+Aa-
    Zalo

    Bộ Công Thương chính thức thông qua khung giá bán buôn điện mới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhìn chung, mức giá bán buôn điện của EVN dành cho các tổng công ty điện đều tăng, với mức tăng thấp nhất là 44 đồng/kWh và tăng cao nhất hơn 107 đồng/kWh.

    Nhìn chung, mức giá bán buôn điện của EVN dành cho các tổng công ty điện đều tăng, với mức tăng thấp nhất là 44 đồng/kWh và tăng cao nhất hơn 107 đồng/kWh.

    Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định phê duyệt khung giá bán buôn điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho các tổng công ty điện lực năm 2018.

    Theo đó, mức giá bán buôn điện của EVN dành cho Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc tối thiểu 1.185 đồng/kWh và tối đa là 1.255 đồng/kWh; với Tổng Công ty Điện lực Miền Nam từ 1.389 – 1.433 đồng/kWh; với Tổng Công ty Điện lực Miền Trung từ 1.183 – 1.282 đồng/kWh.

    Với hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM, giá bán buôn điện được thông qua khá cao. Cụ thể, mức giá bán cho Tổng Công ty Điện lực Hà Nội là 1.437 – 1.516 đồng/kWh và với Tổng Công ty Điện lực TP HCM là 1.593 - 1.658 đồng/kWh.

    Căn cứ vào khung giá này, EVN quyết định giá bán điện cụ thể cho từng đơn vị không thấp hơn mức giá tối thiểu và không cao hơn mức giá tối đa.

    Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh khung giá bán buôn điện bình quân phù hợp với biến động chi phí sản xuất - kinh doanh điện, chi phí mua điện từ thị trường, doanh thu và lợi nhuận định mức của các tổng công ty điện lực, EVN có trách nhiệm tính toán, báo cáo Bộ Công Thương xem xét và quyết định.

    Thời gian áp dụng khung giá bán buôn điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho các tổng công ty điện lực từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2018.

    Được biết, hiện Dự thảo lần 2 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Chính phủ cũng đã được hoàn tất và đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan. Điểm mới nhất trong dự thảo là việc đề xuất giảm giá cho các cơ sở lưu trú, du lịch bằng việc đưa nhóm này từ đối tượng sử dụng điện kinh doanh sang nhóm sản xuất.

    Bộ Công Thương thông qua khung giá bán buôn điện mới. Ảnh minh họa

    Theo dự thảo, cơ cấu giá bán lẻ điện sẽ được chia thành 4 nhóm đối tượng khách hàng, gồm ngành sản xuất, cơ sở lưu trú du lịch; Giá bán lẻ điện cho khối hành chính sự nghiệp; Giá bán lẻ điện sinh hoạt và giá bán lẻ điện cho kinh doanh.

    Trong đó, tỷ lệ so với mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo thẩm quyền thấp nhất nằm ở nhóm ngành sản xuất và cơ sở lưu trú du lịch với mức 51%, 56%, 59%, 67% giờ thấp điểm, áp dụng cho các cấp điện cao áp, trung áp và hạ áp. Tỷ lệ áp dụng cho giờ bình thường là 81%, 84%, 85% và 92%. Còn giờ cao điểm, tỷ lệ áp dụng so với mức giá điện bình quân được phép điều chỉnh theo thẩm quyền lần lượt là 144%; 150%, 156% và 167%.

    Nhóm đối tượng khách hàng là khối hành chính sự nghiệp, tỷ lệ đề xuất dự kiến là 90% và 96% (bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông). Mức 99% và 103% áp dụng cho khối chiếu sáng công cộng, đơn vị hành chính sự nghiệp.

    Đối với nhóm kinh doanh, giá bán lẻ điện được chia theo 2 khối – cấp điện áp từ trung áp trở lên chia gồm mức 75% áp dụng cho giờ thấp điểm, 133% giờ bình thường và 230% giờ cao điểm. Khối cấp điện áp hạ áp có 3 mức lần lượt là 89%, 145% và 248%.

    Cũng theo dự thảo, giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt sẽ chia thành 6 bậc với mức giá tăng dần nhằm khuyến khích các hộ sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó, các hộ nghèo theo tiêu chuẩn do Thủ tướng quy định sẽ được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền sử dụng 30kWh tính theo mức giá điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.

    Với tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài như vừa qua dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, chủ yếu do việc sử dụng điều hòa nhiệt độ và các thiết bị làm mát tăng rất cao, dẫn đến nguy cơ đầy tải và quá tải lưới điện cục bộ ở một số khu vực, gây mất an toàn ổn định vận hành hệ thống điện.

    Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, diễn biến thời tiết nắng nóng còn tiếp diễn trong mùa hè, EVN khuyến cáo các cơ quan, công sở và người dân cần tiếp tục triệt để sử dụng điện an toàn và tiết kiệm. Cụ thể, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện, bình đun nước nóng…); đặc biệt khi sử dụng điều hòa nhiệt độ cần lưu ý để ở chế độ tối ưu, chỉ nên đặt ở mức 26 độ trở lên, để vừa đảm bảo tiết kiệm điện cho khách hàng, vừa giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, đồng thời cũng hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến.

    Vũ Đậu (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-cong-thuong-chinh-thuc-thong-qua-khung-gia-ban-buon-dien-moi-a234940.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan