+Aa-
    Zalo

    Chiều nay 15/9, siêu bão Mangkhut giật cấp 17 sẽ tiến vào Biển Đông

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Do ảnh hưởng của bão, từ sáng nay (15/09) vùng biển Đông Bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh cấp 14-15, giật trên cấp 17, biển động dữ dội.

    Do ảnh hưởng của bão, từ sáng nay (15/09) vùng biển Đông Bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh cấp 14-15, giật trên cấp 17, biển động dữ dội.

    Dự báo đường đi của siêu bão Mangkhut. Ảnh: NCHMF

    Hồi 4h ngày 15/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 121,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Lu-Dông (Phi-líp-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (185-200km/h), giật trên cấp 17.

    Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão Mangkhut di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Như vậy, khoảng trưa và chiều nay siêu bão sẽ đi vào khu vực Đông Bắc của Biển Đông.

    Do ảnh hưởng của bão, từ sáng nay ở vùng biển Đông Bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh cấp 14-15, giật trên cấp 17, biển động dữ dội.

    Đến 1h ngày 16/9, vị trí tâm bão ở khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, cách đảo bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 680km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-185km/giờ), giật cấp 17; phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 400km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 200km tính từ vùng tâm bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3-4.

    Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển Đông Bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh dần lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14-15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.

    Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông.

    Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 01 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở khoảng 21,9 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 16. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

    Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 01 giờ ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 22,6 độ Vĩ Bắc; 104,3 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3, riêng tỉnh Quảng Ninh cấp 4.

    Cảnh báo: Từ ngày 17-19/9, hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ từ 200-300mm, vùng núi phía Bắc có nơi trên 300mm; khu vực Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa từ 100-200mm.

    Cũng theo chuyên gia dự báo khí tượng, trước khi bão vào Lôi Châu, có thể gây sóng biển cao 12-14 mét, tuy nhiên khi vào vịnh Bắc bộ, sóng có thể 6-7 mét, mức nước biển dâng khoảng 2 mét ở khu vực Móng Cái.

    Lên kịch bản chi tiết ứng phó với siêu bão

    Chiều ngày 14/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp khẩn với 27 tỉnh, thành từ Nghệ An trở ra ứng phó với siêu bão Mangkhut.

    Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, siêu bão Mangkhut gây sóng cao tới 14m ở khu vực Bắc biển Đông, cao 5m ở quần đào Hoàng Sa, giữa biển Đông. Nước biển dâng và sóng ở khu vực ven bờ cao từ 4-5m. 

    Đặc biệt, ông Hoài lưu ý siêu bão này cũng có nét tương đồng với các cơn bão gây thiệt hại lớn trước đó. Chẳng hạn bão số 10 năm 2017 đổ bộ Hà Tĩnh cấp gió 10-11, đã gây thiệt hại nặng nề hệ thống đê biển trên phạm vi rộng từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Hay bão số 7 năm 2005 có cường độ tương đương bão Mangkhut, triều cường cao hơn 0,5m đã làm vỡ đê biển ở Hải Phòng và Nam Định. Bão số 1 năm 2016 gió chỉ cấp 9-10, làm gần 16.000 cột điện bị gãy đổ, gây mất điện hoàn toàn 4 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình.

    Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương kiên quyết gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, hướng dẫn tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu để đảm bảo an toàn. Tùy theo tình hình cụ thể của địa phương, thực hiện cấm biển, kể cả các tàu vận tải và du lịch xong trước 10 giờ ngày 16/9.

    Các địa phương gia cố, đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, tập trung thu hoạch sớm các khu nuôi trồng thủy sản để giảm thiểu thiệt hại. Tổ chức sơ tán người dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven sông, ven biển đến nơi an toàn và hoàn thành trước 17 giờ ngày 16/9.

    Đối với các tỉnh khu vực ven biển, xem xét cho học sinh nghỉ học vào ngày 17/9; cấm giao thông trên các vị trí trọng điểm đặc biệt là với cầu vượt biển… Cùng đó, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, thu hoạch các diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, tiêu gạn nước đệm để chống úng.

    Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý Mangkhut là cơn bão rất mạnh, lại đi vào khu vực đông dân cư, hạ tầng kinh tế, xã hội rất quan trọng, nên nếu ứng phó không kịp thời, thiệt hại rất khôn lường; Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng phương án chi tiết kịch bản, trong đó chủ động lực lượng, trang thiết bị, phương tiện vật tư để ứng phó với cơn bão. Các địa phương tuân thủ nghiêm việc cấm biển, đảm bảo tuyệt đối an toàn trên biển, kể cả tàu cá, tàu du lịch, vận tải, trên các lồng bè, chòi nuôi trồng thủy sản. Những khu vực nguy hiểm ven biển, vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở cần tổ chức di dân sớm.

    Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo việc vận hành liên hồ chứa và đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ đập thủy điện và thủy lợi, đặc biệt hồ chứa nhỏ, đập đất lâu năm đã đầy nước.

    Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lập các đoàn ở T.Ư đi chỉ đạo công tác phòng chống bão ở khu vực trọng điểm. “Với lãnh đạo tỉnh ủy, ủy ban, giám đốc các sở ngành phải có mặt chỉ đạo những địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão để chỉ đạo, giúp dân giảm thiểu thiệt hại tính mạng, của cải”- Phó Thủ tướng nói.

    NGUYỄN QUỲNH (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chieu-nay-159-sieu-bao-mangkhut-giat-cap-17-se-tien-vao-bien-dong-a244084.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan