+Aa-
    Zalo

    Bữa cơm trưa vội vàng của thầy, cô giáo kiên trì bám bản, gieo chữ nơi vùng cao

    (ĐS&PL) - Trường tiểu học Đăk Pxi nằm xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Hà cơ sở vật chất, điều kiện cho giáo viên, học sinh còn thiếu thốn. Tuy nhiên, với niềm yêu nghề, yêu học sinh, các cô giáo bám làng, bám bản nơi đây đã vượt qua bao gian nan để tích cực ươm những mầm xanh trên mảnh đất còn gian khó.

    Thầy, cô hối hả lập các bếp ăn “dã chiến”

    Trường tiểu học Đắk Pxi ( huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) nơi có những điểm trường nằm giữa đại ngàn, những giáo viên nơi đây đã vượt mọi khó khăn, cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp “trồng người”, chắp cánh ước mơ cho con em đồng bào các dân tộc.

    Ngoài giờ dạy chính khóa, trường đã tổ chức dạy thêm, dạy phụ đạo miễn phí cho các em học sinh, nhất là các kỹ năng nghe, nói, đọc viết…Các thầy cô đa số ở xa nhà từ 17- 30km, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, nhất là những ngày mưa gió. Vì thế, vào những ngày trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày, thầy cô giáo đều ở lại trường.

    Trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, căn nhà kho nhỏ của các điểm trường chính là “bếp ăn bán trú” tự chế của của những người thầy.

    bua com trua voi cua thay co vung kho tay nguyen
    Bữa cơm trưa vội của thầy cô giáo trường tiểu học Đắk Pxi

    Chia sẻ với Đời sống & Pháp luật về bữa cơm trưa, ông Nguyễn Trung Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, vào những ngày thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, đa số các thầy cô giáo đều ở lại các điểm trường. Các bữa ăn đều do các thầy cô góp gạo, nấu cơm ngay tại trường.

    Bữa ăn của các thầy cô là cá khô, lá mì, rau bép, hay vài miếng thịt kho nấu vội sau giờ nghỉ trưa. Tất cả dùng trong vội vàng, để lấy sức cho buổi chiều lên lớp. 

    bua com trua voi cua thay co vung kho tay nguyen 3
    Tranh thủ giờ nghỉ trưa, các giáo viên trong trường đã lập bếp ăn “dã chiến"

    Trong căn bếp nhỏ, còn nhiều thiếu thốn, thầy cô ngồi kề cạnh bên nhau sau giờ giảng trên lớp với những câu chuyện xoay quanh bài giảng, học trò. Theo tìm hiểu, bữa ăn của những thầy cô giáo nơi đây dao động từ khoảng 17.000 - 20.000 VNĐ/người.

    bua-com-trua-voi-cua-thay-co-giao-bam-ban-gieo-chu-noi-vung-cao
    Nơi nghỉ trưa của thầy cô giáo vùng khó Đắk Pxi

    Một giáo viên nhà trường cho biết, các thầy cô gần chợ sẽ đi chợ từ sáng sớm. Khi giờ học kết thúc, mọi người cùng nhau phân chia công việc. Người thì xắn tay áo nấu cơm, người thì lặt rau, người thì dọn dẹp. Chỉ khoảng 30 phút, bữa cơm trưa đã có thể bắt đầu.

    bua com trua voi cua thay co vung kho tay nguyen 2
    Bữa trưa đạm bạc của các cô giáo mầm non.

    Tại một điểm trường mầm non xã Đắk Pxi, khi con trẻ ngon giấc, cũng là lúc bữa cơm của cô giáo mầm non bắt đầu. Bữa ăn của các cô là ít rau luộc, đậu rán được chế biến nhanh chóng tại bếp ăn “dã chiến”. Các cô đa số ở xa nhà nên kiêm luôn nhiệm vụ bảo mẫu, chăm sóc trẻ vào giấc trưa.

    Gian nan hành trình vận động học sinh đến lớp 

    Dưới tiết trời nắng gay gắt hay những ngày mưa, giáo viên các điểm trường ở Đắk Pxi đều đến các bản làng từ sớm, gặp phụ huynh và học sinh để nhắc các em đến lớp chuyên cần.

    Vào mùa cà phê, tình trạng học sinh ra lớp không đều luôn là nỗi lo của những người làm công tác giáo dục nơi đây. Có những em học sinh nghỉ học theo bố mẹ đi hái cà để kiếm thêm thu nhập hay có em ở nhà trông em cho bố mẹ đi làm.

    bua-com-trua-voi-cua-thay-co-giao-bam-ban-gieo-chu-noi-vung-cao
    Con đường đến trường của trò nhỏ vùng khó

    Trong quá trình học sinh đi học các em cũng rất hay nghỉ học vì lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn, phụ huynh đi làm xa không quản lý được các em nên đôi lúc nghỉ, cho nên giáo viên chủ nhiệm đến nhà các em để vận động cho các em đi học, mong các em biết cái chữ.

    Một nữ giáo viên của trường tiểu học Đắk Pxi chia sẻ: "Các học sinh cũng như chính con mình vậy, nếu đi học không đầy đủ các em không biết đọc, biết viết thì thương lắm! Trong quá trình đi dạy thầy cô nhà trường thường xuyên đến nhà vận động các em, cuối cùng vận động các em cũng ra lớp đi học chuyên cần hơn”.

    Được biết, trường tiểu học Đắk Pxi có nhiều học sinh gia đình khó khăn. Trường có những sáng kiến kêu gọi giáo viên, rồi người thân giáo viên có điều kiện tốt hơn, người thì góp quần áo, người thì góp sách vở, người thì góp giày dép để hỗ trợ cho học sinh đặc biệt khó khăn.

    bua-com-trua-voi-cua-thay-co-giao-bam-ban-gieo-chu-noi-vung-cao
    Các em học sinh, trường Tiểu học Đăk Pxi luôn duy trì tốt tỷ lệ học sinh chuyên cần.

    Từ sự quan tâm đầy tình yêu thương của các thầy cô giáo đối với các em học sinh, trường Tiểu học Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum luôn duy trì tốt tỷ lệ học sinh chuyên cần. Thông qua việc làm của các thầy cô cũng có tác động rất tích cực đến cha mẹ học sinh trong việc chăm lo tới việc học hành của các con.

    bua com trua voi cua thay co giao bam ban gieo chu noi vung cao 3
    Hội Chợ Tết Quê Em tại trường TH Tô Vĩnh Diện ( nay là trường TH Đắk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum)
    bua-com-trua-voi-cua-thay-co-giao-bam-ban-gieo-chu-noi-vung-cao
    Hoạt động trải nghiệm chào mừng ngày thành lập hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10 của học trò trường TH xã Đăk Pxi

    XEM THÊM: Cô giáo vùng xa tâm huyết với sự nghiệp "trồng người"

    Ngày nhà giáo Việt Nam, những người lái đò thầm lặng không hoa, cũng chẳng quà nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất của những người thầy nơi vùng khó Đắk Pxi là học trò đến lớp chuyên cần, là niềm mong phụ huynh được vụ mùa bội thu.

    Thục Hiền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bua-com-trua-voi-vang-cua-thay-co-giao-kien-tri-bam-ban-gieo-chu-noi-vung-cao-a600220.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bộ trưởng GD&ĐT đề nghị đại biểu thông tin cụ thể trường hợp giáo viên nào bớt kiến thức để dạy thêm?

    Bộ trưởng GD&ĐT đề nghị đại biểu thông tin cụ thể trường hợp giáo viên nào bớt kiến thức để dạy thêm?

    Về ý kiến ĐBQH Nguyễn Văn Huy cho rằng có những lớp học thêm tai tiếng vì "găm bài", vì “gợi mở” đề kiểm tra, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mong đại biểu trong quá trình nghe và thu thập ý kiến của các cử tri thì hỏi giúp cụ thể là trường hợp giáo viên bớt kiến thức để đi dạy thêm xem đấy là ai? người nào? ở đâu? trường nào? để Bộ phối hợp cùng chính quyền địa phương xử lý đến nơi đến chốn.