+Aa-
    Zalo

    Chuyện làm quan Tây của “tứ đại phú hộ” Nam Kỳ Đỗ Hữu Phương

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nếu so với ông Huyện Sỹ về đường quan chức thì Tổng đốc Phương hơn hẳn, nhưng với người Việt thì con người này chỉ là tay sai cho thực dân Pháp.

    (ĐSPL) - Nếu so với ông Huyện Sỹ về đường quan chức thì Tổng đốc Phương hơn hẳn, nhưng với người Việt thì con người này chỉ là tay sai cho thực dân Pháp. Tuy nhiên, sử sách chép lại thì khẳng định dù là tay sai, là quan to của chính quyền thực dân nhưng Đỗ Hữu Phương vẫn còn chút gì đó yêu đồng bào nhất là chuyện xuống chức vì người bạn cũ Nguyễn Hữu Huân.

    Tuy nhiên, về gia sản khổng lồ, từ chỗ thừa kế 20 cửa hàng của người cha tại Chợ Lớn, Đỗ Hữu Phương đã thâu tóm được cả chợ Lớn, còn ruộng đất từ chỗ một vùng nhỏ đến chỗ cả một dải vài vạn ha đã đủ để thấy gia sản của ông Tổng đốc “khủng” như thế nào?

    Thăng tiến không ngừng

    Nói về Đỗ Hữu Phương, hầu hết các sử sách còn chép lại đều nói về chuyện nhân vật này tham gia vào chính quyền cai quản của thực dân Pháp như thế nào. Từ chỗ là một viên quan nhỏ, quản lí 20 hộ tại khu Chợ Lớn, Đỗ Hữu Phương đã leo lên thành Tổng Đốc. Khi thực dân Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ, Đỗ Hữu Phương từ chức bá hộ, lên làm Hộ trưởng ở Chợ Lớn. Thực ra lúc đó thực dân Pháp thấy tiềm lực kinh tế của gia đình nhà Đỗ Hữu Phương nên muốn tận dụng nhân vật này để thâu tóm tiền bạc của nả. Tuy nhiên, Đỗ Hữu Phương cũng chẳng phải dạng vừa, cũng biết tận dụng những quyền năng của việc làm quan cho chính quyền Tây để chiếm ruộng đất, mở rộng địa bàn cho bản thân mình.

    Nhà thờ Huyện Sỹ.

    Cứ lên được một chức quan là Đỗ Hữu Phương lại thôn tính được một vùng đất nào đó. Nhiều người đánh giá Đỗ Hữu Phương theo Pháp phần lớn là muốn giữ tài sản cho mình vì sợ nếu như theo quy định của chính quyền phong kiến thì gia sản sẽ bị xung công. Chính vì điều này mà Đỗ Hữu Phương ra sức thực hiện theo sự chỉ đạo của mấy ông quan Tây. Tham gia một số những cuộc đàn áp khởi nghĩa, cho đến khi Đỗ Hữu Phương xung phong xuống Vĩnh Long đàn áp cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực thì nhân vật này đã được thực dân Pháp tin tưởng hoàn toàn.

    Trong cuộc đàn áp này, Đỗ Hữu Phương bị thương xém chút nữa thì mất mạng nhưng đổi lại sau đó ông được thăng chức làm Tổng đốc Vĩnh Long. Rồi cứ từ đây, con đường quan lộ của Đỗ Hữu Phương lên như diều gặp gió. Khi mà những quan Pháp tin tưởng tuyệt đối thì Đỗ Hữu Phương muốn làm gì chẳng được. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay, hàng chục rồi hàng trăm ngôi nhà ở Sài Gòn xưa cứ thế lũ lượt về với Đỗ Hữu Phương. Tài sản là chẳng thể nào thống kê được và con số thực chỉ duy nhất có bà Tổng đốc vợ của ông Phương là nắm rành rọt nhất.

    Đỗ Hữu Phương là người duy nhất qua lại thăm viếng Pháp nhiều lần. Lần đầu tiên năm 1874, Phương qua Pháp dự hội chợ Paris. Ba lần sau vào các năm 1884, 1889 và 1894 đi du lịch thăm con cái đang du học tại đó. Đỗ Hữu Phương đã “Pháp hóa hơn cả những người Pháp”, theo lời nhận xét của những bạn bè người Pháp của ông. Có lẽ chính vì sự thức thời này đã giúp cho một vị bá hộ trở thành tay sai đắc lực cho thực dân Pháp để có thể thôn tính được đời sống nhân dân sau khi đã công khai chiếm lục tỉnh.

    Có một chuyện mà rất ít người biết đó là đứa con trai cả của ông Đỗ Hữu Phương là Đỗ Hữu Vị được coi là phi công đầu tiên của Việt Nam đã tham gia vào lực lượng quân đội Pháp chiến đấu ở thế chiến lần thứ nhất. Đỗ Hữu Vị đã bị thương trong một cuộc chiến khốc liệt rồi tử vong bên xứ người. Việc để cho người con trai cả đi phục vụ cho quân đội Pháp đủ để thấy được rằng Đỗ Hữu Phương chấp nhận phục vụ chính quyền thực dân Pháp đến mức độ như thế nào. Nhưng rồi, có lẽ chính chuyện này lại giúp cho Đỗ Hữu Phương được chính quyền thực dân tin tưởng hơn mà giao cho nhiều trọng trách.

    Ruộng đất của Đỗ Hữu Phương có thời còn nhiều ngang ngửa với ông Huyện Sỹ. Nhưng thực tế thì sau này, con cháu ông Huyện sỹ đều sinh cơ nghiệp nhân rộng thêm rất nhiều ruộng đất nữa, còn với gia đình Đỗ Hữu Phương mọi thứ đã lên tới cực thịnh khi ông làm chức Tổng đốc Nam Kỳ.

    Chấp nhận mất uy tín vì cứu bạn

    Nói về Tổng đôc Đỗ Hữu Phương, nhiều người nhận xét đây là hiện thân cho một bộ phận những con người phục tùng thực dân Pháp một cách tuyệt đối. Nhưng có một chuyện mà sử sách vẫn còn chép lại đó là việc Tổng đốc Phương đã chấp nhận để mất uy tín của mình trong mắt những quan Tây mặc dù đã mất rất nhiều công sức gây dựng, đó là chuyện có liên quan đến sĩ phu yêu nước Nguyễn Hữu Huân.

    Trước khi mà Tổng đốc Phương theo Pháp, sĩ phu Nguyễn Hữu Huân theo con đường dựng cờ khởi nghĩa bảo vệ dân tộc thì cả hai là bạn cũ. Trong kì thi khoa bảng do triều đình tổ chức, Nguyễn Hữu Huân đỗ thủ khoa, còn Tổng đốc Phương cũng đỗ đạt nhưng không cao bằng. Hai người cùng lớp, cùng thầy nên rất thân thiết với nhau. Thời đó, hai người còn có chung chí hướng là tạo dựng cơ nghiệp cho thật hoành tráng để báo đáp quê hương. Ai ngờ ngã rẽ định mệnh, hai người này đã đi theo những con đường hoàn toàn khác nhau.

    Sau khi Nguyễn Hữu Huân dựng cờ khởi nghĩa vào năm 1863 tại Tân An, Long An bây giờ, ông bị bắt rồi cho lưu đày sang vùng Nam Mỹ. Lúc này, Tổng đốc Phương đã là một người rất có uy tín với Pháp, biết chuyện bạn gặp nạn nên đã tìm mọi cách cứu giúp. Bằng cách tác động những quan Tây, Tổng đốc Phương đã giúp cho Nguyễn Hữu Huân chỉ phải đi khổ sai 5 năm chứ không phải 10 năm như trước. Ngay sau khi về nước, Tổng đốc Phương đã đón Nguyễn Hữu Huân về nhà mình với cam kết với thực dân Pháp là sẽ “cảm hóa để phục vụ cho chính quyền”.

    Đánh giá về việc này, nhiều người cho rằng Tổng đốc Phương vì muốn cứu bạn cũ nên mới chấp nhận làm như vậy mặc dù thừa biết Nguyễn Hữu Huân là một người yêu nước, không bao giờ thay đổi lập trường. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, vì thực dân Pháp muốn tìm người tài, muốn đàn áp khởi nghĩa nên muốn dùng Nguyễn Hữu Huân làm một minh chứng. Nhưng rồi, dù đã ở bao nhiêu ngày, nghe đủ thứ từ miệng Đỗ Hữu Phương nhưng Nguyễn Hữu Huân vẫn không thay đổi lập trường, trong đầu vẫn luôn có nhiều kế hoạch để dựng cờ khởi nghĩa.

    Việc không cảm hóa được Nguyễn Hữu Huân đã khiến cho Tổng đốc Phương mất uy tín trước chính quyền Pháp khi họ cho rằng vị Tổng đốc đã cố tình bao che cho Nguyễn Hữu Huân. Sau khi rời khỏi nhà Tổng đốc Phương, Nguyễn Hữu Huân tiếp tục gây dựng cơ đồ rồi khởi nghĩa. Sự trớ trêu là sau đó, chính Tổng đốc Phương đã là người đàn áp cuộc khởi nghĩa đó và bỗng chốc hai người bạn cũ trở thành kẻ thù của nhau. Rồi thì Nguyễn Hữu Huân đã tử nạn và từ đó Tổng đốc Phương bị người đời đánh giá là một kẻ cơ hội hại bạn để mà đạt chức, đạt quyền.

    Tuy nhiên, về lĩnh vực tiền bạc, đất đai thì có lẽ Hữu Phương là một con người biết tính toán và có tầm nhìn vô cùng sâu xa. Vị Tổng đốc này đã độc chiếm cả một dải đất rất dài ở khu Vĩnh Long, Cần Thơ bây giờ. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay đủ để nói lên gia sản lớn của con người này.

    (Còn tiếp)

    LAM LINH

    Xem thêm clip: Phim tài liệu: Một chặng đường lịch sử - 69 năm ngày Quốc khánh nước Việt Nam


     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-lam-quan-tay-cua-tu-dai-phu-ho-nam-ky-do-huu-phuong-a93197.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan