+Aa-
    Zalo

    Công Phượng, Công Vinh và những nốt trầm bóng đá xứ Nghệ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Công Phượng đang là cái tên được nhắc đến nhiều nhất không chỉ tại xứ Nghệ mà cả làng bóng đá Việt Nam.

    (ĐSPL) - Công Phượng đang là cái tên được nhắc đến nhiều nhất không chỉ tại xứ Nghệ mà cả làng bóng đá Việt Nam. 

    Cầu thủ Công Phượng.

    Tuy nhiên, khi nói về tài năng bóng đá xứ Nghệ, bên cạnh thành công, người ta vẫn còn không ít trăn trở khi không ít cầu thủ đánh mất mình một cách đáng tiếc.
    Đổi đời nhờ bóng đá
    Khi nghi án gian lận tuổi của Công Phượng lắng xuống, với kết luận “thần đồng” bóng đá này sinh năm 1995, làng Vồng Vổng, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) được trở lại với những ngày bình yên. Ngôi nhà khang trang, vừa mới xây xong của gia đình Công Phượng nằm ở lưng chừng núi đã lại có những tiếng cười và ngày ngày vẫn có đông người qua trò chuyện với ông Nguyễn Công Bảy và bà Nguyễn Thị Hoa.
    Bây giờ, ở miền quê nghèo này, Công Phượng là niềm tự hào lớn. Không đơn thuần chỉ là tài năng, câu chuyện trưởng thành của Công Phượng cũng hệt như cổ tích mà nhắc đến, bất cứ ai cũng phải nể. Mới cách đây vài năm thôi, gia đình ông Bảy, bà Hoa còn là hiện thân cho cái nghèo, với những “sự tích” mà nhắc lại ai cũng phải mủi lòng. Nhưng ông bà cũng là người thương và chiều chuộng con cái thuộc loại hiếm ở mảnh đất này. Nếu không thương, không chiều con, thì chắc không có chuyện, ông bà phải bán lợn, bán gạo và vay tiền hàng xóm cho Phượng đi thử việc ở “lò” Sông Lam và sau này là ở Hoàng Anh Gia Lai.
    Công Phượng sau 7 năm khổ luyện ở Học viện HA.GL – Arsenal JMG đã trưởng thành, được đánh giá là một trong những cầu thủ tốt nhất của khoá học. Ở những giải đấu trong nước và quốc tế gần đây, Phượng cũng là ngôi sao sáng nhất. Có cái tên và những danh hiệu nhưng quan trọng hơn, với ông Bảy và bà Hoa, khi Phượng toả sáng như vậy, cả gia đình được đổi đời.
    Ngôi nhà mới tránh mưa, tránh bão là mơ ước nhiều năm không thực hiện được nhưng chỉ một năm tích góp của Công Phượng, nó đã được mọc lên khang trang. “Mừng lắm các chú ơi, giờ mưa gió không phải đi nhà hàng xóm lánh nạn nữa. Cả gia đình tích góp, nhưng phần đa công sức vẫn là của thằng Phượng...”, bà Hoa không giấu được niềm vui khi nói về căn nhà mới của mình.
    Dù chỉ tham gia các giải trẻ nhưng năm 2014 vừa rồi, Công Phượng tích góp được gần 400 triệu đồng. Năm nay, với việc lên chơi V.League và tham gia nhiều giải đấu khác nhau trong màu áo các đội tuyển quốc gia, mức thu nhập của Công Phượng còn có thể tăng lên gấp 2-3 lần. Bây giờ, mỗi tháng nhận 15 triệu đồng từ HA.GL (bầu Đức trả lương cho bố mẹ, chứ không trả cho cầu thủ) nên cuộc sống của gia đình ông Bảy, bà Hoa giờ đã rất tốt.
    Công Phượng là ngôi sao bóng đá xứ Nghệ gần nhất đổi đời nhờ bóng đá, nhưng trước đó, hàng chục đàn anh của “thần đồng” này cũng từ cái tên vô danh trở thành “đại gia” nhờ có tài đá bóng. Ngày vác ba lô từ huyện Quỳnh Lưu vào Vinh thi tuyển đá bóng, Công Vinh lúc ấy chỉ là cậu bé nhà quê với hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt. Bố bị vào tù vì buôn ma tuý, mẹ phải chạy ngược chạy xuôi nuôi mấy chị em. Không thuộc diện tài năng hiếm có nhưng bù lại, Công Vinh có nghị lực và ý chí đáng khâm phục. Nỗ lực để thành tài, Công Vinh giờ là một trong những cầu thủ giàu có nhất Việt Nam. Đổi đời nhờ bóng đá, Vinh cưới vợ, mua nhà cho bố ở thành phố Vinh, hỗ trợ mẹ và dượng kinh doanh, buôn bán phát đạt ở quê nhà huyện Quỳnh Lưu.
    Cũng giống như Công Phượng ở Đô Lương, Công Vinh là niềm tự hào lớn của người dân huyện Quỳnh Lưu. Mới đây, đám cưới của Công Vinh với Thuỷ Tiên tổ chức tại huyện nghèo này giống như một lễ hội mà ở đó, người ta dành sự ngưỡng mộ đặc biệt cho tiền đạo giàu thành tích nhất Việt Nam này.
    Công Vinh, Công Phượng chỉ là hai điển hình, bởi hàng chục, thậm chí hàng trăm cầu thủ xứ Nghệ khác, cũng nhờ bóng đá, đã thay đổi được số phận của bản thân và gia đình.
    Những nốt trầm
    Nếu nói về tài năng, Công Phượng hay Công Vinh chưa chắc đã sánh bằng Văn Quyến, Quốc Vượng. Năm 2000, khi ấy mới 16 tuổi, Văn Quyến nổi đình, nổi đám ở vòng chung kết giải U.16 châu Á tổ chức tại Đà Nẵng. Và đến khi SEA Games được tổ chức ở Việt Nam vào năm 2003, Văn Quyến đã thực sự tạo ra hiệu ứng với màn trình diễn không thể chê vào đâu được. Đến tận bây giờ, rất nhiều người vẫn cho rằng, chỉ Văn Quyến mới xứng đáng với tên gọi “thần đồng”.
    Một cậu bé sinh ra không có cha, mẹ đi làm công trình biền biệt nên thiếu thốn tình cảm. May mắn, trời phú cho tài bóng đá, Quyến nổi lên từ rất sớm và được ca tụng hết lời. Có tiền, có cái danh từ quá sớm và “ngủ quên” để rồi đánh mất mình. Quyến dính vào vụ bán độ ở SEA Games 23 và có vết trượt dài. Sau này, dù rất nỗ lực để trở lại nhưng không thành. Năm 2014, “cậu bé vàng” của Việt Nam này nói lời chia tay sân cỏ trong trận đấu cuối cùng của V.Ninh Bình ở AFC Cup. Giải nghệ rồi lấy vợ, Quyến đang loay hoay, chưa biết tìm công việc gì tiếp theo sau khi chia tay bóng đá.
    Cũng giống như Văn Quyến, Quốc Vượng là tài năng, được đánh giá cao không chỉ ở Việt Nam. Trong hai kỳ SEA Games liên tiếp 22 và 23, cầu thủ sinh ra ở Vinh này được đánh giá là một trong những tiền vệ có lối chơi hiện đại nhất Đông Nam Á. Rất tiếc, cũng chỉ vì có cuộc sống riêng khá phức tạp, Vượng bị lôi kéo và là chủ mưu trong vụ dàn xếp tỉ số ở SEA Games 23. Bị đi tù và chịu rất nhiều tủi nhục, Vượng phần nào ý thức được giá trị cuộc sống và quyết tâm để lấy lại những gì đã mất.
    Cái thời của những Hữu Thắng, Quang Trường, Sỹ Hùng, Phi Hùng..., bóng đá xứ Nghệ có một cái tên mà nhắc đến, người hâm mộ cả nước có lẽ ai cũng biết, đó là Phan Thanh Tuấn. Nói về lối chơi hào hoa, không chỉ ở Sông Lam Nghệ An mà thời điểm ấy, cả nước tìm ra một người như Thanh Tuấn cũng khó. Nhiều người bảo rằng, lẽ ra phải là Thanh Tuấn chứ không phải Hồng Sơn trở thành ngôi sao tuyến giữa của đội tuyển Việt Nam vào thời điểm ấy. Rất tiếc, cũng chỉ vì nghiện ngập, Thanh Tuấn phải sớm chia tay sự nghiệp và bây giờ sống vật vờ như một cái bóng...
    Cũng bi đát không kém là trường hợp của cựu tuyển thủ quốc gia Trương Đắc Khánh. Hậu vệ có lối chơi đa năng này, từng được V.Ninh Bình bỏ ra 5 tỉ đồng để mua về thời điểm năm 2009. Nhưng ham mê cờ bạc, cá độ, Đắc Khánh đã tự tay ném đi tất cả những gì mình có trong dịp World Cup 2010. Bị Sông Lam Nghệ An thanh lý hợp đồng, Đắc Khánh lang thang khắp nơi và mới đây đã đi xuất khẩu lao động.
    Rất nhiều, rất nhiều những cái tên khác nữa dù rất tài năng nhưng có thể do môi trường và nhiều thứ khác nên “sớm nở chóng tàn” và tạo ra những nỗi buồn không hề nhỏ cho người hâm mộ không chỉ ở Nghệ An.

    Tấm gương sáng mang tên Hữu Thắng

    Tác giả chụp ảnh cùng Hữu Thắng bên chiếc cúp vô địch V.League.

    Nhắc đến bóng đá xứ Nghệ là nhắc đến bức tranh sáng tối, với vinh quang và tủi hổ thường xuyên song hành. Thế nhưng, ở đó có những tấm gương rất đáng nể, làm cho người ta có niềm tin, khi đi qua bóng tối, họ can đảm đứng dậy và trở thành tượng đài. Câu chuyện của Hữu Thắng là một ví dụ. Thời còn là cầu thủ, Hữu Thắng thuộc “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam. Khi chuyển sang nghiệp cầm quân, may mắn không mỉm cười với Hữu Thắng bởi ngay từ những ngày đầu, anh đã dính scandal. Nghi án mua chức vô địch của Sông Lam Nghệ An khiến Hữu Thắng phải ngồi tù 13 tháng 1 ngày. Rất nhiều nỗi đau nhưng khi ra tù, Hữu Thắng không từ bỏ đam mê của mình. Biết làm lại từ đầu với một nghị lực phi thường, Hữu Thắng trở lại và dành rất nhiều vinh quang cùng với SLNA. Dù đang nghỉ, đi nước ngoài học tiếp nhưng với cầu thủ và người hâm mộ xứ Nghệ, Hữu Thắng là tấm gương sáng để noi theo.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-phuong-cong-vinh-va-nhung-not-tram-bong-da-xu-nghe-a84226.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan