+Aa-
    Zalo

    BCĐ 389 đã bắt giữ, xử lý 28.028 vụ việc gian lận thương mại, buôn bán hàng giả trên cả nước

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sáng 11/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chủ trì Hội nghị giao ban công tác quý 1 và tổng kết Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

    Thực hiện Công điện số 597/CĐ-VPCP ngày 08/05/2023 của Văn phòng Chính phủ, Văn phòng UBND Thành phố, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chủ trì Hội nghị giao ban công tác Quý I và tổng kết Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

    z4335283519141ae84f7517fd751b24f1c40884c2d85fd
    Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chủ trì Hội nghị.

    Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố điều hành tại điểm cầu Thành phố Hà Nội, bên cạnh đó là sự tham gia của các thành viên BCĐ 389 Thành phố như: Bộ Tài chính, bộ Công thương, bộ Quốc phòng, bộ Công an... Tại đây, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã nêu nhiều ý kiến quan trọng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Quý I và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm Quý II.

    Kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Quý I năm 2023

    Quý I năm 2023, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, nền kinh tế đang dần có sự khởi sắc, các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu hoạt động bình thường. Tình hình nguồn cung hàng hóa phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đa dạng, dồi dào. Nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao hơn.

    Nền kinh tế dần trên đà hồi phục đồng nghĩa với việc các hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, gian lận thương mại qua các tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Nổi lên các hoạt động vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, động vật hoang dã, hàng đông lạnh, thực phẩm,... không rõ nguồn gốc.

    z43351576479682a4c798570f478568898d6a88bc70068
    Quang cảnh Hội nghị giao ban tại điểm cầu Thành phố Hà Nội.

    Kết quả quý I năm 2023, các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 28.028 vụ việc vi phạm (giảm 11,24% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 1.345 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 68,34% so với cùng kỳ năm 2022); 25.595 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 14,54% so với cùng kỳ năm 2022); 1.088 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 30,93% so với cùng kỳ năm 2022); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3.387 tỷ đồng (tăng 76,66% so với cùng kỳ năm 2022); khởi tố hình sự 278 vụ/679 đối tượng.

    Riêng tại BCĐ 389 thành phố Hà Nội, trong 4 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra, xử lý 5.113 vụ vi phạm. Tổng số tiền phạt hành chính là 817,77 tỷ đồng. Khởi tố 9 vụ đối với 11 đối tượng.

    Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời chỉ đạo lực lượng Hải quan, lực lượng Thuế tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

    Điển hình, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ 3.657 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.005 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 05 vụ, kiến nghị khởi tố 03 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước 179 tỷ đồng.

    Bên cạnh đó, toàn ngành Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 12.854 doanh nghiệp, tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra 22.313 tỷ đồng, trong đó, tiền tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 4.692 tỷ đồng, tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước là 3.117 tỷ đồng.

    Tương tự, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo nhiệm vụ, giải pháp ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng giả, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Cụ thể, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 1.908 vụ việc kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu; 7.227 các hành vi gian lận thương mại khác; 1.021 hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước 82,4 tỷ đồng.

    Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp nhiệm vụ, kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới, cửa khẩu tăng cường công tác phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

    Lực lượng Bộ đội Biên phòng chủ trì, bắt giữ 415 vụ/472 đối tượng (trong đó, có 61 vụ chưa xác định được người vi phạm); khởi tố vụ án hình sự 132 vụ/166 đối tượng; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2,4 tỷ đồng. Riêng tội phạm ma túy, lực lượng Bộ đội Biên phòng thu giữ tang vật hơn 117 kg ma túy các loại.

    Lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, bắt giữ, xử lý 71 vụ/134 đối tượng (trong đó, khởi tố vụ án hình sự 15 vụ/16 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 09 vụ/20 đối tượng; phối hợp và bàn giao 34 vụ/47 đối tượng; đang xử lý 08 vụ/34 đối tượng); tổng xử phạt vi phạm hành chính và ước tính tang vật tịch thu và bàn giao cho các lực lượng khoảng 43 tỷ đồng. Riêng tội phạm ma túy, lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, bắt giữ 46 vụ/56 đối tượng, thu giữ tang vật 24 bánh và 521 gam heroin, 2.167 viên ma túy tổng hợp.

    Ban Chỉ đạo 138 Bộ Công an đã điều tra, xử lý 85 vụ buôn lậu, 704 vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, 59 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, 27 vụ trốn thuế; dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, phát hiện, bắt giữ 491 vụ/537 đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo, thu 889 kg, 161 hộp và 907 quả pháo nổ, 9,5 kg thuốc pháo; bắt nhiều vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Riêng tội phạm ma túy, lực lượng Công an phát hiện, xử lý 7.266 vụ, 10.889 đối tượng (gia tăng gần 1.500 vụ so với quý IV năm 2022).

    Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quán triệt, chủ động đánh giá tình hình, tổ chức thực hiện thanh kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, vận chuyển trái phép các nhóm hàng nông nghiệp, y tế, tài nguyên, môi trường,..

    Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra trên địa bàn; chủ động xây dựng kế hoạch công tác năm 2023 và triển khai thực hiện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại và theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý,...

    Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, công điện, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, chia sẻ, cung cấp thông tin, tài liệu, phối hợp ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương.

    capture
    Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị.

    Nhận xét, đánh giá về ưu nhược điểm của các cơ quan, lực lượng chức năng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các lực lượng chức năng đã tích cực chủ động tiến hành các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đúng theo thẩm quyền của từng đơn vị, lực lượng chức năng góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm an ninh trật tự và phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

    Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hạn chế, ở một số nơi, một số khâu, một số đơn vị còn buông lỏng quản lý, giáo dục tư tưởng, đạo đức đối với cán bộ, công chức, sỹ quan thực thi nhiệm vụ, vẫn còn hiện tượng tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trong thị trường nội địa hoạt động có tính tổ chức chặt chẽ theo đường dây, trên địa bàn rộng, liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia; với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi, gây khó khăn trong việc phát hiện hành vi vi phạm.

    Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023

    Dự báo thời gian tới, hoạt động kinh tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại, các đối tượng sẽ lợi dụng tình hình trên, tăng cường hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xác định một số nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023 như sau:

    Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

    Yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương bám sát phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Báo cáo số 10/BC-BCĐ389 ngày 06/03/2023); thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia tại hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 (Thông báo số 39/TB-VPTT ngày 06/03/2023); đồng thời, xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ.

    Áp dụng, mở rộng phạm vi ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

    Giáo dục cán bộ, công chức, sỹ quan nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không tham gia tiếp tay, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; biểu dương, đề xuất khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để khích lệ, động viên tinh thần, lan tỏa tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

    Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Quyết định số 01/QĐ-BCĐ389 ngày 04/01/2018) về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

    78020
    Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại đầu cầu trụ sở UBND thành phố Hà Nội.

    Đồng thời, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất giải pháp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đó là:

    Lực lượng Hải quan sân bay cần tập trung phân tích đánh giá tình hình, thu thập thông tin, chủ động trong nắm bắt các đối tượng, chuyến bay, chặng bay, phương thức thủ đoạn hoạt động, xây dựng các phương án, kế hoạch điều tra, xác minh, đấu tranh, ngăn chặn các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

    Cần tăng cường phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin về các thủ đoạn, mặt hàng mới nổi để nâng cao kỹ năng phát hiện và đấu tranh phòng ngừa đối với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

    Kịp thời phát hiện những bất cập, chồng chéo để kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đặc biệt đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng tăng hình phạt nhằm nâng cao tính răn đe.

    Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của các chủ sở hữu website thương mại điện tử đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử; tuyên truyền việc ứng dụng triệt để hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế để có thể tiến hành thẩm tra, xác minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

    Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực thi kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử cho các lực lượng chức năng; tổ chức các hội thảo, hội nghị về công tác chống hàng giả.

    Lê Thúy

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bcd-389-da-bat-giu-xu-ly-28-028-vu-viec-gian-lan-thuong-mai-buon-ban-hang-gia-tren-ca-nuoc-a575114.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan