+Aa-
    Zalo

    Các chuyên gia nhận định tính chất vụ cô gái lái xe BMW 140km/h so với vụ người mẫu Ngọc Trinh

    (ĐS&PL) - Liên quan đến vụ một cô gái vừa bị xử phạt hành chính về hành vi điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ, nhiều người thắc mắc về tính chất vụ việc này so với vụ người mẫu Ngọc Trinh "biểu diễn" xe mô tô phân khối lớn cho giống nhau không?

    Như đã đưa tin trước đó, Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) vừa lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với N.T.D.M. (SN 1997, nhân viên kinh doanh showroom ô tô) về lỗi vi phạm điều khiển ô tô chạy quá tốc độ, với mức xử phạt là 11 triệu đồng, theo Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

    Đồng thời cơ quan chức năng cũng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong thời hạn 3 tháng với M. và tạm giữ phương tiện.

    Được biết trước đó, cơ quan công an xác định, M. là người lái xe BMW chạy với vận tốc lên đến 140km/h tại tuyến đường Nguyễn Cơ Thạch, phường An Lợi Đông, TP Thủ Đức. Trong khi đó, theo quy định, tuyến đường này chỉ được chạy với tốc độ tối đa 60km/h. Sau đó hành vi này đã được bạn của M. quay lại và đăng tải lên trang mạng xã hội.

    Khi được cơ quan chức năng mời lên làm việc, cô gái cho biết là nhân viên hãng xe, việc chạy tốc độ cao để thử xe.

    cac chuyen gia nhan dinh tinh chat vu co gai lai xe bmw 140km h so voi vu nguoi mau ngoc trinh
    Chuyên gia pháp lý nhận định tính chất 2 vụ việc vi phạm khác nhau. Ảnh: VTC News, CAND

    Sau khi việc M bị xử phạt, dư luận cho rằng việc mức phạt đó vẫn còn nhẹ, chưa nghiêm khắc khi đối chiếu sự việc vừa qua với vi phạm của Người mẫu Ngọc Trinh.

    Liên quan đến vấn đề này, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty luật Lưu Vũ) đã có chia sẻ trên báo Dân trí. Luật sư Toàn cho rằng, trường hợp này chị D.M. có giấy phép lái xe phù hợp với phương tiện đang tham gia giao thông. Sau khi sự việc xảy ra, cô gái đã gỡ bỏ clip, hợp tác làm việc với cơ quan chức năng và thi hành quyết định xử phạt hành chính.

    Luật sư Toàn nhận định, việc D.M. tự ý đăng tải clip có nội dung xấu, vi phạm Luật Giao thông đường bộ lên không gian mạng cũng là hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để xử phạt vi phạm hành chính với mức 5-10 triệu đồng theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

    Nếu hành vi đưa thông tin trái phép trên mạng được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội có thể bị xử lý hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng, tội Đưa thông tin trái phép trên mạng Internet hoặc các tội danh khác theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.

    Đồng quan điểm trên, luật sư Tô Bá Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng tính chất vụ việc cô gái D.M. hoàn toàn khác biệt với vụ án liên quan tới người mẫu Ngọc Trinh.

    Theo luật sư Thanh, M. chỉ vi phạm quy định giao thông đường bộ (vượt quá tốc độ) nên chỉ bị xử lý về hành chính. Việc cô gái này đưa clip lên trang Facebook cá nhân không tạo ra số lượng lớn người xem và không gây ra mối nguy hiểm cho xã hội. Từ đó, vị luật sư này nói hành vi của M. không đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.

    Báo Giao thông đưa tin, trên thực tế, nhiều cá nhân từng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, thậm chí khởi tố bị can sau khi họ hoặc người liên quan tung clip ghi lại hình ảnh người đó điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật về giao thông. Có trường hợp đã bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng.

    Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, nhìn nhận các sự việc này dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) khẳng định, sau những clip lan truyền trên mạng xã hội như trên, việc cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ để xử lý đối với người vi phạm là cần thiết và có căn cứ.

    Tùy vào hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra, người vi phạm giao thông đường bộ sẽ bị phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    "Nếu có căn cứ chứng minh vi phạm giao thông gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự", luật sư Cường nêu quan điểm.

    Về chế tài, luật sư nhấn mạnh, người vi phạm có thể bị truy cứu về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo Điều 260 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt gồm phạt tiền lên đến 100 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

    Điều 260 Bộ luật Hình sự còn quy định vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền tối đa 50 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

    Đối với hành vi đưa thông tin trái phép trên internet, nếu hành vi này gây tác động tiêu cực cho xã hội, hậu quả được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng hoặc tội đưa thông tin trái phép trên mạng internet...

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cac-chuyen-gia-nhan-dinh-tinh-chat-vu-co-gai-lai-xe-bmw-140km-h-so-voi-vu-nguoi-mau-ngoc-trinh-a603646.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan