Tây Ninh: Người thương binh 26 năm đi tìm công lý


Thứ 3, 13/05/2014 | 08:43


Thương binh – thiếu úy Nguyễn Thị Ánh Thu, ngụ ở khu phố 2, thị trấn Tân Biên (Tây Ninh) đã ròng rã 26 năm đi tìm công lý, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa có hồi kết.

Được chính quyền địa phương nơi cư trú cùng nông trường xác nhận nguồn gốc đất hợp pháp của mình, nhưng tỉnh lại ra quyết định phủ quyết tất cả đề xuất của cấp dưới. Vì thế, thương binh – thiếu úy Nguyễn Thị Ánh Thu, ngụ ở khu phố 2, thị trấn Tân Biên đã ròng rã 26 năm đi tìm công lý, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa có hồi kết.

 Thương binh Nguyễn Thị Ánh Thu

Vì sự nghiệp chung

Sau khi người cha hy sinh tại chiến trường Đông Nam bộ, bà Nguyễn Thị Ánh Thu đã trở thành cô bé giao liên khi mới bước sang tuổi 11. Cũng từ đó, không biết bao lần bà bị ra khám vào xét, chịu những trận tra tấn của kẻ thù. Mang trên mình bao vết thương, cùng với những mảnh đạn trong đầu, sau giải phóng, bà Thu được điều động về phòng Quân báo, Quân khu 7 đóng trên địa bàn huyện Gò Dầu (Tây Ninh). Do đồng lương, phụ cấp của quân hàm, thương binh không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình có 4 người con, lúc bấy giờ bà Thu cùng người quen là ông Đặng Văn Bon đã lặn lội sang huyện khác xin chính quyền địa phương cho ra khu vực cây Cầy Vàng thuộc ấp Trảng Cổ, xã Đôn Thuận (nay là Hưng Thuận), huyện Trảng Bàng để khai hoang đất rừng.

Đến cuối năm 1976, bà Thu cùng ông Bon đã khai hoang thành công hơn 4,4ha đất để sản xuất, trong đó, phần diện tích của ông Đặng Văn Bon là 2ha. Bà Nguyễn Thị Ánh Thu, chia sẻ: "Với diện tích 2,4ha, ngày đi làm về, tối hay lúc được nghỉ tôi tranh thủ làm đất, lên liếp để trồng các loại đậu, đậu phụng, mè… Đến năm 1988, tôi chuyển sang trồng mía nhưng nông trường không cho vì26 ha đất của tôi cùng một số dân đã khai vỡ khác đưa vào quy hoạch Nông trường mía Trảng Bàng. Do đã lấy 12 thiêng mía giống nên tôi phải chạy đôn, chạy tháo đi mượn đất của ông Dũng là bí thư nông trường lúc bấy giờ để trồng. Đến năm 1989, nông trường mía bàn giao lại toàn bộ cho Nông trường Đồng Khởi. Qua đó, tôi và ông Bon được UBND huyện và nông trường chấp nhận bồi thường hoặc đổi đất, nhưng gia đình tôi không đồng ý, lấy đất để tiếp tục canh tác. Sau đó, ông Bon được nhận lại 2ha đất của mình, còn tôi thì không nhận được”.

"Tung tăng” tìm giặc, "cà nhắc” tìm công lý!

Do biến chứng của những vết thương, bà Thu bị liệt nửa người gần 10 năm nay. Nhưng hàng ngày bà vẫn khập khiễng từng bước đến các "cửa” để đòi lại những gì mà mồ hôi, công sức của bao ngày tháng có được.

Ông Nguyễn Văn Tường, Chủ tịch xã Đôn Thuận, xác nhận: "Trong thời gian 1976 -1977, bà Nguyễn Thị Ánh Thu có khai hoang 2,4ha đất tại khu vực cây Cầy Vàng thuộc địa phận của địa phương. UBND xã đã nhiều lần chuyển lên cấp trên xem xét và cũng đã xác nhận cho các người liên quan, chứng nhận nguồn gốc đất cho bà Thu. Đồng thời, UBND xã đã làm tờ trình, vẽ bản đồ chứng thực thửa đất số 126; 129 tờ bản đồ số 23 cho bà Thu rồi”.

Ông Ngô Thanh Tòng, PGĐ Nông trường Đồng Khởi, cho biết: "Năm 1998, Nông trường có khai hoang khu Cầy Vàng để trồng mía nhưng khi cày đến phần đất của cô Nguyễn Thị Ánh Thu thì cô Thu tránh cản nên nông trường không cày nữa. Sau đó, nông trường có đề nghị trả tiền khai hoang cho cô Thu, nhưng cô không nhận tiền bồi hoàn. Từ đó đến nay, nông trường không quản lý đất của cô Thu”. Còn ông Đặng Văn Bon, người đã cùng bà Thu khai hoang từ thuở ban đầu, nhấn mạnh: "Năm 1976, tôi cùng chị Thu đi khai hoang, cùng liền cạnh với nhau tại khu cây Cầy Vàng cho đến khi nông trường mía vào, nhưng tôi không cho và vẫn sản xuất đến bây giờ. Còn riêng chị Thu tôi không biết, chị có nhận tiền bồi hoàn hay không, nhưng tôi thấy ông Xà, bà Sộp đang trồng cao su trên đất của chị ấy”.

Với những căn cứ trên, mong UBND tình Tây Ninh sớm xem xét lại vụ việc để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho một thương binh.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tay-ninh-nguoi-thuong-binh-26-nam-di-tim-cong-ly-a32791.html