+Aa-
    Zalo

    Đằng sau những vụ trao nhầm con: Gian nan hành trình đoàn tụ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Còn nhớ cách đây 2 năm, vụ việc trao nhầm con tại tỉnh Bình Phước khiến nhiều người không khỏi xót xa.

    Còn nhớ cách đây 2 năm, vụ việc trao nhầm con tại tỉnh Bình Phước khiến nhiều người không khỏi xót xa. Cô bé 3 tuổi đã nói một câu trách móc đầy ám ảnh: “Con thương ba mẹ, sao ba mẹ bỏ con!”. Trẻ con thơ ngây trong sáng, vốn không thể hình dung nổi những nỗi đau giằng xé tim gan và cuộc chiến cảm xúc ở trong lòng người lớn.

    Hội ngộ cũng là chia ly Nếu một ngày số phận đến bên một người mẹ và nói rằng: “Ngàn lần xin lỗi nhưng đứa trẻ bạn đang nuôi dưỡng là con của người khác, chúng ta cần có một sự trao đổi” thì người mẹ ấy sẽ đón nhận sự thật như thế nào? Dù chẳng phải giọt máu đào, dù không có sự gắn kết mang tên “huyết thống” nhưng bao năm nuôi nấng chăm sóc, có bậc cha mẹ nào dễ dàng gạt bỏ những ký ức đẹp đẽ với đứa trẻ. Họ từng có phút giây vỡ òa hạnh phúc khi lần đầu tiên nghe con trai gọi: “Mẹ”, “ba”. Họ từng nâng những bước chân đầu tiên của con, tình cảm ấy đã trở thành máu thịt, là nhịp tim, hơi thở với biển tình yêu thương. Việc bệnh viện trao nhầm con giống như một trò đùa trớ trêu gieo vào cuộc đời họ. Chuyện hai bé trai bị trao nhầm khi được sinh ra tại bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì từ 6 năm về trước khiến nhiều người nhớ đến một câu chuyện có cùng "kịch bản" xảy ra tại bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước. Năm năm trước, sự nhầm lẫn của nữ hộ sinh tại đây đã khiến hai bé gái ở lớn lên trong 2 gia đình không phải cha mẹ ruột của mình.

    Theo đó, chị Nguyễn Thị Thu Trang được chồng là anh Vũ Đình Khiên đưa vào bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long sinh và vào lúc 6h30 ngày 10/1/2013 chị Trang sinh hạ cháu bé gái, đặt tên là Vũ Ngọc Lan Anh. Cùng thời điểm, chị Liên cũng được chồng là anh Huỳnh Văn Tuấn (xã Phước An, huyện Hớn Quản, Bình Phước) đưa đến đây sinh và cũng đúng vào lúc 6h30 ngày 10/1/2013, chị Liên đã sinh hạ cháu bé, đặt tên là Huỳnh Thị Ngọc Yến. Hai cháu bé gái chào đời cùng giờ phút, có cân nặng như nhau đã bị người của bệnh viện trao nhầm. Vào đầu tháng 5/2016, trong một lần đi mua bánh mì ở làng bên, bố chị Trang đã bất ngờ thấy người phụ nữ từng sinh cùng phòng với con gái mình 3 năm trước bế bé gái rất giống cháu ngoại đầu nên nghi ngờ. Chị Trang sau đó đưa bé về TP.HCM xét nghiệm ADN thì phát hiện con gái không cùng huyết thống. Nhận được khiếu nại, bệnh viện Bình Long đã đưa hai bé gái sinh tại đây 3 năm trước đi xét nghiệm ADN và cho kết quả huyết thống chéo.

    Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, nơi xảy vụ trao nhầm 2 đứa trẻ sơ sinh. 

    Ngày 27/7/2016, 2 cháu bé "trao nhầm" đã trở về với cha mẹ ruột sau 3 năm xa cách. Nhưng cuộc đoàn tụ còn ngập tràn gian truân. Lúc đầu cả hai bé đều sốc vì môi trường sống bị thay đổi đột ngột và quá yêu thương cha mẹ nuôi. Bé Lan Anh, con anh Khiên, quấy khóc, bỏ ăn đòi về Bản Sóc ở với mẹ Liên, ông bà ngoại. Còn bé Ngọc Yến thì cứ ôm trụ cây mà khóc, lủi thủi chơi một mình rồi đòi về nhà mẹ Nga với bố Khiên ngoài thị xã. Đau xót khi các con bị sang chấn tâm lý, không nhận ruột thịt, cả hai gia đình quyết định ngồi lại bàn tính và đi đến quyết định cho hai đứa bé nhận làm chị em và sống cùng nhau. Mỗi tuần, Lan Anh và Ngọc Yến được đưa về một gia đình. Phương án tạm thời dần phát huy tác dụng.

    Các bé bắt đầu ngưng khóc, chịu nghe lời, chịu ăn, biết đùa giỡn vui chơi trở lại. Song những tín hiệu hạnh phúc không kéo dài được bao lâu. Chị Liên có bầu, nhưng chồng lại đột ngột bỏ đi khiến việc phải chăm sóc thêm hai đứa con gái của chị không hề đơn giản. Dù cũng bị gánh nặng mưu sinh đè nặng nhưng so ra vẫn khá hơn so với hoàn cảnh của chị Liên, anh Khiên thuyết phục bố mẹ vợ nhận Ngọc Yến làm con nuôi rồi đưa hai bé về nuôi nấng, chăm sóc và cho đi học. Từ bi kịch trao nhầm 5 năm trước, đến nay, sự hy sinh, tình yêu bao la dành cho các con đã đem lại hạnh phúc cho hai bên gia đình và xoa dịu vết thương tuổi thơ của con trẻ. Trong khi ngoài kia, có những cuộc tìm kiếm kéo dài hàng chục năm thậm chí không biết đến bao giờ mới là ngày đoàn tụ.

    Tìm thấy con gái sau hơn 40 năm bị trao nhầm ở Hà Nội

    Vào năm 2016, gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (65 tuổi, ở đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) đã nhờ cộng đồng mạng tìm kiếm người con gái bị trao nhầm lúc mới sinh từ 42 năm trước. Theo đó, vào ngày 10/10/1974, bà Hạnh sinh con gái ở nhà hộ sinh quận Ba Đình. Những đứa trẻ được đánh số, cùng với số người mẹ. Bà Hạnh mang số 33, nhưng nhận được đứa trẻ mang số 32. Khi gia đình bà Hạnh thắc mắc thì được nhân viên y tế cho rằng trong lúc tắm rửa số đánh dấu bị mờ. Tuy nhiên, bằng linh cảm của người mẹ, bà Hạnh vẫn tin rằng có sự nhầm lẫn con giữa 2 gia đình và cùng chồng tìm kiếm khắp bệnh viện, nhưng không có kết quả. Dù linh cảm không phải con mình, nhưng gia đình bà Hạnh vẫn hết lòng yêu thương bé gái mang số 32 và đặt tên là Tạ Thị Thu Trang. Vào năm 1998, bà Hạnh âm thầm thực hiện xét nghiệm ADN và kết quả cho thấy, chị Trang không cùng huyết thống với gia đình. Mãi đến tháng 10/2015, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, bà Hạnh mới quyết định nói ra sự thật với hy vọng để con gái tìm ra gốc gác của mình. Sau khi được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng và cộng đồng, tháng 10/2017, chị Trang đã tìm được bố mẹ đẻ của mình và bà Hạnh cũng được đoàn tụ với con gái sau hơn 40 năm xa cách. Cùng chung cảnh ngộ, bà Phan Thị Tuyết Hoa (53 tuổi) sinh con gái vào ngày 12/12/1987 tại nhà hộ sinh quận Đống Đa, ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên và đặt tên là Lê Thanh Hiền. Tuy nhiên, Hiền có nhiều đặc điểm khác với những người trong gia đình. Tháng 5/2013, Hiền nhận kết quả giám định ADN và sốc nặng khi phát hiện bà Hoa không phải là mẹ đẻ của mình. Mặc dù cuộc kiếm tìm mẹ ruột chị Hiền và con đẻ bà Hoa đến nay như mò kim đáy bể, nhưng gia đình vẫn hy vọng và không bỏ cuộc.

    Những mảnh vỡ không thể hàn gắn

    Trong vụ trao nhầm con xảy ra tại bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, hai bên gia đình khó để thuyết phục bé Đoàn Nhật M. ở lại bên nhà bố mẹ đẻ. Mỗi khi thấy chị Hương ôm bé H. vào lòng thủ thỉ nói chuyện, M. lại chạy nhanh đến ngồi cạnh. Những lúc chơi đùa xảy ra tranh cãi, M. sẵn sàng đuổi bạn về nhà. Lo sợ con tổn thương, chị lại ôm các con vào lòng trấn tĩnh: “Cả hai con đều là con của mẹ, hai con là hai anh em!”. Hằng ngày, chị Hương dạy con đánh vần tên bố Sơn mẹ Hiền, nhẹ nhàng ân cần rằng: “Bố Sơn, mẹ Hiền mới chính là bố mẹ ruột của con, còn mẹ chỉ là người nuôi dưỡng con”. M. là một cậu bé cá tính, hiếu động, ban đầu, bé nhất quyết không nghe những gì chị nói. Lâu dần bé không tỏ thái độ chống đối, nhưng nếu mẹ nói quá nhiều, cậu bé dễ nổi cáu. Cách đây một tuần, chị sửng sốt khi bắt gặp con ngồi một mình lẩm nhẩm một câu nói: “Con là con của mẹ Hương”. Đến nay, hai gia đình đã chính thức nhận lại con ruột. Bệnh viện quyết định bồi thường cho mỗi gia đình 150 triệu đồng. Song, sự rối bời, lo lắng trong ánh mắt người mẹ vẫn còn đó, sự việc xảy ra ít nhiều đã gây tổn thương đến con trẻ, tổn thương trái tim những người làm cha, làm mẹ. Riêng chị Hương, ai sẽ trả lại chị một mái ấm gia đình khi xưa, cả quãng thời gian vất vả cay đắng nuôi con một mình? Câu hỏi gieo vào khoảng không vô tận, một lần nữa nhắc nhở những người có trách nhiệm phải tận tâm hơn với công việc họ đang làm. Bởi chỉ 1 phút lơ đễnh, chủ quan bao số phận bị đảo lộn. 

     MINH PHẠM – HOÀNG YÊN
    Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật chủ nhật số 29
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dang-sau-nhung-vu-trao-nham-con-gian-nan-hanh-trinh-doan-tu-a237497.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan