+Aa-
    Zalo

    Bi kịch của chữ kỳ 22: Linh cảm về những chuyện không hay

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Kỳ báo này, Việt lại tiếp tục câu chuyện về những ngày tháng làm báo của anh.

    (ĐSPL) - Kỳ báo trước, nhà báo Việt kể câu chuyện về tay đại úy biệt kích trên ngọn đồi tử thần trong chiến tranh. Kỳ báo này, Việt lại tiếp tục câu chuyện về những ngày tháng làm báo của anh.

    (Bản quyền tiểu thuyết tự truyện “Bi kịch của chữ” thuộc về tác giả Nguyễn Việt Chiến, mọi sao chép về tự truyện này (nếu có) trên các báo, các trang mạng, các báo điện tử khác… đều phải được sự đồng ý của tác giả, nếu tác giả không cho phép, đề nghị các báo không được sử dụng vì sẽ vi phạm bản quyền cuốn tiểu thuyết tự truyện này).

    ...Năm ngày trước khi bị cơ quan điều tra bắt giữ, trên đường đi săn tin, Việt nhận được một cú điện thoại không lành gọi tới máy điện thoại di động của mình. Bên kia đầu dây là giọng nói lo âu của phóng viên đồng nghiệp kém Việt hơn hai chục tuổi. Giống anh, cậu này cũng là một trong những nhà báo viết bài chống tham nhũng trong vụ án đang bị cơ quan điều tra triệu tập thẩm vấn nhiều nhất. Cậu ta gọi: “Anh Việt ơi, anh nhận được giấy triệu tập của cơ quan điều tra chưa, em thấy có gì không ổn, lần này địa chỉ mình lên trình diện không phải ở phố N. mà anh em mình phải lên tận trụ sở cơ quan điều tra ở quận T. anh ạ”. Việt trả lời: “Anh chưa thấy gì” rồi ngắt máy. Ngay sau cuộc điện thoại này, Việt nhận tiếp một cú điện thoại của người thường trực ở Toà soạn báo cho biết: Trong lúc Việt đi vắng, bên cơ quan điều tra vừa cử người đưa giấy triệu tập xuống, yêu cầu đúng sáng thứ Sáu, Việt phải có mặt tại trụ sở cơ quan điều tra ở quận T., Hà Nội để làm việc.

    Ảnh chỉ mang tính minh họa.

    Ngay lập tức, một linh cảm bất chợt xâm chiếm suy nghĩ của Việt, rất có thể mình sẽ phải nhận lệnh khởi tố bị can vào sáng ngày mai. Bởi trong vòng vài tháng gần đây, dư luận về chuyện Việt và một số người khác liên quan đến việc viết bài liên quan đến vụ án P. sắp bị bắt được đồn thổi đến tai anh khá nhiều lần. Việt cho rằng, mình có khả năng bị khởi tố bị can và được tại ngoại, vì chuyện bắt tạm giam một nhà báo là không dễ dàng và sẽ bất lợi cho xã hội lúc này, Nhưng Việt đã lầm tưởng... Vội bỏ mọi chuyện, Việt phóng xe máy về cơ quan. Trên bàn làm việc của anh, tờ giấy triệu tập nằm chềnh ềnh như một lệnh bắt người, Việt cảm giác như vậy. Việt gọi điện thoại cho người điều tra viên đã từng hỏi cung Việt suốt một năm qua, thông báo việc anh bị bệnh trĩ khá nặng, những ngày gần đây máu ra liên tục và sẽ phải đi khám tại bệnh viện. Giọng lạnh lùng, vị điều tra viên thông báo: “Ngày mai bắt buộc anh phải có mặt tại cơ quan điều tra”. Việt nổi khùng, nói luôn: “Tôi bị bệnh, phải đi khám, tôi đang là một công dân tự do, ngày mai tôi không lên, sau khi khám bệnh, tuần sau tôi mới lên, các anh muốn làm gì thì làm!” rồi anh tắt máy.

    Sau đó, vị điều tra viên cũng không gọi cho Việt. Anh ta biết Việt đã nổi khùng, bởi trong hơn một năm cùng một số điều tra viên khác thẩm vấn Việt, họ rất ngại thái độ thẳng băng đến gay gắt của Việt. Thậm chí, có lần trước họ, Việt đã dùng bút gạch chéo đến rách toạc cả tờ giấy biên bản ghi lời khai vì thấy họ có dấu hiệu mớm cung mình. Có lẽ, mấy điều tra viên này chưa bao giờ từng gặp một người có thái độ phản kháng quyết liệt như Việt. Lần ấy, vị điều tra viên gọi thêm hai người khác tới hỗ trợ vì thấy không khí làm việc rất căng thẳng. Họ đe doạ bóng gió việc phải tống cổ Việt vào trại giam. Việt càng điên hơn và ngay lập tức đứng dậy, nhìn họ với cặp mắt nảy lửa, thách thức: “Các ông giỏi thì cứ bắt một nhà báo chống tham nhũng đi”. Mấy điều tra viên xoa dịu mặc dù Việt biết họ không ưa mình ra mặt.

    Trong số này, có một điều tra viên thấp bé, dáng thư sinh, hiền lành. Người này đối xử với Việt khá dễ chịu. Trước đó, ít ngày, chính vị sỹ quan thấp bé này đã đón Việt tại một cuộc họp báo để mời các phóng viên tuyên truyền nhân dịp ngày thành lập Cơ quan điều tra của họ. Trên đường lên phòng họp, Việt nói thẳng với người này: “Các anh đã định bắt tôi mà hôm nay vẫn mời tôi tới tuyên truyền cho ngành với ý đồ gì đây?”. Vị sỹ quan này lễ phép cười: “Làm gì có chuyện đó, ta lên họp thôi”.

    Trong cuộc họp ấy, có mặt nhiều nhà báo, họ đã phát cho các phóng viên một số tài liệu về quá trình hoạt động điều tra của ngành. Việt hỏi ngay: “Trong nhiều lần làm việc với ngành, các anh không ít lần phát cho các nhà báo các tài liệu thuộc dạng điều tra để viết bài tuyên truyền cho ngành. Hôm mới rồi, trong một cuộc họp, một ông tướng trong ngành các anh cũng đã trực tiếp đưa cho tôi một đống tài liệu điều tra như vậy. Thậm chí, sau đó ông tướng này còn gọi điện thoại cho một cơ quan trong ngành để bảo tôi tới đó lấy tài liệu viết bài. Nhưng hiện nay, ngành các anh lại quy định không cho đưa những tài liệu đang điều tra lên báo. Vậy mà các anh vẫn cứ công khai phát tài liệu điều tra cho các nhà báo. Khi chúng tôi đưa các thông tin này lên thì sau đó liệu chúng tôi có bị khởi tố vì tội đưa thông tin điều tra lên báo không? Suốt nhiều tháng nay, tôi và một số phóng viên bị cơ quan điều tra thẩm vấn về những thông tin được cho là đang điều tra trong vụ án tham nhũng đã được chúng tôi sử dụng trên báo chí. Vậy có quy định nào về việc thông tin điều tra các vụ án khác thì được đưa thoải mái trên mặt báo, còn thông tin về điều tra kiểu này thì không được đưa lên mặt báo, xin cho chúng tôi biết về các quy định này?”.

    Một số nhà báo trong cuộc họp ủng hộ ý kiến của Việt, họ đề nghị cơ quan điều tra phát cho anh em phóng viên những tài liệu quy định về vấn đề này. Chỉ một lúc sau, mấy ông sỹ quan ôm ra một đống các sổ sách in các văn bản quy định phát cho các nhà báo. Thật là éo le. Một tay các ông đưa tài liệu cho các nhà báo tuyên truyền, còn tay kia lại đưa chính cho các nhà báo ấy các quy định về việc không được tuyên truyền các tài liệu này.

    Ngày thứ Sáu ấy, Việt không lên trụ sở cơ quan điều tra và phớt lờ cái lệnh triệu tập của họ. Sau này Việt mới biết, nếu anh lên vào ngày hôm đó thì họ đã ra lệnh bắt anh luôn rồi. Khi Việt tới bệnh viện Tràng An ở quận Đống Đa khám trĩ thì người bác sỹ sau khi khám, đã bảo anh phải phẫu thuật ngay vì thấy máu ra nhiều. Việt nói với bác sỹ, mấy ngày trước, anh bị những cơn đau thắt ở vùng ngực khá nặng, vào khám tại bệnh viện Hồng Ngọc ở quận Ba Đình, họ nói có thể anh bị những cơn co thắt vùng tim, cần theo dõi điều trị. Nghe Việt nói thế, bác sỹ khám trĩ bảo anh lui ngày phẫu thuật trĩ sang tuần sau đợi giảm bớt những cơn co thắt ngực.

    Gần trưa hôm thứ Sáu, Việt còn tới dự cuộc họp cộng tác viên tại một tờ báo ở phố Núi Trúc. Anh em nhà văn gặp nhau khá hồ hởi, nhưng có một số người cho biết một số thông tin không lành. Chiều thứ Sáu, như thường lệ, Việt tới dự cuộc họp giao ban tuần với báo chí của Hà Nội, không ngờ đấy là cuộc họp sau cùng trước khi anh bị bắt. Tại đây, một số nhà báo hỏi Việt về chùm thơ mới nhất in trên báo Văn Nghệ, Hội nhà văn sao nhiều tâm trạng u uẩn thế. Có người bảo, việc anh bị cơ quan điều tra triệu tập có diễn biến xấu đúng không? Việt lắc đầu nói “chưa thấy gì”, nhưng lòng thì rối bời lo âu. Thật ra chùm thơ Việt in trên báo Văn Nghệ vào tháng Tư năm đó chính là phản ảnh tâm trạng của anh khi đó. Chùm thơ 4 bài Việt viết vào mấy ngày đầu tháng Ba, khi anh bay vào Toà soạn báo ở Sài Gòn để báo cáo với lãnh đạo Ban biên tập về những diễn biến có chiều hướng xấu trong việc điều tra các nhà báo chống tham nhũng vụ án P..

    Khoảng hai tháng trước khi bị bắt, Việt bay vào Sài Gòn. Ngày hôm ấy tiết trời khá âm u. Anh ra sân bay Nội Bài với tâm trạng đầy ưu tư. Hành trang không có gì nhiều, ngoài vài bộ quần áo và các bản tường trình chi tiết về những bằng chứng Việt thu thập được trong quá trình điều tra vụ án tham nhũng P. để báo cáo với Ban biên tập. Khoảng trời trên sân bay lúc đó toàn một mây xám xịt y như sắp sửa có một cơn giông lớn sẽ sập xuống. Việt có thói quen, mỗi lần sắp lên máy bay, anh thường gọi điện thoại cho một số người thân để dặn dò. Giọng nói của vợ và con trai lớn cứ văng vẳng bên tai như một lời chúc may mắn. Khi máy bay cất cánh, tâm trạng Việt lại chìm xuống vì nỗi ám ảnh của kẻ sắp mất tự do. Nhìn sang các hàng ghế bên cạnh, Việt thèm muốn có được vẻ thanh thản của một con người bình thường như bao người khác mà hiện tại anh không có được. Việt tự vấn, ít nhất là tới lúc này, mình không làm điều gì xấu xa trong loạt bài chống tiêu cực, tham nhũng về vụ án P. đăng trên tờ báo của anh. Vậy thì hà cớ gì, một nhà báo lương thiện như anh lại phải sợ hãi ?!

    Trong mỗi lần di chuyển bằng máy bay, Việt thường mang theo một, hai cuốn thơ của mình, luôn để trong chiếc túi xách nhỏ đặt dưới chân. Sau khi khoá dây an toàn quàng ngang bụng và máy bay cất cánh, theo thói quen Việt lấy một cuốn thơ và đọc lại một số bài thơ của mình đã viết và in trước đó. Việt thường làm thế như một cách ám thị mình rằng mọi việc sẽ diễn ra tốt lành và chuyến bay sẽ hạ cánh an toàn sau một, hai giờ bay...

    Tiểu thuyết tự truyện của NGUYỄN VIỆT CHIẾN

    [mecloud]neSbXrc254[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-kich-cua-chu-ky-22-linh-cam-ve-nhung-chuyen-khong-hay-a134183.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.