+Aa-
    Zalo

    Công nghệ chế biến thủy sản: Ngành học đang khát nhân lực chất lượng cao

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hơn 10 năm qua, ngành thủy sản VN có tốc độ tăng trưởng bình quân 16-18%/năm. Hiện Việt Nam nằm trong Top 5

    Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hơn 10 năm qua, ngành thủy sản VN có tốc độ tăng trưởng bình quân 16-18%/năm. Hiện Việt Nam nằm trong Top 5 các quốc gia đứng đầu thế giới về nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản.

    Khi các hiệp định thương mại tự do lớn mà Việt Nam đã ký có hiệu lực, ngành thủy sản sẽ thêm dư địa để trở thành địa chỉ chế biến sản phẩm thủy sản toàn cầu. Nhiều nhà chế biến và nhập khẩu hàng đầu thế giới đang chuyển nhà máy hoặc dịch vụ từ các quốc gia châu Âu, Trung Quốc đến Việt Nam để chế biến thủy sản xuất khẩu. Nên Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm chế biến thủy sản của thế giới.

    Tuy nhiên vấn đề của các doanh nghiệp hiện nay là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng, trao đổi với chúng tôi về vấn đề này Ths Phạm Viết Nam – Trưởng khoa công nghệ thủy sản Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết.

    Ký kết hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo


    Thưa ông, ngành thủy sản theo tôi được biết thì đòi hỏi nhân lực có tay nghề là chủ yếu. Vậy cơ hội việc làm của các em sinh viên tốt nghiệp CĐ và ĐH sẽ là như thế nào?

    Ths Phạm Viết Nam : Chương trình đào tạo bậc cao đẳng, đại học của ngành công nghệ chế biến thủy sản gồm nhiều chuyên ngành như: công nghệ chế biến thủy sản đông lạnh, công nghệ chế biến đồ hộp thủy sản, công nghệ chế biến sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng, công nghệ chế biến thủy sản truyền thống và công nghệ chiết xuất các hợp chất sinh học từ phụ phẩm thủy sản (đây là một hướng đi mới rất được quan tâm hiện nay)...

    Đối với ngành công nghiệp này thì cần một lượng lớn lực lượng có tay nghề nhưng cũng không thể thiếu đội ngũ trình độ cao để nghiên cứu phát triển sản phẩm, quản lý, giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng để đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu các thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ chế biến sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng và công nghệ chiết xuất các hợp chất sinh học từ phụ phẩm thủy sản đang rất cần các kỹ sư có trình độ cao đẳng và đại học, và đây là hai chuyên ngành thế mạnh của chúng tôi. Các doanh nghiệp ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Vũng Tàu, …thực sự đang “khát” nhân lực trong lĩnh vực này.

    Việc chọn ngành học theo đam mê và khả năng của bản thân không còn xa lạ với các em học sinh nữa. Vậy đâu mới là sự lựa chọn “đúng - trúng” cho nhóm ngành thủy sản, để các em học tốt ngành này?

    Ths Phạm Viết Nam: Để chọn lựa ngành học cho phù hợp bản thân và có việc làm tốt sau khi tốt nghiệp là một điều khó khăn cho các em học sinh và gia đình hiện nay. Đối với ngành Công nghệ chế biến thủy sản các em học sinh trước hết cũng phải xác định thực sực có đam mê, có tinh thần học tập tốt, học để dấn thân, để ngày mai lập nghiệp.  Khi vào trường học tập các em phải cần cù, cố gắng học tập để có chuyên môn tốt. Ngoài ra các em cần phải học ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nhật…), vi tính và các kỹ năng mềm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình…Các em học sinh làm được các điều trên các em sẽ dễ dàng chọn lựa và học tập ngành Công nghệ chế biến thủy sản để có tương lai tốt đẹp.

    Học kỳ doanh nghiệp tại Công ty Cổ phần Sài Gòn Food

    Nhiều DN cho rằng, sinh viên mới ra trường chưa tiếp cận ngay với công việc được vì sinh viên ít thực hành, thực tế. Khoa Công nghệ chế biến thủy sản của ông triển khai đào tạo như thế nào để sinh viên có thể đáp ứng được công việc tại các doanh nghiệp ngay sau tốt nghiệp?

    Ths Phạm Viết Nam: Các ngành của trường chúng tôi được xây dựng và triển khai theo hướng ứng dụng, và điều đó có nghĩa là liên kết doanh nghiệp để đào tạo là bắt buộc. Chúng tôi đã triển khai học kỳ doanh nghiệp tại các doanh nghiệp từ khá lâu, ví dụ như tại công ty Sài Gòn Food chúng tôi hợp tác và liên tục gửi sinh viên thực tập, kiến tập để các em làm quen với thực tế doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất. Chương trình đào tạo của khoa chúng tôi bám sát thực tế tại các doanh nghiệp lớn và được cập nhật hàng năm theo sự thay đổi và phát triển của ngành. Chương trình học của sinh viên có đến trên 50% thời lượng là thực hành tại các phòng thí nghiệm, thực hành của trường cũng như tại doanh nghiệp. Và là một ngành lâu đời của trường nên hệ thống trang thiết bị, dụng cụ thí nghiệm, thực hành được trang bị giống các thiết bị được sử dụng trong các nhà máy chế biến thủy sản hiện nay, và điều này giúp các em nhanh tiếp cận thực tế tại doanh nghiệp. Đội ngũ giảng viên khoa chúng tôi có nhiều kinh nghiệm thực tế và thường xuyên cập nhật kiến thức tại các doanh nghiệp, đây là quy định bắt buộc của khoa chúng tôi, để đưa vào bài giảng của mình.

    Sinh viên trường đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM  trong giờ thí nghiệm

    Ông có thể chia sẻ gì để các em học sinh hiểu rõ các vị trí việc làm mà các em đảm nhận khi tốt nghiệp? Và cơ hội nào cho các em có mong muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này?

    Ths Phạm Viết Nam: Các cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp ngành Công nghệ chế biến thủy sản sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm các vị trí việc làm như: làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thủy sản (đông lạnh, đồ hộp, hàng khô, cơ sở chế biến nước mắm, bột cá, dầu cá, sản phẩm giá trị gia tăng, surimi..); các Ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất, các khu công nghiệp và khu chế xuất; các sở Khoa học và công nghệ; các sở Nông nghiệp trong cả nước; các cơ quan/tổ chức phân tích, kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản; Nghiên cứu viên trong các viện nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Công nghệ chế biến thủy sản; Có thể làm cán bộ giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấpvề đào tạo chuyên ngành Công nghệ chế biến thủy sản.

    Và với thị trường rộng của lĩnh vực này thì cơ hội cho các em khởi nghiệp là rất rộng mở. Chúng tôi có đưa chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho các em từ năm thứ ba để các em có kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp khi tốt nghiệp, với kiến thức và kỹ năng này các em chưa khởi nghiệp được thì cũng sẽ thành công hơn khi làm việc trong các doanh nghiệp.

    Ths Phạm Viết Nam – Trưởng khoa Công nghệ chế biến thủy sản tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh tại Long An 

    Nhà trường có cam kết gì về việc làm cho sinh viên hay không?

    Ths Phạm Viết Nam: Chắc chắn rồi. Chúng tôi có hẳn chương trình đảm bảo 100% việc làm Nhật Bản cho sinh viên hệ cao đẳng với thu nhập từ 25tr – 30tr nữa.

    Đăng Khoa

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-nghe-che-bien-thuy-san-nganh-hoc-dang-khat-nhan-luc-chat-luong-cao-a223639.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan