+Aa-
    Zalo

    “Đề bạt, cất nhắc, không cần bằng tiến sỹ...”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - PGS.TS. Phạm Bích San đã thẳng thắn chia sẻ với PV về hiện tượng “loạn tiến sỹ giấy” và đưa tiêu chuẩn văn bằng tiến sỹ khi cất nhắc, đề bạt lên chức...

    (ĐSPL) - Đó là ý kiến thẳng thắn của PGS.TS. Phạm Bích San (Trưởng ban Tư vấn, Phản biện và giám định xã hội, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) khi trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về hiện tượng “loạn tiến sỹ giấy” và đưa tiêu chuẩn văn bằng tiến sỹ khi cất nhắc, đề bạt lên chức...

    Chỉ ở Việt Nam, tiến sỹ mới làm quản lý Nhà nước!

    Ảnh minh họa.

    Có 30/63 thí sinh thuộc diện được đặc cách xét tuyển đã không qua được kỳ sát hạch vào cơ quan Nhà nước vừa qua. Điều đáng nói, trong số 30 người không đạt, năm người có bằng thạc sỹ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, kỹ thuật hóa học và ngữ văn. Số còn lại đều là thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi nước ngoài. Trước những điều xảy ra tưởng chừng hết sức vô lý ấy, PGS.TS Phạm Bích San đã đưa ra góc nhìn của mình về tình trạng ngày càng nhiều “tiến sỹ giấy” như hiện nay:

    Đã từ lâu, Nhà nước ta có chủ trương “tiến sỹ hoá” cán bộ cấp trung và cấp cao trong hệ thống công quyền. Có người nghĩ rằng, cán bộ phải có bằng tiến sỹ mới “đột phá tư duy”. Suy nghĩ này rất thú vị, nhưng có lẽ đã có sự ngộ nhận giữa văn bằng tiến sỹ (chủ yếu làm khoa học) và quản lý. Hơn thế nữa, trong tư duy của những nhà quản lý Nhà nước đã có sự nhập nhằng giữa tiêu chuẩn đề bạt quan chức và đào tạo tiến sỹ ở Việt Nam. Nếu bầu cấp cao thì đáng ra không cần phải là tiến sỹ. Đã là nhà quản lý thì cần người có kinh nghiệm, khả năng tổ chức hoạt động thực tiễn. Còn tiến sỹ không cần trong công việc quản lý thì ngày nay lại biến thành cái cớ để thăng trượt.

    Là một PGS, tiến sỹ từng tu nghiệp nhiều năm ở nước ngoài, ông thấy cách lựa chọn đối tượng vào bộ máy cơ quan Nhà nước ta hiện nay như thế nào?

    Tôi chưa thấy quốc gia nào trên thế giới có tiến sỹ đi làm quản lý Nhà nước, vì bản chất của tiến sỹ là nghiên cứu, bản chất của nhà quản lý là khi có sự việc xảy ra thì cần họ phải xử lý ngay. Nên chúng ta rất cần những người quản lý có kinh nghiệm lâu năm. Từ đó, chúng ta nhận ra có sự sai lầm lớn của hệ thống quản lý Việt Nam là đưa các tiến sỹ vào làm quản lý Nhà nước. Ai cũng “chạy bằng” cao để vào Nhà nước hưởng chế độ tốt, ắt hẳn việc mua bằng, “chạy điểm” diễn ra là hoàn toàn bình thường. Xã hội có nhu cầu thì ắt sẽ có nguồn cung. Bằng thì bằng thật nhưng học thì học giả hoặc học không đến nơi đến chốn nên khi cần giải quyết vấn đề bằng chuyên môn hoặc cần thực tiễn thì không xử lý được, sẽ lộ ra ngay.

    Có hiện tượng “chạy bằng cấp” để được thăng chức. Ảnh minh họa

    Nguyên nhân thứ hai chúng ta không thể nhắc đến là do đặc trưng của nền văn hóa dân tộc. Những dấu vết xưa cũ của xã hội truyền thống Việt Nam ăn sâu vào trong tiềm thức người Việt. Trong xã hội truyền thống thì con đường duy nhất là đi học, thi đỗ và làm quan. Không làm quan được thì mới đi làm các công việc khác như làm thầy giáo, thầy thuốc… Nhưng con đường tiến thân cao nhất vẫn là làm quan. Giấc mơ về “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”, vinh quy bái tổ vẫn là ước vọng trong truyền thống văn hóa Việt. Do chuộng hư danh nên đôi khi khiến việc học không thật. Từ mục đích đó, hệ thống đào tạo thường hướng tới cốt sao thi đỗ thì thôi, chứ không phải chú tâm về học thuật. Mà đã làm quan thì học cũng vừa phải chỉ đủ để qua các kỳ thi!

    “Lách luật” từ A đến Z…

    Theo ông, những kẽ hở nào cho “tiến sỹ”có thể lọt qua và đỗ đạt?

    Nhìn bề ngoài một cuộc tuyển chọn nghiên cứu sinh, những tưởng rất chặt chẽ và nghiêm túc đến từng công đoạn, nhưng nếu nhìn kỹ thì đó là một cách trình diễn hình thức và hành chính hoá học thuật. Nhiều người là thành viên trong các hội đồng “ngồi nhầm chỗ”, nhưng lại có tiếng nói quan trọng, mang tính quyết định sự nghiệp của một thí sinh. Nhìn qua những hồ sơ dự thi, dễ dàng thấy thí sinh phải tốn khá nhiều thì giờ để có những giấy tờ và công chứng, giấy xác nhận cấp cơ sở, thậm chí cả ảnh của thí sinh. Có nơi còn đòi hỏi thí sinh phải thi môn như xác suất thống kê! Nếu là nghiên cứu sinh về khoa học cơ bản thì thiết nghĩ, môn học này không quá cần thiết đến phải thi.

    Phải chăng, một phần là do cơ chế Nhà nước quy định những nội dung nghiên cứu và thời gian đào tạo chưa thật sự hợp lý, thưa ông?

    Có nơi quy định rằng, đào tạo tiến sỹ chỉ cần hai năm nếu đã có bằng thạc sỹ. Tôi chưa biết có nơi nào trên thế giới đào tạo tiến sỹ trong vòng hai năm. Thật ra, thời gian đào tạo tiến sỹ không tuỳ thuộc vào ứng viên có bằng gì hay kinh nghiệm ra sao, mà tuỳ thuộc vào thời gian hoàn tất nghiên cứu. Ở Úc, thời gian đào tạo tiến sỹ thường là bốn năm toàn thời gian, bất kể ứng viên có bằng thạc sỹ hay không. Nếu ứng viên theo học bán thời gian, thì thời gian đào tạo dao động trong khoảng sáu đến tám năm.

    PGS.TS. Phạm Bích San: “Cần quyết định chấm dứt ngay việc xem văn bằng tiến sỹ là một tiêu chuẩn để đề bạt quan chức…”.

    Một điều đáng chú ý là ở Việt Nam, phần lớn các ngành đào tạo tiến sỹ không theo mô hình tập trung. Sau khi bảo vệ xong đề cương nghiên cứu và được chấp nhận, nghiên cứu sinh làm việc bình thường hay tiến hành nghiên cứu mà người hướng dẫn ít khi nào biết đến. Nghiên cứu sinh chẳng cần đến trường, mà chỉ thỉnh thoảng làm các “báo cáo chuyên đề”. Phải nói rằng, đó là một cách đào tạo tiến sỹ rất lỏng lẻo, chẳng giống các trường đại học tại các nước tiên tiến - nơi mà phần lớn các nghiên cứu sinh phải làm nghiên cứu toàn thời gian và được theo dõi giúp đỡ thường xuyên. Vì thế, theo tôi, chúng ta phải đoạn tuyệt quan hệ giữa văn bằng tiến sỹ với tiêu chuẩn, tư cách, trách nhiệm của một quan chức. Cần quyết định chấm dứt ngay việc xem văn bằng tiến sỹ là một tiêu chuẩn để đề bạt quan chức. Cấm quan chức học tại chức để lấy bằng tiến sỹ. Cấm quan chức tham gia việc đào tạo tiến sỹ. Ngoài ra, cần phải chấn chỉnh lại quy trình và chương trình đào tạo tiến sỹ sao cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

    Khi được hỏi về quá trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ của một số nước trên thế giới, PGS.TS. Phạm Bích San chia sẻ:

    Ở các đại học Úc, quy trình đào tạo tiến sỹ khá nhẹ nhàng nhưng rất nghiêm chỉnh. Các đại học Úc xem tiến sỹ là văn bằng nghiên cứu, nên ứng viên chỉ tiêu thời gian làm nghiên cứu, chứ không học môn học. Bước đầu, ứng viên liên lạc với một giáo sư và viết đề cương nghiên cứu 2-3 trang. Đề cương sẽ được gửi ra ngoài cho 2-3 chuyên gia bình duyệt xem chủ đề có xứng đáng với văn bằng tiến sỹ hay không.

    Khi được thông qua, nghiên cứu sinh sẽ theo học và nghiên cứu toàn thời gian trong phòng thí nghiệm của giáo sư. Thời gian theo học thường 3-4 năm. Trong thời gian đó, mỗi tuần nghiên cứu sinh phải tham dự các buổi sinh hoạt (như hội thảo…) của phòng thí nghiệm, của bộ môn và của viện/trường. Mỗi năm, nghiên cứu sinh phải báo cáo tiến độ, và có sự thẩm định độc lập từ hội đồng học thuật. Khi nghiên cứu sinh đã hoàn tất và công bố khoảng 2-4 bài báo khoa học, thì sẽ được cho phép viết luận án. Luận án sẽ được gửi cho ba nhà khoa học (trong số này phải có ít nhất một người là nước ngoài) bình duyệt. Thông thường, sau ba tháng bình duyệt, nghiên cứu sinh sẽ phải chỉnh sửa theo yêu cầu và hội đồng học thuật của trường đại học sẽ họp và quyết định trao bằng.

    CÙ HIỀN

    Xem thêm clip: Lật mặt 'quý ông' chạy công chức, chiếm đoạt nửa tỷ đồng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-bat-cat-nhac-khong-can-bang-tien-sy-a94379.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.