+Aa-
    Zalo

    Bước đường hoàn lương của một thương gia nông sản

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trở về sau bản án, với nghị lực vươn lên sau quá khứ lỗi lầm, Nguyễn Văn Thịnh đã sống tốt, trở thành tấm gương sáng trong việc hòa nhập với cộng đồng, xã hội.

    (ĐSPL) - Năm 22 tuổi, sau một lần say rượu không làm chủ được bản thân, Nguyễn Văn Thịnh (SN 1968), trú tại xóm 8, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã phải trả giá và bị tòa tuyên án 18 năm tù giam về tội Giết người. Với nhiều người, từng ấy năm tù giam tưởng chừng như đã kết thúc một cuộc đời nhưng với anh Thịnh, trở về sau bản án, người đàn ông ấy đã quyết tâm vươn lên sống tốt, trở thành tấm gương sáng trong việc tái hòa nhập với cộng đồng, xã hội.

    Chúng tôi tìm được tới căn nhà nhỏ ở xóm 8, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) của anh Thịnh nhờ sự dẫn đường của người dân xung quanh. Khi tới nơi, anh Thịnh và vợ đều đi vắng, ở nhà chỉ có bà Nguyễn Thị Mầu (80 tuổi, mẹ anh Thịnh) và hai cậu con trai, đứa đầu lên lớp 3, còn đứa sau chuẩn bị vào lớp 1.

    Bà Nguyễn Thị Mầu, mẹ anh Nguyễn Văn Thịnh

    Phải tới hơn 11h trưa mới thấy vợ chồng anh chị kéo một xe đầy chuối trở về nhà. Được biết, hôm nay anh về sớm còn thường ngày, anh đi lấy chuối từ 3, 4h sáng tới tận 2, 3h chiều. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về anh Thịnh đó là người đàn ông nhỏ nhắn, hiền lành và luôn tươi cười dù trước đó, người đàn ông ấy đã từng trải qua những năm tháng cải tạo trong nhà giam, phải xa gia đình, người thân với tội danh Giết người.

    Tâm sự về cuộc đời mình, anh Thịnh chia sẻ: “Khi tuổi đời còn trẻ mà đã bị tuyên án 18 năm tù, tôi tưởng chừng như cuộc đời mình thế là khép lại. Ở thời điểm đó, tôi đã từng rất chán nản xen lẫn với mặc cảm tội lỗi, ân hận với mọi người, nhất là mẹ già và anh em trong gia đình chỉ vì bản thân mà mang tiếng xấu. Thế nhưng cũng chính khoảng thời gian đó, gia đình đã trở thành điểm tựa vững chắc khi vẫn thỉnh thoảng vào thăm động viên hay gửi thư và mong chờ ngày tôi trở về đoàn tụ. Cùng với sự giúp đỡ của cán bộ quản giáo, tôi đã cố gắng vươn lên, vượt qua nỗi đau và sự nản chí trước đó để cải tạo tốt . Nhờ vậy, tôi may mắn được đặc xá ra tù trước thời hạn 6 năm”.

    Anh Thịnh cũng cho biết thêm, trong thời gia đầu trong trại cải tạo, được sự phân công và giám sát của quản giáo, anh làm công việc theo nhóm như đi cấy, đi gặt. Sau 2 năm, nhận thấy anh có thái độ làm việc, cải tạo tích cực, quản giáo đã để anh tự làm việc một mình như đi cày hay những công việc lặt vặt khác.

    Sinh ra trong gia đình nghèo, từ nhỏ đã thường đi mò cua, bắt ốc nên những ngày tháng đó tuy vất vả, cực khổ nhưng vốn đã quen nên anh có thể chịu đựng được. Với những bạn tù không quen việc nặng nhọc, đôi khi chây lười, không muốn làm, anh Thịnh đã động viên, giúp đỡ để các anh em có thể tích cực cải tạo tốt, mong chờ ngày được giảm án. “Tuy mỗi người ai cũng có lỗi lầm nhưng khi đã cùng chung sống, chúng tôi đều an ủi, tương trợ lẫn nhau để hoàn thành tốt việc cải tạo”, anh Thịnh chia sẻ.

    Với sự chăm chỉ, chịu khó vươn lên trong quá trình thụ án, anh Thịnh đã được giảm án 4 lần (tương đương với 3 - 4 năm tù - PV), thêm lệnh đặc xá, anh được ra tù trước thời hạn gần 7 năm. "Ngày ấy,vui vì được trở về trong vòng tay yêu thương của mái ấm gia đình, vui vì sự nỗ lực của bản thân nhưng tôi cũng rất sợ khi nghĩ tới sự chỉ trò, thì thầm và kì thị của những người xung quanh. Nhưng dù vậy, tôi vẫn quyết định trở về địa phương, làm lại cuộc đời bởi tôi biết mẹ già đang từng ngày, từng ngày chờ con trai trở về", anh Thịnh nhớ lại những ngày tháng đó.

    Anh Nguyễn Văn Thịnh vượt qua lỗi lầm, làm lại cuộc đời từ những buồng chuối

    “Điều khiến tôi bất ngờ và ngạc nhiên nhất khi về nhà đó là mọi người không kì thị, xa lánh và ghét bỏ tôi như tôi đã nghĩ. Ngược lại, bà con hàng xóm xung quanh còn kéo tới động viên, an ủi và khuyến khích tôi làm lại từ đầu”. Nhờ có sự chân tình, sự quan tâm và tấm lòng vị tha của mọi người anh càng có thêm quyết tâm vươn lên, không vì quá khứ lầm lỗi mà tự ti với bản thân. Với hai bàn tay trắng, anh vào Nam lập nghiệp, làm thuê khiếm tiền. Sau 4 năm bươn chải, lăn lộn trên đất khách, năm 2005, anh về quê khi đã tích góp được một ít tiền.

    Lần này trở về, qua sự giới thiệu của người thân, anh làm quen và có tình cảm với chị Hoàng Thị Lương ở xã Trung Thành, huyện Yên Thành. Thấu hiểu được nỗi lòng, trăn trở về quá khứ của anh, chị Lương đã quyết tâm gắn bó với người đàn ông ấy suốt đời.

    “Lúc đó qua mai mối tôi quen anh Thịnh, anh ấy cũng chân thành kể rõ hoàn cảnh, không giấu giếm điều gì. Thấy anh là người có bản chất tốt nên gia đình tôi đều đồng ý cho chúng tôi tìm hiểu”, chị Lương bộc bạch.

    Cảm mến trước tấm lòng vị tha và giàu đức hi sinh của chị Lương, một năm sau khi quen biết, anh Thịnh đã tiến tới hôn nhân với chị Lương, lập gia tề thất để ổn định cuộc sống nơi quê nhà. Ngày hai anh chị cử hành hôn lễ, bà con hàng xóm láng giềng đều tới chung vui, nâng chén rượu mừng và chúc phúc khi anh Thịnh đã tìm được bến đỗ để tiếp thêm sức mạnh, ý chí giúp anh hướng tới tương lai tốt đẹp.

    Do điều kiện kinh tế gia đình hai bên đều khó khăn nên anh không nhờ vả ai giúp đỡ mà lấy số tiền mình tích góp được làm vốn liếng để làm ăn buôn bán. Hàng ngày với sự cần mẫn, chịu khó, anh dậy lúc 3h sáng, đi lên khu vực miền núi như Thanh Chương, Tân Kỳ... mua chuối, mít đưa về miền xuôi bán. Nhờ nghề buôn chuối, đến nay mỗi tháng vợ chồng anh thu nhập từ khoảng 5 - 6 triệu đồng. Thỉnh thoảng bà con lối xóm cũng mua chuối, mít để động viên thêm tinh thần chịu khó, không ngại vất vả của anh, giúp anh dần quên đi lỗi lầm quá khứ. Để có kinh tế trang trải nhiều khoản, vợ chồng anh Thịnh còn chăn nuôi thêm bò, lợn, gà, làm 6 sào ruộng của gia đình.

    Để có thêm thu nhập, vợ chồng anh Thịnh còn chăn nuôi thêm bò, lợn, gà.

    Với nghị lực và bản lĩnh của mình anh Thịnh đến nay đã trở thành người làm ăn giỏi của xóm. Năm 2014, anh Thịnh vinh dự được tham gia Hội nghị biểu dương các cá nhân điển hình thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng ở huyện Yên Thành.

    “Mặc dù trong xóm, trong xã cũng có nhiều hoàn cảnh giống như tôi nhưng được xóm, xã bầu đi tham gia hội nghị tôi rất vui và tự hào”, anh cười hiền từ, ánh mắt sáng khi nhìn hai cậu con trai đang chơi ngoài sân.Trong ánh mắt tự hào, hãnh diện ấy, anh như muốn nói với hai cậu con trai bản lĩnh: nếu cố gắng thì ở trong hoàn cảnh nào, nghị lực của bản thân cũng sẽ giúp chiến thắng số phận.

    Ông Ngô Sĩ Hưng, Công an viên xã Bảo Thành, huyện Yên Thành cho biết: “Anh Thịnh là con người có bản chất tốt, sống chân thành, chan hòa và cũng là một trong những cá nhân tiêu biểu thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng. Anh không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng mà còn tham gia tích cực các hoạt động của xóm, xã, xứng đáng trở thành tấm gương sáng cho những người có quá khứ lỗi lầm noi theo”.

    Chia tay gia đình anh Thịnh thì trời cũng đã về trưa, khi chúng tôi nói lời chào tạm biệt, anh lại nở nụ cười hiền, không quên gửi lời tới những quản giáo cũng như anh em còn ở Trại giam số 3, huyện Tân Kỳ đã yêu thương, đã tạo điều kiện để anh có thể sớm được đoàn tụ với gia đình, đươc làm lại cuộc đời sau quá khứ lỗi lầm.

    Còn với chúng tôi, qua câu chuyện của anh Thịnh, chúng tôi cũng muốn gửi thông điệp tới những người đang thụ án tại các trại giam nói chung và những phạm nhân được đặc xá vào dịp Quốc khánh 2/9 sắp tới nói riêng rằng: Bất cứ một ai cũng có quá khứ và trong quá khứ đó có thể không tránh khỏi việc phạm phải sai lầm. Chỉ cần hối lỗi, chỉ cần có nghị lực vươn lên trong cuộc sống thì đều xứng đáng được mọi người mở rộng vòng tay chào đón. 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/buoc-duong-hoan-luong-cua-mot-thuong-gia-nong-san-a106792.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.