+Aa-
    Zalo

    Đại gia nào đang sở hữu Saigon Square?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Saigon Square thuộc sở hữu của Công ty Phan Thành. Chủ tịch HĐQT đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty này là ông Phan Quang Chất.

    Với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng, Trung tâm thương mại Sài Gòn Square (số 77-89 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM) được mệnh danh là “thiên đường mua sắm” nổi đình nổi đám tại Sài Gòn nhiều năm qua.

    dai gia nao dang so huu saigon square dspl
    Saigon Square thuộc sở hữu của Công ty Phan Thành. Ảnh minh họa

    Được biết, Saigon Square thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Phan Thành (Công ty Phan Thành). Trên một số trang web về cho thuê mặt bằng, giá rao cho thuê tại thời điểm năm 2017 cho một quầy thuộc Saigon Square tại quận 1 có diện tích từ 2m2 đến 4m2 là khoảng 25-26 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào vị trí là quầy góc, quầy ống lớn hay quầy giữa...

    Theo cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Phan Thành được thành lập vào tháng 3/1998, có trụ sở chính tại số 2 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

    Doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh là mua bán ôtô và xe gắn máy, kinh doanh nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; dịch vụ xông hơi xoa bóp; san lấp mặt bằng; dịch vụ thu hộ cước tiêu dùng.

    Công ty này nhập khẩu dầu nhờn động cơ cao cấp từ công ty Lelco Petroleum ở thành phố Houston, bang Texas, Hoa Kỳ; mỡ bôi trơn của công ty Clearview Chemical tại bang New York, Hoa Kỳ; dầu động cơ cao cấp của Conoco Philips (Singapore) là Power J và Super J và đóng gói các sản phẩm theo đăng kí của công ty tại Việt Nam.

    Năm 2007, Công ty Phan Thành mở rộng hoạt động kinh doanh các sản phẩm điều chế cao su (RPO) và phụ gia cải thiện chỉ số độ nhớt (VII). Các nhà cung cấp chủ yếu từ Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Iran và Thái Lan.

    Tháng 4/2008, doanh nghiệp thiết lập chi nhánh chuyên dịch vụ gia công pha chế và đóng gói các sản phẩm dầu bôi trơn cho các khách hàng trong nước. Các sản phẩm chính là phụ gia cải thiện chỉ số độ nhớt hóa lỏng, dầu động cơ, dầu công nghiệp.

    Năm 2010, Công ty Phan Thành là nhà phân phối độc quyền các sản phẩm của công ty Jonell Oil, Hoa Kỳ.

    Mặc dù công ty có quy mô không quá lớn nhưng lợi nhuận thu về từ nguồn hàng vẫn khiến nhiều doanh nghiệp mơ ước.

    Tuy nhiên, đến giai đoạn 2016-2019, kết quả kinh doanh của Phan Thành có chiều hướng sụt giảm.

    Cụ thể, trong năm 2016, doanh nghiệp thu về 213 tỷ đồng doanh thu, với lãi gộp ở mức 121 tỷ đồng.

    Đến năm 2017, doanh thu của công ty giảm 20% xuống còn 170 tỷ đồng; lợi nhuận gộp lúc này là 123 tỷ.

    Đáng chú ý, trong năm năm 2018, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu,

    Đến năm 2019, Phan Thành ghi nhận doanh thu đạt 160 tỷ đồng với lãi gộp 123 tỷ đồng, lãi thuần gần 80 tỷ đồng.

    Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Công ty Phan Thành là 829 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 751 tỷ đồng, chiếm đến 91%, nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức thấp.

    Theo tìm hiểu, hiện tại, ông Phan Quang Chất (SN 1962, Hà Nội) hiện đang là Người đại diện theo pháp luật, đồng thời là Chủ tịch HĐQT công ty.

    Ngoài công ty gia đình đặt theo tên "quý tử" Phan Thành, ông Chất còn giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các doanh nghiệp tên tuổi như: Ủy viên HĐQT Công ty cổ phần Quê Hương; Ủy viên HĐQT Công ty cổ phần Khách sạn Bông Sen; Phó Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Sài Gòn Ôtô (Sài Gòn Ford); Phó Chủ tịch HĐQT Bến Thành – Phú Xuân; Chủ tịch HĐQT Đại Thống – Bình Dương; Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch Huế; Ủy viên HĐTV Công ty TNHH du lịch Bến Thành – Non Nước; Ủy viên HĐQT Khách sạn Sài Gòn – Ninh Chữ; Ủy viên HĐQT Công ty Greenview – Bình Dương; Ủy viên Ban kiểm soát Công ty Cổ phần Bình Châu.

    Thiếu gia Phan Thành được biết đến là người thừa kế thứ nhất của đại gia Phan Quang Chất. Vị thiếu gia Sài thành này nổi tiếng với thú chơi siêu xe với hãng loạt "siêu xe" như Rolls-Royce Phantom, Lexus GX570 cho đến Bentley, Ferrari...

    Mới đây, Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM vừa bất ngờ kiểm tra Trung tâm thương mại Saigon Square.

    Tại đây, lực lược chức năng phát hiện rất nhiều cơ sở kinh doanh có dấu hiệu buôn bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc.

    Toàn bộ số lượng hàng hóa vi phạm được chuyển về kho tang vật của cơ quan QLTT để tạm giữ cũng như tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định.

    Trong ngày 4/11, đa số tiểu thương tại đây đã nghỉ bán sau khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra.

    Tổng cục QLTT đánh giá Saigon Square là "điểm nóng" về kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Lực lượng chức năng nhiều lần kiểm tra trung tâm này nhưng tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, giả nhãn hiệu... vẫn diễn ra công khai hằng ngày.

    Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường truy quét, kiểm tra giám sát tại trung tâm thương mại này.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-gia-nao-dang-so-huu-saigon-square-a556428.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan