+Aa-
    Zalo

    Chiêm ngưỡng những ngôi nhà được xây bằng vỏ sò

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều người lần đầu đặt chân đến vùng biển Quỳnh Long, Quỳnh Tiến...huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã không khỏi ngỡ ngàng trước những ngôi nhà được xây từ các vỏ sò biển

    Nhiều người lần đầu đặt chân đến vùng biển Quỳnh Long, Quỳnh Tiến, Sơn Hải, Quỳnh Phương huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã không khỏi ngỡ ngàng trước những ngôi nhà cũ kỹ, rêu phong được xây từ những vỏ sò biển.

    Trên những con đường quanh co chạy khắp xóm biển, đâu đâu người ta cũng nhìn thấy sò. Sò dưới chân, sò lấp lóa chen chúc trên các mảng tường, trong những ngôi nhà hoang cũ kỹ, đổ nát, ruột của bức tường cũng phô ra chi chít mảnh vỏ sò rồi những giếng nước công cộng được xây dựng từ thời Pháp thuộc cũng bằng vỏ sò.

    Không chỉ có nhà ở được dựng nên bằng sò mà tất cả những gì thuộc về công trình xây dựng đều bằng vỏ sò. Người ta gọi những ngôi làng vùng biển này là làng vỏ sò.

    Vỏ sò là vật liệu xây dựng từ nhà ở, nhà bếp, công trình công cộng cho đến những bức tường làm ranh giới đất đai nhà này nhà khác đều được xây dựng bởi một chất liệu rất độc đáo.

     

    Vùng quê nghèo nằm ven biển miền Trung quen với thời tiết khắc nghiệt, hết nắng nóng như thiêu như đốt lại đến mưa bão hoành hành, mỗi năm đến gần chục cơn bão. Do vậy mà từ trước tới nay, người dân ở đây toàn xây cất những căn nhà vừa thấp, vừa nhỏ. Thông thường người ta dùng gạch nung xây nhà thì ở đây, hầu hết những ngôi nhà được xây dựng từ trước những năm 90 của thế kỷ trước đều bằng vỏ sò, loại vật liệu lấy từ biển. Tính ra mỗi căn nhà được dựng nên bởi hàng nghìn, hàng vạn vỏ con sò biển.

    Những ngôi nhà ở đây thường được xây dài 3 hoặc 5 gian, thấp, nền làm bằng đất. Theo thời gian những bức tường bốn bên đã bong nhiều lớp hồ phía ngoài để lộ ra những vỏ sò lởm chởm. Để đủ vỏ sò xây dựng, ngày hai bữa người dân phải ra biển cào vỏ sò mang về, tập kết một đống cao như cái nhà bếp. Thời gian đó mất khoảng 2 đến 3 năm. Sau đó vỏ sò được nhào với vôi tôi, đúc thành từng viên rộng bằng vài ba cái bánh chưng bây giờ.

    Tuy lớp da bên ngoài ít nhiều đã bong đi nhưng trời mưa mấy thì mưa không bao giờ nước thấm vào trong. Những cái vỏ sò này thật kỳ lạ. Khi còn ướt được nhào với vôi thì chúng dễ vỡ vụn lắm. Nhưng càng lâu theo thời gian thì nó càng chắc và không thấm nước.

     

    Những ngôi nhà này đã cũ kỹ, chỗ thì rêu phủ, chỗ thì bị bong lớp da xuống để lộ ra hàng nghìn hàng vạn vỏ sò cứ thể như nó đang bám chặt lấy những bức tường nhà.

    Vùng biển này rất nhiều vỏ sò được sóng đánh dạt vào bờ. Ngày trước, vật liệu xây dựng còn hiếm hoi và đắt đỏ, người dân phải lấy vỏ sò để làm thay gạch như bây giờ. Nhà làm bằng vỏ sò tuy nhìn nặng nề và xây dựng hơi khó khăn nhưng nó chắc chắn vô cùng. Không những thế, mùa đông thì ấm mà mùa hè mát.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chiem-nguong-nhung-ngoi-nha-duoc-xay-bang-vo-so-a49058.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan