+Aa-
    Zalo

    Bí ẩn cái chết của kế hoàng hậu và đám tang "keo kiệt" nhất Thanh triều

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Kế hoàng hậu sinh thời được vua Càn Long hết mực sủng ái nhưng đến khi qua đời lại được tổ chức tang lễ với phẩm cấp không khác gì một nô tì trong cung.

    Kế hoàng hậu sinh thời được vua Càn Long hết mực sủng ái nhưng đến khi qua đời lại được tổ chức tang lễ với phẩm cấp không khác gì một nô tì trong cung.

    Từ tiểu thư danh môn tới ngôi vị mẫu nghi thiên hạ

    Hình ảnh Nhàn Phi trong phim Diên Dy Công Lược.

    Năm 1735, Thế Tông hoàng đế băng hà, Bảo Thân vương Hoằng Lịch nối ngôi, sử gọi Càn Long Đế. Phúc tấn Phú Sát thị lên ngôi Hoàng hậu, Trắc phúc tấn Cao thị được phong Quý phi, Trắc phúc tấn Ô Lạt Na Lạp thị được sắc phong phẩm vị Nhàn phi.

    Ngày 13/1/1746, Nhàn phi Ô Lạt Na lạp thị được sắc phong Nhàn Quý phi. Khi ấy, Tuệ Hiền Hoàng quý phi Cao thị đã qua đời, Nhàn Quý phi có phẩm vị cao nhất chỉ sau Phú Sát hoàng hậu.

    Ngày 8/4/1748, Phú Sát hoàng hậu qua đời, lúc đó chính sự bận rộn nên Càn Long Đế vẫn để trống ngôi Hoàng hậu. Sùng Khánh hoàng thái hậu Nữu Hỗ Lộc thị nhận thấy Nhàn Quý phi có khả năng trở thành Hoàng hậu, nên đề nghị với Càn Long Đế lập bà làm Tân hậu.

    Càn Long Đế đối với Phú Sát hoàng hậu tình cảm nhiều năm, trong lòng đau buồn và không có ý lập Tân hậu ngay. Tuy nhiên Càn Long Đế cũng không thể trái ý của Thái hậu, nên nâng Nhàn Quý phi lên thành Hoàng quý phi, cho cai quản mọi việc lớn nhỏ trong Hậu cung, tạm giữ ấn Hoàng hậu.

    Ngày 2/8/1750, Hoàng quý phi Ô Lạt Ná Lạp thị được chính thức sắc phong thành Hoàng hậu.

    Bất ngờ thất sủng, thiên ý khó lường

    Nhàn Phi được vua Càn Long hết mực yêu thương. -Ảnh: Diên Hy Công Lược

    Tương truyền, hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị nhận được không ít vinh sủng dưới sự yêu chiều của Hoàng đế. Bà thường cùng vua Càn Long bái yết Tông miếu, cùng ông ngao du Giang Nam, tuần du Tây Nam, lên Ngũ Đài sơn thắp hương. Kế hoàng hậu cũng là một trong số ít những người được vua tin tưởng giao cho việc chỉnh sửa y phục của mình.

    Kế hoàng hậu sinh được 2 hoàng tử và 1 công chúa, tuy nhiên hai trong số đó lại không may chết yểu. Dẫu vậy, điều đó cũng không hề ảnh hưởng đến sự sủng ái mà hoàng đế Càn Long dành cho bà.

    Thế nhưng được sủng ái không bao lâu thì bất ngờ Ô Lạt Na Lạp thị bất ngờ bị thất sủng. Tháng Giêng năm Càn Long thứ 30 (1765), kế hoàng hậu cùng Càn Long đế và 5 vị phi tần du hành xuống phương nam lần thứ 4.

    Trong chuyến du hành kéo dài một tháng trời, mọi việc diễn ra đều rất suôn sẻ, thuận lợi. Không chỉ vậy, Càn Long Đế còn ưu ái tổ chức sinh nhật sớm lần thứ 48 vào ngày 10/2 thật linh đình cho kế hoàng hậu.

    Đến ngày 18/2, khi đoàn Nam tuần đi tới Hàng Châu, Càn Long còn sai người mang thức ăn và ban thưởng nhiều trân phẩm quý giá cho hoàng hậu. Tuy nhiên, vào buổi tối ngày hôm đó, bà không hề lộ diện ăn cùng ông mà chỉ có 5 vị phi tần. Cũng từ hôm đó cho tới cuối chuyến du tuần, không ai còn thấy bóng dáng bà nữa.

    Kế Hoàng Hậu - Ảnh: Diên Hy Công Lược

    Sau này, mọi người mới biết ngay sau bữa sáng ngày hôm đó, Hoàng Đế đã bí mật sai người đưa Hoàng Hậu về kinh bằng đường thủy và giam lỏng bà trong cung. Đến tháng 4, khi Càn Long trở về cung sau chuyến Nam tuần, việc đầu tiên mà ông làm là ra lệnh thu hồi 4 sắc phong đã ban cho Ô Lạt Na Lạp thị trước đây, gồm có sắc phong của hoàng hậu, hoàng quý phi, nhàn Quý phi và nhàn phi kim sách.

    Mặc dù không ban chiếu chỉ phế hậu nhưng hành động này của Càn Long Đế chẳng khác nào bác bỏ mọi danh phận và quyền lợi của kế hoàng hậu. Không chỉ dừng lại đó, Càn Long Đế còn cắt giảm cung nhân hầu hạ người vợ từng đầu ấp tay gối xuống còn 2 người, số cung nhân hầu hạ ngang hàng với Đáp ứng.

    Việc kế hoàng Hậu đột ngột bị thất sủng được đồn đại trong dân gian, nổi tiếng nhất là những truyền thuyết ở Giang Nam. Nhiều người cho rằng Càn Long Đế rất tích cực đi du tuần Giang Nam vì nơi đây vốn nổi tiếng là đất có nhiều mỹ nữ nhan sắc như hoa như ngọc. Biết Hoàng đế có ý muốn nạp ca kỹ làm cung phi, hoàng hậu vì một mực can ngăn mà bị khiển trách.

    Một truyền thuyết khác nói rằng, trong chuyến Nam tuần đến Kim Lăng, hoàng đế đến sông Tần Hoài tìm ca kỹ mua vui. Quan viên địa phương muốn lấy lòng hoàng đế nên đã cho sắp xếp một chiếc thuyền tráng lệ với những kỹ nữ xinh đẹp, lẳng lơ nhảy múa thâu đêm. Hoàng hậu biết chuyện, nhất thời tức giận tự cắt tóc mình. Điều này đã làm vua Càn Long nổi trận lôi đình, cho rằng hành động của hoàng hậu là xúc phạm bề trên, phạm phải điều tối kỵ không thể dung thứ. Theo phong tục Mãn Châu, việc cắt tóc chỉ được diễn ra khi Hoàng đế hoặc Hoàng Thái hậu qua đời, vì vậy Kế Hoàng hậu bị khép vào tội đại bất kính, đại bất hiếu.

    Cái chết buồn tủi và lễ tang “keo kiệt” nhất Thanh triều

    Kế Hoàng Hậu thất sủng. - Ảnh: Diên Hy Công Lược.

    Đúng 1 năm sau, bà lặng lẽ qua đời trong cô độc và sự ghẻ lạnh ra mặt của Hoàng đế, bên cạnh không một người thân thích. Khi Kế Hoàng hậu qua đời, vua Càn Long nghe hung tin chẳng mảy may để tâm, tiếp tục cuộc đi săn đang dang dở và chỉ cho Hoàng tử Vĩnh Cơ về chịu tang mẹ.

    Không những vậy, tang lễ của vị hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị lại bị vua Càn Long cắt xén và “keo kiệt” tới mức khó tin. Khi ấy, vua Càn Long chỉ đưa ra một đạo thánh chỉ, viết rằng: "Lễ nghi không tiện làm lớn như tang lễ của Hiếu Hiền Hoàng hậu. Tất cả mọi nghi thức cứ chiếu theo lễ tang cho Hoàng Quý phi mà làm".

    Theo đó, tang lễ của Ô Lạt Na Lạp thị không được tổ chức theo nghi lễ cho hoàng hậu mà bị giáng xuống một bậc. Thậm chí, khi Hoàng Quý phi mất, mỗi ngày đều phải có đại thần, công chúa, mệnh phụ vào thăm viếng và hành lễ nhưng lễ tang của Ô Lạt Na Lạp thị lại hoàn toàn bị cắt bỏ nghi thức này.

    Bấy giờ, một sử gia đã cả gan cầu xin Càn Long tổ chức tang lễ xứng với địa vị của Ô Lạt Na Lạp Hoàng hậu. Hoàng đế ngay lập tức nổi trận lôi đình, đày người này ra biên cương.

    Đám tang của Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị được diễn ra trong sự hiu quạnh và thờ ơ của Càn Long. Trên mộ Ô Lạt Na Lạp thị không có bài vị, không có thụy hiệu, đã vậy còn cho bà được chôn chung vào Thuần Huệ Hoàng quý phi mộ.

    Đường đường là một Hoàng hậu mà lại phải chôn chung mộ với một Quý phi khác, như vậy chẳng khác nào Càn Long xem bà như một người hầu. Thậm chí, nhập táng về sau cũng không đề cập tới. Toàn bộ tang sự chỉ dùng bạc rất tiết kiệm, còn không bằng một cái cấp thấp triều đình quan viên.

    Chân dung Kế Hoàng Hậu được vẽ lại. - Ảnh: Chinenews

    Theo sử sách ghi chép, có một lần, để giải thích cho hành động của mình trước cái chết của vị hoàng hậu từng đầu ấp tay gối yêu thương hết mực, Càn Long có nói:

    "Hoàng Hậu tự sắc lập tới nay thượng vô thất đức. Mùa xuân năm trước trẫm cung phụng Hoàng thái hậu tuần du Giang Chiết, đúng ra là việc vui mừng, nhưng hoàng hậu tính khí thay đổi, không thể giữ hiếu đạo với thái hậu.

    Khi đến Hàng Châu, hành động sai trái, cử chỉ điên loạn. Vì vậy trước lệnh cho Hoàng hậu hồi kinh, ở trong cung hối lỗi. Sau hoàng hậu phát bệnh, ngày càng nguy kịch, mất đi tính mạng. Việc này là do hoàng hậu phúc phận nông cạn, không thể dựa vào thánh mẫu từ quyến... Luận Hoàng hậu hành sự thất thường, đương nhiên có thể phế truất, nhưng trẫm vẫn giữ lại vị hào đã là phá lệ rộng rãi".

    Cho tới ngày nay, nguyên nhân Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị bỗng nhiên thất sủng vẫn còn là bí ẩn. Tuy nhiên, việc một Hoàng đế nổi tiếng xa xỉ như Càn Long lại “keo kiệt” tới khó hiểu trong đám tang vợ mình đã chứng tỏ ông không thừa nhận thân phận Hoàng hậu của Ô Lạt Na Lạp thị.

    NGUYỄN QUỲNH (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-an-cai-chet-cua-ke-hoang-hau-va-dam-tang-keo-kiet-nhat-thanh-trieu-a241745.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan