+Aa-
    Zalo

    Đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và điều hòa nhiệt độ

    (ĐS&PL) - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất Bộ Tài chính xem xét loại bỏ thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và điều hòa nhiệt độ.

    Báo Tiền Phòng đưa tin, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 1585/BTC-CST của Bộ Tài chính về đề nghị góp ý xây dựng dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

    de xuat bo thue tieu thu dac biet voi xang va dieu hoa nhiet do
    VCCI đề xuất loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Ảnh: Đức Duy/Vietnam+

    Theo đánh giá của VCCI, mặt hàng xăng đang phải chịu cùng lúc 2 loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Trong khi đó, xăng không phải mặt hàng xa xỉ và là mặt hàng trong nước sản xuất được nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường.

    VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan chức năng điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.

    Đồng thời, theo báo Thanh niên, VCCI còn đề xuất nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa nhiệt độ. Mặt hàng này chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1998 với mức thuế suất 20% và đã được giảm xuống 10% vào năm 2008. Trước đây, điều hòa nhiệt độ có thể được coi là mặt hàng xa xỉ nhưng hiện nay, sản phẩm này trở thành nhu cầu thiết yếu trong công việc và cuộc sống.

    VCCI cho rằng, nhiều nghiên cứu chứng minh, việc duy trì nhiệt độ phòng phù hợp có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao năng suất lao động. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam khi định hướng phát triển kinh tế tri thức như hiện nay. Theo đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.

    Bên cạnh đó, VCCI kiến nghị Bộ Tài chính đánh giá tác động kỹ hơn đối việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Dự thảo nêu lý do bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ sức khỏe người dân chống lại tình trạng thừa cân, béo phì và bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường. Đề xuất này dựa trên nhiều nghiên cứu trên thế giới về mối liên hệ giữa đồ uống bổ sung đường và tình trạng thừa cân béo phì.

    Tuy nhiên, đề xuất cần được thuyết minh kỹ hơn bằng số liệu cụ thể về dự kiến mục tiêu giảm thừa cân béo phì tương ứng với mỗi mức thuế suất. Đồng thời cân nhắc đến một số đặc thù riêng của Việt Nam. Thứ nhất, theo thống kê của WHO, tỷ lệ thừa cân béo phì của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Thứ hai, đồ uống có đường chỉ đóng góp một phần rất nhỏ về lượng calo trong khẩu phần ăn của người dân Việt Nam so với các nước khác.

    Trước đó, nói tại hội thảo góp ý về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ngày 15/3, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh Dưỡng, cũng dẫn số liệu cho biết bệnh thừa cân béo phì liên quan tới mất cân bằng giữa nạp năng lượng vào và tiêu hao, vận động thể lực ít hay nhiều. Theo bà, thừa cân béo phì có nhiều nguyên nhân như ít vận động, sử dụng các thực phẩm giàu chất béo, đạm, đồ ăn nhanh, thực phẩm có chứa đường trên đường phố.

    Còn với thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, VCCI cho rằng nên đưa ra khỏi danh sách chịu thuế do cơ quan soạn thảo chưa nêu được tác động tiêu cực, hay tính xa xỉ việc tiêu thụ loại đồ uống này. Theo VCCI, thức uống đại mạch giống bia nhưng không có cồn, không thể coi là lý do đánh thuế. Nếu đánh thuế loại đồ uống này, có thể khiến người tiêu dùng chuyển hướng sang sử dụng bia nhiều hơn, gây nhiều tác động tiêu cực.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-bo-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-xang-va-dieu-hoa-nhiet-do-a572706.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan