+Aa-
    Zalo

    Chuyên gia phân tích tình hình Biển Đông năm qua và dự báo 2017

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Năm 2016, những vấn đề liên quan đến Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam tiếp tục là vấn đề mang tính thời sự.

    (ĐSPL) - Năm 2016, những vấn đề liên quan đến Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam tiếp tục là vấn đề mang tính thời sự được cộng đồng quốc tế quan tâm theo dõi.

    Các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước đến thời điểm này vẫn nhận định vấn đề Biển Đông sẽ còn “nóng” trong thời gian tới. Báo ĐS&PL đã ghi nhận những nhận định mang tính chiến lược từ các chuyên gia về bức tranh Biển Đông năm qua. 


    Ông Lê Việt Trường – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội: Chúng ta đang đi đúng hướng trong đường lối đấu tranh về chủ quyền trên Biển Đông 


    Nếu so sánh với năm 2015, những diễn biến trên Biển Đông trong năm 2016 có vẻ “dịu hơn”. Hiện trạng vẫn chưa có những biến chuyển gì mới hay mang tính bước ngoặt trong khi lại có nhiều thay đổi trên thực địa. Ở góc độ thứ hai, thái độ của các bên liên quan cũng có vẻ không còn quá gay gắt, thể hiện rõ tại các hội nghị quốc tế...

    Theo quan điểm cá nhân tôi, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay liên quan đến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông là một trong nhiều nhân tố quan trọng đã tác động tới thái độ cũng như cách hành xử của các bên liên quan trong vấn đề Biển Đông. Phán quyết của PCA đã gửi đi một thông điệp cho thấy, “mọi tranh chấp trên Biển Đông phải dựa vào luật pháp quốc tế”.

    Sau phán quyết của PCA, những tuyên bố như “đinh đóng cột” mà Trung Quốc luôn hùng hồn tuyên bố cái gọi là “vùng biển lịch sử” và đường 9 đoạn... dường như đã không còn xuất hiện trong các tuyên bố chính thức của Bắc Kinh. Ba tháng sau phán quyết của PCA, phản ứng của hầu hết các bên liên quan đều không quá khích, đều hướng tới việc kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các phán quyết ngày 12/7.

    Theo quan điểm của tôi, đường lối đấu tranh của Việt Nam trên vấn đề Biển Đông đến thời điểm này là phù hợp. Bởi trên thực tế, vấn đề Biển Đông hết sức phức tạp và nhạy cảm. Tôi cho rằng, vấn đề Biển Đông trong năm 2017 tới sẽ không xấu đi bởi đây là thời điểm Trung Quốc đang tập trung cho Đại hội. Chúng ta cũng cần tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý, tranh thủ ủng hộ của quốc tế cũng như trong khu vực trên các con đường ngoại giao cũng như truyền thông.

    TS. Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao: Tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông không thay đổi


    Tình hình Biển Đông trong năm 2016 có quá nhiều bất ngờ. Trước hết, không ai nghĩ rằng phán quyết của tòa PCA trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông lại đầy đủ và rõ ràng như vậy.

    Thứ hai, không ai nghĩ được tình hình Biển Đông ở những tháng cuối năm lại “dịu” đi nhanh chóng như thế. Bất ngờ thứ ba là cả Philippines và Malaysia đều điều chỉnh chính sách quá nhanh. Thêm nữa, không ngờ những phát biểu của nhà lãnh đạo Singapore cũng như quan hệ Singapore với Trung Quốc lại... “căng” như vậy.

    Trước hết, phải thấy rằng, những thay đổi như vậy không chỉ khiến dư luận, công chúng bất ngờ mà ngay cả những chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách cũng “giật mình”. Song, cái tôi thấy rất hay là ở chỗ những ứng xử của Việt Nam trước, trong và sau vụ kiện của Philippines với Trung Quốc là rất phù hợp.

    Tiên liệu diễn biến Biển Đông năm 2017 nếu nói dự đoán thì cũng rất khó bởi bối cảnh chung, cũng như trên thế giới có nhiều biến động khó lường. Như ở Mỹ cũng có nhiều điều chỉnh về chính sách khi có Tổng thống mới, rồi Philippines năm tới sẽ làm chủ tọa khối ASEAN...

    Tuy nhiên, nhiều khả năng Biển Đông trong thời điểm nửa đầu năm 2017 sẽ tiếp tục giữ mức ổn định như hiện nay. Hơn nữa trong khi tất cả điều chỉnh chính sách đang có tính bất ổn cao thì cũng không ai dám điều chỉnh mạnh chính sách cũng như đường lối liên quan đến vấn đề Biển Đông.

    Điều đáng lưu ý, sau phán quyết của tòa án, Trung Quốc nếu làm gì mạnh, công khai trên thực địa chỉ mang lại bất lợi cho họ, hơn nữa họ lại đang chuẩn bị Đại hội. Nhưng cũng cần lưu ý rằng tham vọng về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là không thay đổi, thế nên chúng ta không thể chủ quan.

    Học giả Ngô Di Lân (Đại học Brandeis, Mỹ), nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm SCIS: Chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ...


    Năm vừa qua, vấn đề Biển Đông chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ, căng thẳng. Có những lúc tưởng chừng xung đột sẽ nổ ra, song nó lại được các bên liên quan giải tỏa...

    Những gì diễn ra trên thực địa Biển Đông trong thời gian đầu năm 2016 cho thấy, Trung Quốc đã liên tục phát đi những thông điệp mang tính khiêu khích quân sự... Song, khó có thể đánh giá ngay, liệu Trung Quốc có đang chuyển các hoạt động thôn tính Biển Đông sang một phương thức mới hay không. Nhưng phải khẳng định rằng, cường độ các hành động mang màu sắc quân sự gia tăng rõ rệt, đặc biệt tại các điểm đảo mà Trung Quốc đã chiếm giữ trái phép tại Biển Đông.

    Hơn nữa, như tôi đã nhận định, Trung Quốc đã và đang theo đuổi một chiến lược bành trướng dài hơi tại Biển Đông. Có thể Trung Quốc đang đẩy mạnh khía cạnh quân sự của chiến lược này và đang đẩy nhanh tốc độ cải tạo đảo của mình ở Biển Đông.

    Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, tại thời điểm này chưa thể nói rằng Trung Quốc đang theo đuổi một phương thức gì quá mới mẻ. Cá nhân tôi nhận định năm 2017 sẽ không giảm mức độ căng thẳng song sẽ được làm dịu đi trong thời gian Trung Quốc diễn ra đại hội Đảng...

    VI HẬU(thực hiện)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-phan-tich-tinh-hinh-bien-dong-nam-qua-va-du-bao-2017-a179167.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan