+Aa-
    Zalo

    Cặp vợ chồng ở Hà Nội hơn 10 năm chật vật "tìm con"

    (ĐS&PL) - Ròng rã "tìm con" suốt 10 năm vì người vợ suy giảm buồng trứng nặng, may mắn mỉm cười sau cú lộn ngược dòng nhờ phương pháp gom trứng giúp cặp vợ chồng đón con yêu.

    10 năm "tìm con"

    Bắt đầu “tìm con” từ năm 2013, gia đình chị Trần Tuyết Anh và anh Nguyễn Anh Tú (cùng sinh năm 1990, tại Hà Nội) đã gặp không ít thử thách khi người vợ phát hiện chỉ số AMH của mình thấp khác thường.

    Mỗi người phụ nữ có lượng trứng cố định và chỉ số AMH giúp đánh giá khả năng dự trữ buồng trứng của họ, chỉ số AMH dưới 2ng/mL đồng nghĩa giảm dự trữ buồng trứng.

    Với trường hợp của chị Tuyết Anh: “Chỉ số dự trữ buồng trứng AMH của mình đã về mức 0,01. Về 0 thì mình có muốn làm cũng không có cơ hội nữa. Hai vợ chồng quyết định sẽ gom trứng, gom phôi để làm tất cả những gì có thể và không còn gì ân hận”.

    Cặp vợ chồng ở Hà Nội hơn 10 năm chật vật "tìm con" - 1

     

    Bình thường ở phụ nữ dữ trữ buồng trứng (AMH) dưới 38 tuổi khoảng từ 2,2 đến 6,8 ng/mL. Nếu AMH quá thấp dưới 0,5 ng/mL đây là một dấu hiệu cho thấy có rất ít trứng được dự trữ và khả năng mang thai là vô cùng khó khăn. Nếu AMH thấp khoảng từ 1,0 - 1,5 ng/mL đồng nghĩa với việc khả năng dự trữ buồng trứng bị suy yếu. Còn nếu AMH quá cao trên 10 ng/ mL sẽ gợi ý đến bệnh buồng trứng đa nang.

    Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, AMH là một hormon được tiết ra từ tế bào nang buồng trứng của phụ nữ. AMH là chỉ số để đánh giá chính xác khả năng sinh sản của buồng trứng ở nữ giới.

    "AMH giảm vẫn hoàn toàn có thể có thai tự nhiên được. Tuy nhiên, chỉ số này cảnh báo bạn nên có thai sớm. Để càng lâu, chỉ số AMH giảm, dự trữ buồng trứng giảm thì cơ hội có con sẽ khó khăn hơn. Nếu giảm đến mức độ chẩn đoán suy buồng trứng thì cơ hội có thai tự nhiên rất thấp”, BS Trung lý giải.

    Vợ chồng chị Tuyết Anh đã thử áp dụng phương pháp Thụ tinh nhân tạo (IUI) và Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tuy nhiên những lần đó đều cho kết quả không như mong đợi. Sau nhiều lần thất bại trên hành trình tìm con, đã có nhiều bác sĩ ở các bệnh viện khác tư vấn phương án xin trứng nhưng anh chị vẫn quyết tâm, mong muốn được sinh ra những đứa con bằng chính trứng của mình.

    Năm 2022, anh chị tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ đã tư vấn phương pháp Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) từ trứng và tinh trùng của bố mẹ theo nguyện vọng của hai vợ chồng. Chị Tuyết Anh nhớ lại: “Lần đấy vợ chồng mình suy nghĩ, đây có lẽ là lần cuối nên quyết làm tất cả những gì có thể và không còn gì ân hận nữa”.

    Bác sĩ Trung cho biết: “Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đang áp dụng rất thành công phương pháp trữ noãn. Để tăng khả năng thành công cho bệnh nhân thì bác sĩ chỉ định kích trứng, sau đó sẽ đông lại noãn cho bệnh nhân nhiều chu kỳ để có một lượng noãn nhất định, sau đó thì tạo phôi. Khi có nhiều noãn thì khả năng có nhiều phôi hơn, khi nhiều phôi thì cơ hội đậu thai của họ sẽ lớn hơn”.

    Nhờ có phác đồ điều trị phù hợp cùng sự hỗ trợ động viên của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị, hành trình tìm con của vợ chồng chị Tuyết Anh đã được thắp sáng. “Nhiều bệnh viện cần đóng toàn bộ chi phí IVF trong một lần. Còn tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, mình được làm đến đâu chi trả đến đấy, như vậy cũng thuận lợi hơn trong quá trình chuẩn bị kinh tế phù hợp để tìm con”, chị chia sẻ.

    Sau hơn 10 năm mòn mỏi chờ đợi, năm 2023 chị Tuyết Anh nhận tin vui đậu thai. Niềm hân hoan chưa kịp kéo dài, tại tuần thứ 19 của thai kỳ, chị gặp tình trạng rỉ ối, thai doạ sảy. Khi này, cổ tử cung mở trước khi thai đủ tháng, cổ tử cung bị suy yếu và khó có thể giữ được thai, do vậy bác sĩ chỉ định thực hiện khâu eo cấp cứu.

    Tưởng chừng mọi chuyện suôn sẻ, thế nhưng thử thách lại một lần nữa đến với đôi vợ chồng trẻ

    Tưởng chừng mọi chuyện suôn sẻ, thế nhưng thử thách lại một lần nữa đến với đôi vợ chồng trẻ

    Khâu eo cổ tử cung là kỹ thuật khâu vòng một sợi chỉ quanh cổ tử cung, đây được coi là phương pháp có giá trị dự phòng sinh non tối ưu cho đến thời điểm hiện tại đối với các thai phụ có tiền sử sinh non hoặc hở eo tử cung trước khi thai đủ tháng.

    Tuần thứ 24 của thai kỳ, chị Tuyết Anh tiếp tục gặp tình huống dọa sinh non phải khâu eo cổ tử cung thêm một lần nữa. Do đã từng thực hiện thủ thuật chỉ hơn một tháng trước đó, kết hợp với việc mang thai đôi nên lần khâu eo này trở nên khó khăn hơn bội phần.

    Nhớ lại lần khâu đầy căng thẳng đó, Ths.BS Hoàng Văn Khanh, người trực tiếp thực hiện khâu eo cổ tử cung cho chị Tuyết Anh, cho biết: “Trường hợp của bệnh nhân Tuyết Anh rất khó thực hiện kỹ thuật khâu cổ tử cung và khi khâu sẽ có nguy cơ vỡ ối rất cao, thậm chí gây tổn thương cổ tử cung. Tại thời điểm 24 tuần tôi thực hiện khâu eo cổ tử cung cho bệnh nhân Tuyết Anh. May mắn là sau lần khâu eo tử cung thứ 2 này, mọi thứ đều êm xuôi, đến nay bạn ấy đã sinh 2 em bé kháu khỉnh.”

    Hạnh phúc vỡ òa khi chạm tới ba chữ “được làm mẹ”

    Tháng 1/2024, sau bao ngày vất vả mong chờ, ước mơ về một gia đình có tiếng khóc, tiếng cười trẻ thơ của cô giáo tiểu học Tuyết Anh đã trở thành hiện thực:“Có hai con, hai vợ chồng đều cảm thấy cuộc sống đầy đủ và trọn vẹn hơn”.

    Hạnh phúc ngập tràn sau 10 năm "tìm con"

    Hạnh phúc ngập tràn sau 10 năm "tìm con"

    Bác sĩ Khanh chia sẻ: "Các bác sĩ nghĩ tất cả những bệnh nhân trên hành trình tìm con thì luôn luôn cố gắng vững tin vào chúng tôi. Thật sự đối với bệnh nhân Tuyết Anh, các bác sĩ không thuyết phục nhiều bởi vì bạn ấy đã có sẵn câu trả lời rồi. Một ca rất kỳ tích và vượt ngoài mong đợi của mình”.

    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan