn cho những dự án điện chậm tiến độ, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi: Đúng là, mỗi năm, ngành điện cần tới hàng chục nghìn tỉ đồng để phát triển các công trình nguồn, lưới điện. Bên cạnh đó, thiếu vốn cũng là một câu chuyện có thật. Nhưng với hàng chục dự án đã đủ vốn thì việc chậm tiến độ, kém hiệu quả sẽ được lý giải như thế nào?

    Cần sớm rà soát lại các nhà thầu Trung Quốc

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) khẳng định: Sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam đã tạo nên sự bất ổn và đặc biệt làm suy giảm mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.

    Trong điều kiện tình hình hiện nay, tôi cho rằng sự chủ động của Việt Nam hết sức quan trọng. Ngoài những giải pháp chính trị, đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vấn đề kinh tế xã hội hiện nay là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế (kể cả tái cơ cấu thị trường), giảm thiểu sự phụ thuộc về xuất nhập khẩu vào một quốc gia.

    Việt Nam phải rà soát lại việc tham gia của một số nhà thầu, nhất là nhà thầu Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần hạn chế nhà thầu, tổng thầu của một quốc gia chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế. Đó là những việc trước mắt để đảm bảo duy trì cân đối vĩ mô.

    Theo thông tin từ Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương), 100\% các dự án nhiệt điện chạy than hiện nay đều chậm tiến độ, có dự án chậm tới 10 năm với nhiều lý do, mà một trong số đó là do chồng chéo các quy hoạch của địa phương trong khi không có cơ quan điều phối khiến cho việc thực hiện khó khăn.

    Từ con số mà vụ Năng lượng đưa ra, nhiều chuyên gia khẳng định, với tổng sơ đồ điện VII, đến năm 2020, nhu cầu tổng công suất nguồn trên cả nước cần khoảng 75.000 MW. Tuy nhiên, từ khi xây dựng ngành điện, đến nay cả nước mới đưa vào hoạt động được trên 24.000 MW. Rõ ràng, việc triển khai 51.000 MW còn lại từ nay đến 2020 không phải chuyện đơn giản khi mà các nhà thầu liên tiếp chậm tiến độ.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-11-quy-hoach-dien-co-nguy-co-vo-vi-nang-luc-nha-thau-tq-a36684.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan