+Aa-
    Zalo

    Đang "ngập" trong nợ, Sri Lanka vẫn tính vay Trung Quốc thêm 300 triệu USD

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Để thanh toán các khoản nợ nước ngoài trong năm nay, Sri Lanka đang cân nhắc vay Trung Quốc 300 triệu USD.

    Để thanh toán các khoản nợ nước ngoài trong năm nay, Sri Lanka đang cân nhắc vay Trung Quốc 300 triệu USD.

    Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), đây là tiết lộ của bộ trưởng tài chính Sri Lanka, Eran Wickramaratne.

    Ông Wickramaratne xác nhận Sri Lanka bắt đầu đàm phán về khoản tiền vay thêm. Trung Quốc tỏ ý sẵn sàng cho vay tới 1 tỉ USD, thay vì tối đa 400 triệu USD như trước đây.

    Chính phủ Sri Lanka hiện đang gặp khó khăn trong việc vay tiền từ nước ngoài vì bị “hạ mức đánh giá tín nhiệm”. Theo kế hoạch, Sri Lanka phải thanh toán 5,9 tỷ USD vay nước ngoài trong năm 2019, trong đó 40% số tiền này sẽ phải thanh toán trong 3 tháng đầu năm. Sri Lanka đã trả được 1 tỷ USD trong tuần này.

    Sri Lanka đã vay nợ hàng tỉ USD từ Trung Quốc - Ảnh: Dân Việt

    “Rất khó để thu hút thị trường nước ngoài trong khi phải thắt chặt chi tiêu và bị hạ tín nhiệm”, ông Wickramaratne nói. “Ủy ban của chính phủ sẽ đánh giá khoản vay mới. Cái giá của khủng hoảng tài chính là quá lớn”.

    Niềm tin của các nhà đầu tư sụt giảm sau khi Tổng thống Maithripala Sirisena sa thải thủ tướng vào tháng 10 năm ngoái, thay thế bằng một nhân vật thân Trung Quốc và giải tán quốc hội.

    Tòa án Sri Lanka hồi tháng 12 đảo ngược quyết định giải tán quốc hội, nhưng 7 tuần khủng hoảng đã khiến đất nước nhỏ bé này càng chìm trong khủng hoảng.

    Tính đến cuối năm 2018, gần một phần tư khoản nợ nước ngoài của Sri Lanka là nợ Trung Quốc. Bắc Kinh xem Sri Lanka là một thành viên trong Sáng kiến Vành đai và Con đường - một chương trình đầu tư nghìn tỷ USD nhằm phát triển các dự án cơ sở hạ tầng tại nhiều quốc gia.

    Trung Quốc đã đầu tư mạnh tay vào hệ thống cơ sở hạ tầng của Sri Lanka, gồm cảng biển, sân bay và đường cao tốc.

    Công ty CHEC Port City Colombo của Trung Quốc ngày 16/1 thông báo đã hoàn tất công đoạn cải tạo đất ven biển và sớm bước vào giai đoạn hai của dự án thành phố cảng Colombo tại thủ đô Colombo của Sri Lanka. Siêu dự án trị giá 1,4 tỷ USD được phát triển đồng thời bởi chính phủ Sri Lanka và công ty CHEC trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.

    Theo Tân Hoa Xã, trong một buổi lễ được tổ chức tại thành phố cảng Colombo, các quan chức cho biết dự án đã đạt được cột mốc quan trọng khi hoàn thành công đoạn cải tạo đất và tàu cuối cùng trong số 4 tàu nạo vét được sử dụng để khai thác cát đã rời khỏi công trường. Tổng cộng 269 ha đất đã được bồi đắp.

    "Thành phố cảng Colombo là một dự án quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường tại Sri Lanka, một trong những quốc gia then chốt dọc con đường tơ lụa trên biển", Đại sứ Trung Quốc Cheng Xueyuan phát biểu tại buổi lễ.

    Nằm ở vị trí đắc địa với tầm quan trọng chiến lược, thành phố cảng Colombo là một trong số những dự án bị nghi ngờ rơi vào quỹ đạo kiểm soát của Trung Quốc. Một dự án lớn khác của Sri Lanka là cảng nước sâu Hambantota trị giá 1,4 tỷ USD cũng do Trung Quốc xây dựng.

    Vào tháng 12/2017, Sri Lanka đã đồng ý cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong thời hạn 99 năm do nước này không thể thanh toán các khoản vay cho Bắc Kinh đúng kỳ hạn. Sân bay Hambantota gần cảng cũng do Trung Quốc tài trợ, song rốt cuộc trở thành dự án không hiệu quả khi đi vào hoạt động.

    Trung Quốc gần đây nổi lên như một nhà viện trợ tài chính và hậu thuẫn chính trị then chốt của Sri Lanka, đánh bật Nhật Bản - nước từng là nhà viện trợ lớn nhất về cơ sở hạ tầng cho Sri Lanka.

    Quỳnh Chi (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dang-ngap-trong-no-sri-lanka-van-tinh-vay-trung-quoc-them-300-trieu-usd-a259794.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan