Tây Nguyên: Khi tài nguyên đất bị rửa trôi


Thứ 6, 29/08/2014 | 10:50


Theo những chuyên gia về môi trường, Tây Nguyên là vùng đất bị tác động bởi hiện tượng rửa trôi nặng nề và kéo dài nhất.

Theo những chuyên gia về môi trường, Tây Nguyên là vùng đất bị tác động bởi hiện tượng rửa trôi nặng nề và kéo dài nhất. 
Là một vùng đất rộng lớn với diện tích chừng 5,4 triệu hec-ta, Tây Nguyên là dải đất có độ cao trung bình hơn 1.000m so với mực nước biển và so với những vùng đất khác, được hình thành từ rất lâu bởi những biến đổi của địa tầng nơi đây. Do đặc điểm cấu tạo tự nhiên như vậy và thêm một số nguyên nhân chủ quan, như sự lột đi quá nhanh của những thảm thực vật bề mặt đã khiến một phần rất lớn tài nguyên đất đai nơi này đang ngày ngày bị rửa trôi, bị nước cuốn đi gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về môi trường và hệ sinh thái trong vùng.
Nguy cơ bị xem thường
Theo một báo cáo chưa đầy đủ, mỗi năm vùng tài nguyên đất đai ở Tây Nguyên (gồm các tỉnh Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắc Nông) bị cuốn trôi hàng trăm triệu tấn theo các con sông lớn như Mê-kông, sông Đồng Nai, sông Kôn… Theo đó, từ hàng ngàn các nhánh sông nhỏ, những con suối len lỏi ở đại ngàn, đất đai bị nước mưa cuốn đến những sông lớn rồi từ đó, chảy ra biển. Ngoài những đất đai, khoáng chất trong đất cũng bị rửa trôi rất nhiều, đặc biệt là những thời gian cao điểm về mùa mưa như hiện nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất của người dân, đặc biệt là môi trường sống bền vững đã bị đe dọa nghiêm trọng. Ngoài đất, những khoáng chất màu mỡ trong đất như N, K2O, P2O5… rất tốt cho cây trồng đã ngày ngày bị dòng nước cuốn trôi khiến cho vùng đất màu mỡ này ngày càng trở lên nghèo nàn và hoang hóa.
Truyền thông - Thương hiệu - Tây Nguyên: Khi tài nguyên đất bị rửa trôi
Một số nông dân ở vùng hạ lưu ven sông Sê Rê Pôk, con sông lớn nhất Tây Nguyên, ở Đắc Lắc, nơi giáp ranh với biên giới Campuchia chia sẻ rằng, nhiều đêm, sau những trận lũ quét ở những cánh rừng đầu nguồn nơi đây, cả một vạt đất đai rộng lớn bị cuốn trôi xuống dòng sông. Mất đất, thứ tài nguyên bazan quý giá của vùng đất này, kéo theo đó là vô vàn những hệ lụy đáng tiếc khác mà con người và động thực vật sống nơi này sẽ bị ảnh hưởng. Đầu tiên chính là việc người dân bị mất đất sản xuất, bị giảm thiểu nơi canh tác, ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Nhưng, nguy cơ tiềm ẩn lớn hơn đó chính là môi trường sống của con người cùng hệ động, thực vật nơi đó. Có thể nói, cả hệ sinh thái động thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng hoặc teo tóp đi khi tài nguyên đất bị mất. Ai cũng biết rằng, mất tài nguyên đất đai là một tình trạng mà gần như không bao giờ con người có thể khôi phục lại nguyên trạng như ban đầu được. Không những nông dân, rất nhiều các công trình phúc lợi xã hội khác như đường sá, cầu cống, trường học… cũng đã bị sạt lở, sụt lún do những tác động của tình trạng một số vùng đất bị rửa trôi mất đi khiến nhiều người rất bất an.
Vậy nhưng, bất chấp những thực tế và báo cáo của những địa phương như Đắc Lắc, Đắc Nông về hiện tượng rửa trôi và nghèo nàn dinh dưỡng của đất, tình trạng mất mát tài nguyên quý giá này vẫn bị xem nhẹ, chưa thực sự được quan tâm cũng như cảnh báo đúng mức. Có thể nói, nó cũng tương tự tình trạng sạt lở ở những vùng ven sông khác, tình trạng bị rửa trôi đất đai cũng có những tác hại khôn lường như vậy. Nghĩa là, trong hầu hết các báo cáo về môi trường, tình trạng bị rửa trôi của đất đều chưa được quan tâm đúng mức và có những hướng can thiệp kịp thời để ngăn chặn.
Những biện pháp cần thiết
Theo những chuyên gia về môi trường, Tây Nguyên là vùng đất bị tác động bởi hiện tượng rửa trôi nặng nề và kéo dài nhất. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng thực tế, chỉ có một vài đặc điểm chính như sau. Một là địa hình của vùng đất này có cấu tạo độ dốc lớn. Nguyên nhân này khiến tài nguyên đất đai dễ bị cuốn trôi đi bởi những tác động nhỏ, kèm theo đó là sạt lở và sụt lún. Đây là yếu tố khách quan bởi những dải đất có độ cao không đều, đồi núi đan xen khiến đất dễ bị tác động và khó có khả năng thích ứng cũng như ngăn chặn. Nguyên nhân thứ hai, cũng quan trọng không kém đó chính là tình trạng biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết ngày càng thất thường. Lượng mưa bình quân của Tây Nguyên trong vài năm trở lại đây lớn hơn và kéo theo đó, đất đai cũng bị rửa trôi nhiều hơn. Theo đó, mưa càng nhiều, các dòng chảy mà nước mưa tạo lên càng lớn, càng nhiều sẽ khiến lượng đất đai bị cuốn trôi càng nhiều hơn. Cuối cùng, một nguyên nhân rất quan trọng nữa là tầng mặt của đất đai ở đây đang bị bóc đi từng ngày. Nghĩa là những thảm rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, nơi đảm bảo có thể gìn giữ cho đất đai không bị nước cuốn đi đã không còn. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến tài nguyên đất đang bị mất mát hàng ngày, hàng giờ.
Có thể nói, tuy đã xác định được rằng, để ngăn chặn và làm chậm quá trình rửa trôi của đất đai nơi đây, con người cần có những tác động phù hợp và cần thiết tới những nguyên nhân chủ quan như đã nêu ở trên nhưng thực tế, việc đó là rất khó khăn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nếu tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên không tràn lan như hiện nay thì chắc chắn, quá trình rửa trôi của đất sẽ không ở mức đáng báo động. Nghĩa là, những thảm rừng sẽ như những tấm lá chắn che chở và bảo vệ đất đai không bị cuốn đi mất khỏi dải đất Tây Nguyên này. Thế nhưng thực tế, tác hại của việc phá rừng ghê gớm hơn rất nhiều với những điều mà người ta tưởng tượng, đặc biệt là ở Tây Nguyên. Hệ sinh thái đất đai biến mất đã ảnh hưởng trực tiếp tới rất nhiều loài sinh vật sinh sống trong vùng, đặc biệt là con người.
Truyền thông - Thương hiệu - Tây Nguyên: Khi tài nguyên đất bị rửa trôi (Hình 2).
Không những thế, rất nhiều công trình thủy điện cũng làm cho quá trình rửa trôi đất nơi đây diễn ra nhanh hơn. Có nhiều người cho rằng, những đập thủy điện cắt ngang dòng sông có thể khiến tài nguyên đất không bị rửa trôi nhưng thực tế nó lại diễn ra hoàn toàn ngược lại. Nghĩa là, các hệ thống thủy điện đã làm tăng vận tốc các dòng chảy, làm bào mòn đi hệ thống sông suối mang nước ở các chi lưu tới cũng như việc xả nước mùa mưa càng làm cho đất đai bị cuốn đi nhiều hơn. Cuối cùng, cũng do thủy điện nên rừng bị tàn phá nhiều hơn. Ngoài ra, việc khai thác khoảng sản như đất hiếm, ti-tan, vàng, bạc, thiếc… ở đây cũng khiến tình trạng đất đai bị rửa trôi thêm nặng nề. Do đặc điểm của vùng đất này có rất nhiều các mỏ tài nguyên khoáng sản chưa được quy hoạch, nằm rải rác trong những cánh rừng, khu dân cư khiến chúng biến thành những công trường cho những kẻ khai thác trái phép đào bới. Vì thế, rất nhiều khu vực đã bỗng chốc trở lên tan hoang sau khi bị khai thác những khoáng sản. Hơn nữa, để tìm được một lượng khoáng sản nhất định, cách thông thường mà nhiều người ở đây vẫn làm là rửa trôi bằng dòng nước để khoáng sản lộ ra. Đấy chính là nguyên nhân khiến nhiều vùng đất đai bị mất đi mà không cách gì ngăn chặn được.
Không những tài nguyên đất đai bị mất đi mà theo nhiều nhà địa chất, chất lượng đất đai ở Tây Nguyên cũng bị suy giảm nghiêm trọng. Trước kia, người ta coi Tây Nguyên là một vùng đất bazan màu mỡ bậc nhất, rất tốt cho nhiều loại cây trồng từ nông nghiệp đến công nghiệp. Hầu hết những cây trồng ở đây đều phát triển thuận lợi, cho năng suất đạt yêu cầu mà không cần phải sử dụng nhiều tới các loại phân bón hóa chất. Thế nhưng hiện nay, nhiều nông trường trồng cà phê, trồng trà ở vùng Đạ Hoai, Bảo Lộc, Di Linh (Lâm Đồng) cho biết rằng, nếu không có phân bón hóa học, cây trồng hầu như không bao giờ cho năng suất như dự tính. Nguyên nhân là đất đỏ đã bạc màu rất nhiều, khoáng chất và dinh dưỡng của đất đang ngày một nghèo nàn đi mà nguyên nhân chủ yếu là do bị nước rửa trôi. Đặc biệt, do địa hình nhiều sườn đồi tầng lớp, nên ở những vạt vòng cung như vậy, cây trồng rất khó phát triển. Đây là ảnh hưởng rất lớn tới đời sống sinh hoạt của con người mà tài nguyên đất đã tác động tới.
Đoàn Đại Trí
CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H
LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM
ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
 HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tay-nguyen-khi-tai-nguyen-dat-bi-rua-troi-a48696.html