+Aa-
    Zalo

    Chuyện xúc động của Robinson Phú Yên “địu vợ” vượt biển về đất liền…vượt cạn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tưởng như Vũng Rô (Phú Yên) chỉ là điểm dừng chân trong hành trình Nam tiến của những chàng trai nghèo xứ Huế. Thế nhưng, định mệnh đã gắn họ trong thân phận “chúa đảo".

    (ĐSPL) - Tưởng như Vũng Rô (Phú Yên) sẽ chỉ là điểm dừng chân trong hành trình Nam tiến của những chàng trai nghèo xứ Huế. Thế nhưng, định mệnh đã gắn chặt họ trong thân phận “chúa đảo” ở dải đất hẹp dưới chân đèo Cả.

    Gần 30 năm nếm mật, nằm gai nơi đầu sóng ngọn gió, những chàng trai được đặt biệt danh là Robinson ngày nào ở bên kia sườn dốc của cuộc đời nhưng nếu được lựa chọn lại, họ sẽ vẫn dựng chòi chênh vênh trên vách đá, bám biển mưu sinh…

    30 năm nơi đầu sóng, ngọn gió

    Buổi sáng, bình minh tỏa rạng trên chóp núi Vũng Rô. Nhẹ nhàng khua bánh lái, luồn lách giữa cơ man nào là lồng bè nuôi tôm hùm, “thuyền trưởng” Đua chia sẻ: “Tui với mấy anh em nhà Robinson là đồng hương ngoài Huế vô đây từ sau giải phóng. Tui ngại sóng, ngại gió nên chỉ loanh quanh ở đây nuôi tôm, còn mấy anh em nhà Robinson chắc thích rừng rú, hoang dã nên tụi hắn ở miết ngoài đảo gần 30 năm nay mà vẫn chưa chịu vô... À để tui điện cho hắn trước. Hắn sẽ bơi thúng chai ra chở anh em mình vô”.

    “Chúa đảo” Lê Ngọc Tùng (42 tuổi, trú thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) thấy chúng tôi đang tiến vào, anh đứng chênh vênh trên thuyền thúng giơ chiếc mũ sờn bạc ra vẫy vẫy, nhìn mặt rất phấn khởi.

    Khi chúng tôi đặt được chân lên bờ cát nóng bỏng giữa bãi Lau thì mặt trời cũng đã đứng bóng. Chậm rãi rót chén trà xanh đặc mời khách, anh Lê Ngọc Hậu (46 tuổi, trú thôn Vũng Rô) nhớ lại: “Nhà tui quê gốc ở Thừa Thiên-Huế. Sau giải phóng, mấy anh em theo cha mẹ rời Huế vào Phú Yên làm kinh tế mới. Từ Tuy Hòa, quật ngược lên Sơn Giang, Phú Hòa đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước thì về Vũng Rô. Chắt bóp bấy lâu vừa dựng được căn nhà thì cơn bão lịch sử năm 1993 ập vào, giật sập luôn. Cả nhà, người đi lưới đăng, kẻ vào rừng đốt than vạ vật qua ngày. Khổ quá, tui mới bàn với thằng em ra bãi Lau kiếm kế sinh nhai. Ngày mới ra, đây là một nơi hoang sơ đến rợn người. Lau lách cao quá đầu người, còn cả trăn, rắn, thú dữ. Chặt đám lau sậy, dựng căn chòi tranh để ngủ mà đêm xuống chẳng dám chợp mắt. Đốt đám lửa to đùng rồi thay nhau thức canh, sợ thú dữ mò xuống... Có nhiều đêm mưa to, gió lớn, căn chòi tranh không đủ sức chống đỡ cứ chòng chành hết bên này đến bên kia, chực đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Mưa dột, nước nhỏ tong tong trên đầu, anh em ôm nhau thức trắng đêm... Đã có lúc mấy anh em định bỏ cuộc về đất liền làm thuê, làm mướn kiếm sống nhưng khi trời sáng lại động viên nhau bám đảo, bám biển mà vươn lên”.


    Vợ chồng Robinson Tùng và anh Hậu Robinson.

    Dẫn chúng tôi tham quan vườn cây ăn trái rộng gần hai ha gồm cơ man nào là xoài, mít, điều, ổi, chuối, đu đủ... Robinson út Lê Ngọc Phùng (40 tuổi, trú thôn Vũng Rô) cho biết thêm, để có được chừng này, mấy anh em phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức. Bởi lẽ, trước đây núi ăn sát tận biển, đá cứ chồng lên đá. Khâu ươm cây cũng lắm nhiêu khê vì khí hậu ở bán đảo này rất khắc nghiệt, gió nóng, rát thay đổi thất thường nên cũng ít cây chống chịu được. Ban đầu, phải trồng thử mấy chục loại cây mới chọn ra được vài ba loại chủ chốt, chống chịu được với kiểu khí hậu này để trồng đại trà. Sau này, có chủ trương trồng rừng vừa bảo vệ đảo, chống xói mòn nên chúng tôi phát triển thêm diện tích cây lâm nghiệp ở vùng đệm và triền núi. Đến nay, diện tích này cũng đang vào độ thu hoạch để trồng tiếp lứa mới.

    “Vốn gốc là dân biển nên khi ra đây sống, mấy anh em vẫn tiếp tục nghề truyền thống của cha ông. Ban đầu, chỉ làm lưới đăng để cải thiện chất tươi cho bữa ăn hàng ngày, khi nào được nhiều thì chèo thúng về đất liền bán lấy tiền mua gạo. Sau này, biển “xói”, “khoét” dần vào núi, lộ ra những triền cát dọc bờ biển thì anh em đầu tư dựng lồng, bè nuôi tôm hùm. Ban đầu ít vốn nên chỉ nuôi được 30 con. Dần dà qua vài vụ “trúng” nên tăng lên được 200 -300 con, sau này còn mở rộng diện tích nuôi thêm cá mú... tính ra mỗi năm cũng kiếm thêm được 70 - 80 triệu đồng. Nhờ đó mới cất được nhà, ổn định cuộc sống, lo cho con cái đi học”, anh Tùng chia sẻ.

    Bi hài chuyện “vượt cạn” của nhà Robinson

    Chuyện phát triển kinh tế hồ hởi bao nhiêu thì nhắc đến chuyện gia đình, anh em nhà Robinson lại bẽn lẽn bấy nhiêu. Anh Hậu dí dỏm: “Hồi mới ra đây, nhà tranh vách đất, điện không, nước ngọt thì vào đất liền chở từng can 50 lít ra uống... Cơm độn sắn, rau rừng chấm mắm, tôm cá đánh bắt được không dám ăn để dành đem về đất liền đổi gạo... Mấy người dân trong đất liền bảo mấy anh em cứ như Robinson sống tách biệt ngoài đảo, ma nào thèm lấy. Mà nghĩ lại, họ nói cũng đúng thật!”.

    Trái với vẻ rắn rỏi, cương nghị của anh Hậu và anh Phùng, Robinson Tùng lại sở hữu một khuôn mặt phong trần, hào hoa hiếm có. Bên chén rượu rồng, anh Tùng lấy ghita đệm bài Tổ quốc nhìn từ biển tặng mọi người. Tôi chợt hiểu vì sao người phụ nữ phố Tuy Hòa, Đặng Thị Chính lại mê anh đến vậy.

    Nước da hơi ngăm, dáng dong dỏng cao, khuôn mặt mặn mà trẻ trung, chẳng ai nghĩ chị Chính đã bước qua tuổi 40, nhưng đã có tới gần 20 năm bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, nâng khăn sửa túi cho “chúa đảo”. “Tui quê ở Phú Hòa (Phú Yên), anh ở tận ngoài Huế. Chúng tôi đến được với nhau âu cũng là cái duyên cái số. Nghe anh bảo hai vợ chồng sẽ ra đảo sống, cha mẹ nhảy dựng đòi trả lễ. Hai vợ chồng thuyết phục mãi, nhờ cô, dì nói thêm vào mãi ông bà mới xuôi, chấp nhận “thuyền theo lái, gái theo chồng””, chị Chính tâm sự.

    “Ra đảo sống với chồng từ năm 1998, khó khăn thử thách nhiều không kể xiết. Nhưng nhớ nhất là lúc sinh đứa út. Mùa biển động năm 2002, tôi đau bụng từ chiều mà trời không chịu ngớt mưa, gió cứ giật liên hồi. Anh Tùng bình thường thì điềm tĩnh lắm nhưng lúc ấy cứ quýnh lên, đi đi lại lại trước nhà làm tôi chóng cả mặt. Đến tối thì tôi trở dạ, may mà trời ngớt mưa, nhưng gió vẫn còn lớn lắm. Nhưng không còn cách nào khác, anh liều mình “địu” tôi trên lưng, chạy bộ ra bờ biển “ném” lên thuyền thúng, gió to quá anh ấy nói mà như quát: “Giữ chặt thành thúng, cấm có được thả ra”, rồi lấy dây cột một đầu vào chân tôi, đầu kia anh quấn ngang người. Sau đó cứ cắm đầu, cắm cổ nhắm hướng đất liền mà chèo. Gần một giờ vật lộn giữa sóng gió, cuối cùng hai vợ chồng cũng “mò” về tới đất liền. Anh ấy vừa “cõng” tôi đến cổng trạm xá xã thì tôi chịu không nổi nữa sinh luôn... May mà mẹ tròn con vuông. Anh Tùng quyết định đặt cho con gái một cái tên mà dù tôi đang đau vì mới sinh nhưng cũng không nhịn được cười - Lê Thị Tao Nhã”, chị Chính cười nói.

    Chuyện anh em thức trắng đêm không dám ngủ vì sợ thú dữ, chuyện địu vợ vượt biển trong đêm tối đưa về đất liền cho kịp giờ sinh... chỉ là một trong hàng trăm thử thách gian nan mà gia tộc “Robinson” đã phải kinh qua suốt gần 30 năm qua. Thế nhưng, khi được hỏi nếu được chọn lại, những “Robinson” Hậu – Tùng – Phùng đều đồng thanh trả lời: “Chúng tôi sẽ và mãi không hối hận về quyết định này, chúng tôi sẽ quyết tâm bám biển, bám đảo đến hơi thở cuối cùng...”.

    Quyết tâm bám biển, bám đảo

    Trao đổi với PV, ông Trần Văn Ngãi, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên xác nhận, 3 anh em ruột Lê Ngọc Hậu, Lê Ngọc Tùng và Lê Ngọc Phùng đã ra bãi Lau sinh sống từ những năm 90 cho đến nay. Điều chúng tôi lo lắng là tương lai những đứa trẻ sinh ra trên đảo. Tuy nhiên, rất may là 7 đứa trẻ, con của 3 gia đình trên đảo đến tuổi đi học đều được cha mẹ gửi về đất liền cho ăn học đầy đủ. Chính quyền sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để các hộ dân này yên tâm bám biển, bám đảo phát triển kinh tế.

    NGUYỄN HƯNG

    [mecloud]hdo4zCefqO[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-xuc-dong-cua-robinson-phu-yen-diu-vo-vuot-bien-ve-dat-lienvuot-can-a147865.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan