+Aa-
    Zalo

    Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp nhà nước nhận lương cao nhất 70 triệu/tháng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH, mức lương cơ bản của Chủ tịch HĐTV, HĐQT tại một số doanh nghiệp nhà nước cao nhất là 70 triệu đồng/tháng.

    Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH, mức lương cơ bản của Chủ tịch HĐTV, HĐQT tại một số doanh nghiệp nhà nước cao nhất là 70 triệu đồng/tháng.

    Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có thể được hưởng mức lương cao nhất 70 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa

    Pháp luật TP HCM thông tin, Bộ LĐTB&XH đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định Thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

    Theo đó, mức lương cơ bản của các thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị (HĐQT) có mức lương cơ bản loại 1 là 70 triệu đồng/tháng, loại 2 là 60 triệu đồng/tháng.

    Thành viên Hội đồng thành viên, HĐQT; Trưởng ban kiểm soát có mức lương loại 1 là 60 triệu đồng/tháng, loại 2 là 50 triệu đồng/tháng.

    Kiểm soát viên có mức lương tháng loại 1 là 50 triệu đồng, loại 2 là 40 triệu đồng.

    Báo Thanh Niên thông tin thêm, Bộ LĐ- TB&XH cũng đưa ra hai phương án tiền lương:

    Phương án 1 (quy định tiêu chuẩn dựa trên quy mô hiện hành). Ở phương án này, lương loại 1, áp dụng đối với công ty có chỉ tiêu kế hoạch hàng năm: vốn chủ sở hữu từ 10.000 tỷ đồng trở lên; doanh thu từ 50.000 tỷ đồng trở lên và có 10 đầu mối quản lý (công ty con hạch toán độc lập hoặc phụ thuộc) hoặc tổng số lao động sử dụng từ 5.000 người trở lên.

    Lương loại 2, áp dụng đối với công ty có chỉ tiêu kế hoạch hàng năm: Vốn sản xuất, kinh doanh dưới 10.000 tỷ đồng; doanh thu dưới 50.000 tỷ đồng và có dưới 10 đầu mối quản lý hoặc tổng số sử dụng lao động dưới 5.000 người.

    Phương án 2 (căn cứ quy mô hiện hành để ấn định loại công ty. Theo phương án này, lương loại 1 áp dụng đối với công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Loại 2, áp dụng đối với công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

    Ngoài ra, Bộ LĐ- TB&XH cũng quy định mức tiền lương kế hoạch xác định theo mức cơ bản gắn với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu kế hoạch so với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận thực hiện năm trước liền kề.

    Cụ thể, trường hợp lợi nhuận và tỷ suất lợi nhận kế hoạch bằng hoặc cao hơn lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 2 lần mức lương cơ bản.

    Trường hợp lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận kế hoạch thấp hơn không quá 50% so với lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch tối đa được tính bằng 2 lần mức lương cơ bản nhân với tỷ lệ % giữa lợi nhuận kế hoạch so với lợi nhuận năm trước liền kề.

    Trong trường hợp lợi nhuận thấp hơn dưới 50% so với lợi nhuận năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch tối đa được tính bằng 1 lần mức lương cơ bản và tối thiểu bằng 50% so với mức lương cơ bản.

    Còn trong trường hợp không có lợi nhuận thì mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 50% so với mức lương cơ bản; trường hợp lỗ thì tiền lương kế hoạch tối đa bằng 30% so với mức lương cơ bản.

    Theo cơ quan soạn thảo, cơ chế quản lý tiền lương hiện hành đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Sự phân biệt chính sách tiền lương giữa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh  nghiệp cổ phần chi phối của Nhà nước, nhất là tiền lương của người quản lý dẫn đến sự so sánh, bất bình đẳng.

    Tiền lương, tiền thưởng của người quản lý, nhất là ở doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhìn chung còn thấp so với mặt bằng tương đương trên thị trường nên chưa tạo động lực cho người quản lý giỏi, doanh nghiệp có hiệu quả cao.

    Bộ LĐ-TB-XH đề xuất thí điểm quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với 3 tập đoàn, tổng công ty, gồm: Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines); Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).

    Việc lựa chọn thí điểm 3 đơn vị nêu trên có tính đại diện để xây dựng cơ chế chung sau khi thí điểm.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-tich-hdqt-doanh-nghiep-nha-nuoc-nhan-luong-cao-nhat-70-trieuthang-a278812.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan