+Aa-
    Zalo

    Biển báo nào chỉ cho phép phương tiện đi 1 chiều?

    (ĐS&PL) - Biển báo đường 1 chiều sẽ báo hiệu cho người điều khiển biết đoạn đường sắp tới chỉ được di chuyển theo 1 chiều quy định. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.

    Nhận diện biển báo đường 1 chiều

    Thông tin biển báo đường 1 chiều được quy định tại Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, theo đó biển báo hiệu đường 1 chiều được ký hiệu là I.407 (a,b,c) với các đặc trưng của nhóm biển báo hiệu lệnh, người điều khiển phương tiện có nghĩa vụ phải chấp hành. Biển báo hiệu lệnh đường 1 chiều được bố trí trên đường để chỉ dẫn những đoạn đường phương tiện chỉ được chạy một chiều.

    1. Biển số I.407a

    Biển báo có nhận diện là hình vuông, nền màu xanh, mũi tên bên trong màu trắng có hướng chỉ lên trên là hướng được di chuyển.

    Biển số I.407a thường đặt sau nơi đường giao nhau. Trường hợp đoạn đường đã bố trí biển R302 tại các đầu dải phân cách thì không nhất thiết đặt biển số I.407a.

    Khi gặp biển số I.407a chỉ cho phép các phương tiện đi theo chiều vào theo mũi tên chỉ, cấm quay đầu ngược lại. Trong trường hợp trừ xe ưu tiên như xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; xe cứu thương có thể đi ngược chiều… Để báo hết đoạn đường một chiều, đoạn đường đó sẽ bố trí biển số I.204 “Đường hai chiều” nhằm cho biết bắt đầu đi hai chiều.

    Biển báo cho phép phương tiện chỉ được đi 1 chiều.

    Biển báo cho phép phương tiện chỉ được đi 1 chiều. 

    2. Biển số I.407b

    Biển số I.407b “Đường một chiều” có dạng hình chữ nhật, nền màu xanh, mũi tên bên trong màu trắng có hướng chỉ sang bên phải. Biển này được bố trí đặt trước nơi đường giao nhau và đặt trên đường chuẩn bị đi vào đường một chiều.

    Biển số chỉ I.407b cũng chỉ cho phép các phương tiện đi theo chiều vào theo mũi tên chỉ, cấm phương tiện quay đầu ngược lại, trừ xe ưu tiên như xe chữa cháy đi; xe quân sự, công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; xe cứu thương đi làm nhiệm vụ… Tương tự khi hết đường một chiều sẽ bố trí biển số I.204 “Đường hai chiều” để báo hiệu bắt đầu đi hai chiều.

    3. Biển số I.407c

    Biển số I.407c cũng có dạng hình chữ nhật, nền màu xanh, mũi tên bên trong màu trắng có hướng chỉ sang bên trái. 

    Biển số I.407c được bố trí đặt trước nơi đường giao nhau và đặt trên đường chuẩn bị đi vào đường một chiều.

    Biển số chỉ I.407c cũng chỉ cho phép các xe đi theo chiều vào theo mũi tên chỉ, cấm phương tiện quay đầu ngược lại, trừ xe ưu tiên như xe chữa cháy đi; xe quân sự, công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; xe cứu thương đi làm nhiệm vụ… Khi hết đường một chiều, đoan đường đó sẽ được lắp thêm biển số I.204 “Đường hai chiều” để báo hiệu bắt đầu đi hai chiều. 

    Người điều khiển phương tiện cần chú ý quan sát biển đường 1 chiều. Ảnh minh họa.

    Người điều khiển phương tiện cần chú ý quan sát biển đường 1 chiều. Ảnh minh họa.

    Người điều khiển cần lưu ý gì khi gặp biển "đường 1 chiều"

    Như tên gọi của loại biển này, chỉ cho phương tiện chạy duy nhất 1 chiều theo hướng mũi tên trên biển. Do vậy, khi gặp biển này, tài xế cần lưu ý chấp hành hiệu lệnh biển.

    Người điều khiển phương tiện không được phép dừng xe, đỗ xe tại vị trí bên trái đường một chiều.

    Người điều khiển phương tiện đi ngược chiều bị xử phạt như thế nào?

    * Mức phạt với ô tô

    - Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định (điểm c khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

    Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng. (điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP; (điểm a khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm d khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

    Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng. (điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

    - Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định. (điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

    Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 5 tháng đến 7 tháng. (điểm đ khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

    * Mức phạt với xe máy

    - Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định; (điểm a khoản 5 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm c khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

    Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng (Điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

    - Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông (điểm b khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

    Bị tước quyền sử dụng GPLX từ 02 - 04 tháng (Điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

    B.A

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/bien-bao-nao-chi-cho-phep-phuong-tien-i-1-chieu-a412128.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan