Rác thải nhựa đang tấn công đại dương và nguy cơ của ngành du lịch


Thứ 7, 30/03/2019 | 01:54


Được thiên nhiên ưu đãi với đường bờ biển dài và đẹp, ngành du lịch biển của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển.

Được thiên nhiên ưu đãi với đường bờ biển dài và đẹp, ngành du lịch biển của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm biển do thói quen xả thải rác bừa bãi đã và đang là rào cản lớn khiến ngành du lịch không khai thác hết được tiềm năng vốn có. Với thông điệp “biển sạch – du lịch xanh”, tại Hội trại Thanh niên với sống Xanh, thầy và trò Khoa Du Lịch – ĐH Đại Nam kêu gọi cộng đồng xã hội cùng chung tay làm sạch biển. 

Báo động lượng rác thải nhựa trong đại dương 

Rác thải nhựa đang "tấn công" đại dương làm nên tình trạng ô nhiễm biển nghiêm trọng.

Trong một báo cáo năm 2018, chính phủ Anh cho biết nếu chúng ta không có những hành động mạnh mẽ và quyết liệt thì lượng nhựa ở các đại dương sẽ tăng gấp 3 lần trong vòng một thập kỉ tới. Thống kê gần đây cũng cho thấy, 5 nước châu Á gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đóng góp tới 60% tổng lượng rác thải nhựa ra biển. Và gần đây nhất là hình ảnh chú cá voi chết, trôi dạt trên bờ biển Philipines chứa trong bụng 155 ly nhựa, 25 túi nhựa, 4 dôi dép xốp, hơn 1000 mảnh nhựa khác… khiến mọi người không khỏi bàng hoàng.

Rác thải nhựa đang tấn công đại dương, biến đại dương thành bãi rác khổng lồ; phá vỡ hệ cân bằng sinh thái biển; làm tuyệt chủng nhiều loài sinh vật biển; đe dọa ngành du lịch ; ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của con người… Vậy đâu là nguyên nhân? 

Theo các chuyên gia môi trường, thói quen xả thải rác bừa bãi; trộn lẫn các loại rác thải với nhau; suy nghĩ bỏ rác vào thùng xong là xong; xả thải các chất độc hại ra biển… là những nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm biển ngày càng trở nên trầm trọng như hiện nay. 

Thầy trò Khoa Du lịch – ĐH Đại Nam kêu gọi cộng đồng chung tay “làm sạch biển”

Thực tế cho thấy, không có con người biển vẫn tồn tại, nhưng không có biển thì con người khó mà tồn tại được. Vậy, tại sao chúng ta lại đang “thắt nút” chính cuộc sống của mình?


Sinh viên Khoa Du lịch - ĐH Đại Nam tự tay chuẩn bị cho Hội trại, truyền thông điệp "hãy làm sạch biển".


Chia sẻ với chúng tôi, thầy Trần Sỹ Nguyên – Trưởng Khoa Du lịch nhấn mạnh: “Biển không sạch – du lịch không thể xanh. Ô nhiễm biển đang kìm hãm sự phát triển của du lịch; tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển; làm hại đến cuộc sống, sức khỏe và tương lai của con người… Nếu không kịp thời hành động, tác hại sẽ khôn lường.” 


Thông điệp giảm sử dụng nhựa trong cuộc sống và phân loại rác đúng cách của Khoa Du lịch được thể hiện sinh động, hấp dẫn.


Cũng theo thầy Trần Sỹ Nguyên, tình trạng ô nhiễm biển đã khiến doanh thu của ngành du lịch sụt giảm rất nghiêm trọng trong những năm gần đây khi  không khai thác được tiềm năng cũng như không giữ chân được du khách trong và ngoài nước.

Đứng trước thực trạng đó, ngày 21/3, tại Hội trại Thanh niên với sống Xanh của Trường ĐH Đại Nam, Khoa Du lịch chọn chủ đề “biển sạch – du lịch xanh” với lời kêu gọi “hãy làm sạch biển” làm chủ để cho gian trại của mình.

Với chủ đề thời sự nóng bỏng, trực tiếp liên quan đến ngành học, thầy và trò Khoa Du lịch đã rất công phu từ việc lên ý tưởng, triển khai xây dựng các thông điệp muốn truyền tải. Tất cả đều được làm bằng tay, cầu kỳ, khéo léo và sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường sống. 

The sea doesn’t need people, but people need the sea!” – một trong những thông điệp Khoa Du lịch muốn truyền tải trong chương trình Hội trại truyền thống của Nhà trường.

Chia sẻ với chúng tôi, bạn Vũ Thị Ánh – sinh viên Khoa Du lịch cho biết:“Bằng những vật liệu tái chế và màu sắc, chúng em mong muốn tái chế và giảm thiểu các loại rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa trong cuộc sống. Chúng em không in phông bạt vì biết chúng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường này…”


Với sự chuẩn bị công phu, sáng tạo, gian trại của Khoa Du lịch thực sự thu hút và để lại ấn tượng mạnh mẽ từ hình ảnh chú cá voi chết trên bờ biển Philipines đến 9 cách giảm thiểu sử dụng đồ nhựa trong cuộc sống, cách phân loại rác trong gia đình, thông điệp “the sea doesn’t need people, but people need the sea!”…


Hình ảnh chú cá voi chết trên bờ biển, trong bụng chứa rất nhiều nhựa được thầy trò Khoa Du lịch thể hiện sinh động trong chương trình hội trại năm nay.


“Một người bạn trong lớp em đang phải chiến đấu với bệnh ung thư. Chúng em làm hội trại như một món quà tinh thần gửi đến bạn của mình. Đồng thời qua sự kiện này, chúng em muốn kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường sống từ những điều nhỏ nhất vì sức khỏe của chính mình và những người xung quanh…”, Ánh tâm sự.

Với thông điệp ý nghĩa, có tính thời sự cao, gian trại của Khoa Du lịch nhận được sự đánh giá cao từ Ban Giám khảo và tác động mạnh mẽ đến nhận thức, hành động của con người. 


Cách giảm thiểu và tái sử dụng rác trong cuộc sống:

Giấy đã dùng 1 mặt có thể tái sử dụng vào nhiều việc, như: Giấy nháp, giấy nhớ, vẽ, gấp đồ, đựng đồ…; Các loại đồ nhựa có thể dùng làm vật chứa, trang trí, trồng cây, làm đồ handmade…; Hộp sữa gồm phần hộp và ống hút, phần hộp có thể tái chế làm mái lợp giống mái tôn chống nóng rất tốt, phần ống hút có thể làm các mô hình handmade; Quần áo không sử dụng chúng ta  nên mang đi từ thiện nếu còn sử dụng được, còn lại có thể làm đồ dễ thương tiện dụng trong nhà, may thành túi vải…

Đặc biệt, với túi nilon 1 lần nên rửa sạch để tái sử dụng, trong trường hợp không còn sử dụng được nữa nên rửa sạch để khô ráo và làm EcoBrick. 

Thanh Xuân – Thu Hòe

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/rac-thai-nhua-dang-tan-cong-dai-duong-va-nguy-co-cua-nganh-du-lich-a268670.html