Câu chuyện cảm động về cô con dâu hiếu thảo


Thứ 3, 20/05/2014 | 02:00


(ĐSPL) - Suốt 21 năm qua, chị đã tình nguyện chăm sóc chồng, bố mẹ chồng và 3 người anh, em ngớ ngẩn của chồng một cách chu đáo khiến nhiều người cảm phục.

(ĐSPL) - Là người phụ nữ ai cũng mong muốn mình lấy được người chồng khỏe mạnh, là chỗ dựa vững chắc của mình sau này. Trước khi lấy chồng, chị cũng đã từng có suy nghĩ như vậy. Nhưng không hiểu sao chị lại quyết định đến một người đàn ông ngớ ngẩn. Và suốt 21 năm qua, chị đã tình nguyện chăm sóc chồng, bố mẹ chồng và 3 người anh, em ngớ ngẩn của chồng một cách chu đáo, khiến nhiều người cảm phục.

Người con dâu có tấm lòng thơm thảo đó là chị Nguyễn Thị An (SN 1965) trú tại xóm Bình Sơn, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn (Nghệ An).

Đó là “duyên tiền định”

Về thăm mãnh đất Bình Sơn, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn (Nghệ An), chúng tôi không khỏi xúc động khi nghe người dân nơi đây kể về hoàn cảnh người con dâu Nguyễn Thị An phải gồng mình nuôi cả gia đình chồng bị bệnh tâm thần. Câu chuyện về người phụ nữ nghèo có tấm lòng nhân hậu đó khiến chúng tôi ngầm cảm phục.

Tò mò, ngưỡng mộ và muốn biết về cuộc sống của chị khi chăm sóc 4 người ngớ ngẩn như thế nào, chúng tôi đã quyết định tìm về tận nơi để tìm hiểu. Con đường nhỏ sâu hun hút dẫn chúng tôi đến trước ngôi nhà xập xệ, nhỏ bé ở giữa xóm Bình Sơn. Đó chính là "tổ ấm" chị An đang sinh sống.

Bước vào sân, hình ảnh đầu tiên chúng tôi chứng kiến là 4 người (3 nam, 1 nữ) đang ngồi nép vào góc tường nhà, trên tay mỗi người bê một bát tô nhựa cơm và đang khóc lóc. Thoáng nhìn, chúng tôi thấy trong những bát tô đó chỉ có cơm trắng chan nước mắm và mấy cọng rau muống luộc. Thấy có người lạ tới, 4 người sợ hãi, vội nép vào một góc tường và hốt hoảng kêu chị An.

Miền Trung - Câu chuyện cảm động về cô con dâu hiếu thảo

Chị An (mặc áo trắng, đứng bên trái) cùng gia đình chồng.

Một lúc sau, một người phụ nữ gầy còm, khuôn mặt nhăn nheo hằn rõ sự khắc khổ đi ra. Nhanh tay thu don những bộ quần áo vứt vung vãi trên sàn nhà, chị An tiếp chúng tôi trong gian nhà duy nhất gọi là “tạm sạch”. Trong ngôi nhà của gia đình chị không có bất cứ vật dụng gì đáng giá ngoài hai chiếc giường cũ kĩ được tận dụng làm ghế ngồi, cạnh đó là chiếc bàn xiêu vẹo và chiếc tủ chè có cửa kính. Vội rót nước mời khách, chị kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc đời mình.

Chị Nguyễn Thị An (SN 1965) tại xóm 3, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên trong một gia đình đông anh chị em. Thời con gái, chị nổi tiếng là xinh đẹp, nết na, có rất nhiều người đàn ông theo đuổi. Đến tuổi cặp kê, cô gái An được bao chàng trai săn đón, nhưng vì thương bố mẹ vất vả, lam lũ với công việc đồng áng, chị chưa đồng ý mối nào.  Bước qua tuổi 27, chị vẫn chưa lấy được chồng, anh em họ hàng liền tìm cách mai mối cho chị.

Và chị được người bà con mai mối cho người đàn ông đứng tuổi ở xã Hùng Tiến tên là Nguyễn Công Hiền (SN 1959). Mặc dù biết những người thân trong gia đình này và chính người mình sắp lấy làm chồng bị tật bẩm sinh, không làm được việc gì nhưng chị vẫn quyết định chọn anh làm chồng trước sự can ngăn của nhiều người.

Lúc đầu, nghe chị An trình bày về chuyện muốn lấy Hiền làm chồng mọi người cứ tưởng chị đùa. Nhưng khi biết đó là sự thật, bố mẹ, anh em, họ hàng chị hết sức căn ngăn. Người ta bảo chị bị hâm nặng, đã ế thì ở vậy nuôi thân cho sướng đằng này lại đâm đầu vào nhà đó cho khổ. Biết là vậy, nhưng chị vẫn quyết tâm trở thành người con dâu hiếu thảo của bố mẹ Hiền. Ý chị đã quyết, bố mẹ cũng không thể cản, cuối cùng cũng đồng ý cho chị kết hôn với chàng trai ngớ ngẩn đó. 

Ngày chị về làm dâu, trong nhà không có gì đáng giá, đến cái kiềng sắt dùng để đặt nồi nấu ăn trong bếp cũng gần gãy. Chán nản, tuyệt vọng nhưng khi nhìn bố mẹ chồng đang ốm nặng nằm bại liệt trên giường, nhìn những nụ cười ngây ngô khiến lòng yêu thương trong người phụ nữ lại trỗi dậy. Chị thầm nghĩ: “Mình bỏ đi thì ai sẽ đến chăm sóc họ, thôi đành ở lại cặm cụi làm việc chắc mọi chuyện sẽ ổn cả”.

Miền Trung - Câu chuyện cảm động về cô con dâu hiếu thảo (Hình 2).

Căn nhà nhỏ, nơi sinh sống của những con người bất hạnh.

Được biết, bố mẹ Hiền sinh được 8 người con đủ nếp đủ tẻ, thế nhưng 4 người đã bị dị tật bẩm sinh gồm: Nguyễn Công Đức (SN 1953), Nguyễn Thị Thực (SN 1955), Nguyễn Công Hiền (SN 1959) và Nguyễn Văn Hậu (SN 1961). Trong 4 người còn lại may mắn không bị dị tật bẩm sinh thì hai người lại vĩnh viễn ra đi vì bệnh tật. Do vậy, đến thời điểm hiện tại chỉ có bà và đứa em út là người khỏe mạnh. Thế nhưng, đến tận bây giờ bà vẫn sống một mình trong căn nhà nhỏ cùng với các em và em dâu của mình. Còn người em út kể từ khi lấy chồng xa cũng biệt tích thông tin. Vậy là một mình chị phải chăm sóc chồng và 3 người anh em ngớ ngẩn của chồng.

Chị Nguyễn Thị Vân, chị gái của anh Hiền cho biết: “Tôi cũng thương em dâu lắm, một mình nó phải chăm lo cho 4 người ngớ ngẩn. Thương em những tôi cũng chỉ giúp được mấy việc lặt vặt. Công việc của một giáo viên cấp 1 khiến tôi bù đầu không có thời gian để chăm sóc các em. Gánh nặng gia đình đè nặng lên vai của An cả”.

Nguyện chăm sóc gia đình chồng cho đến hết đời

Khi mới về làm dâu, nhìn chồng và ba người anh em hết ngồi một chỗ lại kéo nhau đi chơi, thỉnh thoảng đua nhau cười hềnh hệch rồi lại khóc khiến chị cảm thấy sợ. Nhất là khi trái gió trở trời, những người ốm trong nhà lên cơn động kinh. Họ đau, nhưng chẳng thể nói cho người khác biết mình đau ở đâu. Bởi vậy, cách duy nhất họ có thể làm là vật lộn trên giường, giãy đành đạch và rống lên thảm thiết.

Chị hoảng sợ thực sự. Nhưng càng sợ, chị càng thấy thương “người nhà chồng” hơn. Bất kể đêm hôm, khi tiếng vật vã, kêu khóc vang lên, chị lao vào, dùng muối rang, ngải cứu chườm bóp khắp người. Trời mưa, chị lọ mọ khoác tấm giấy dầu, vượt đêm tối tới nhà thầy lang đầu xóm xin thuốc cho mọi người. Chị chẳng quản điều gì cả, miễn sao để người thân của chồng thoát khỏi cơn đau, dù đội mưa đội nắng, đêm đông gió bão chị cũng đi.

Câu chuyện cảm động về cô con dâu hiếu thảo

Giấy khám bệnh thường xuyên của 4 người trong gia đình chị An.

Về làm dâu được 10 năm thì mẹ chồng qua đời, hai năm sau bố chồng cũng đi theo mẹ, gánh nặng lại càng đè lên hai vai chị. Liên tiếp phải chịu tang cha, tang mẹ thế nhưng chị vẫn cáng đáng mọi việc trong gia đình, chăm chồng, chăm con và các chú, các bác.

Để có đủ gạo nuôi đại gia đình tàn tật, hằng ngày chị quần quật ngoài đồng từ cày bừa, gieo cấy cho đến thu hoạch. Tất cả đều do một tay chị đảm nhận. Chị An nhận 1 mẫu ruộng rồi tự cày bừa, cấy rồi tự thu hoạch. Tôi hỏi sức khỏe đâu mà làm nhiều vậy, chị An liền nói: “Mình làm ngày không được thì tranh thủ làm đêm, miễn sao đủ gạo để nuôi gia đình là được”.

 Người phụ nữ này cho biết, về nhà làm dâu tại gia đình này, chị bị ám ảnh nhất là hình ảnh chồng tranh giành phần ăn với anh chị em trong mỗi bữa ăn. Do vậy, dù có bận việc tới đâu chị cũng phải tranh thủ về nhà nấu ăn cho gia đình, rồi chia phần cho từng người, nhiều lúc phải đút từng thìa cơm cho họ. 21 năm nay, hàng ngày chị nấu cơm, xới ra bát đưa cho mọi người ăn. Khi mua được chút cá phải gỡ hết xương cho các anh, chị, em, nếu không họ mắc xương. Không những vậy, hàng ngày chị phải tắm rửa cho từng người, giặt dũ đống quần áo của gia đình. “Ăn xong họ lại đi chơi, đến bữa cũng chẳng biết đường về, những lúc như vậy tôi lại phải đi tìm khắp nơi", chị nói.

Cuộc sống của đại gia đình chồng đều trông nhờ vào bàn tay của chị. Hàng ngày, chị phải bươn chải vật lộn với đủ thứ nghề miễn là có tiền nuôi cả gia đình. Vất vả là vậy nhưng khi nhìn đứa con trai đang lớn khôn từng ngày, chị như được an ủi. Tuy học lớp 11 nhưng Nguyễn Công Thanh (con trai chị An) trông nhỏ như học sinh lớp 6 với làn da xanh xao, gầy gò. Nhưng, đối với chị đó là niềm hạnh phúc, là ân huệ mà cuộc đời dành tặng cho mình. Dù nghèo nhưng chị vẫn cố cho con ăn học đến nơi đến chốn, mong muốn sau này con mình đỡ vất vả.

"Hiện nay, 4 người ngớ ngẩn trong gia đình chị An mỗi tháng nhận được tổng cộng 720 nghìn đồng. Số tiền đó cũng chỉ đủ để chị mua thuốc mỗi khi ai lên cơn đau. Thường ngày cày, bừa, cấy hái đã mệt, đến mùa ngô, mùa lạc, chị làm quần quật đến 1 giờ sáng mới ăn cơm tối, mai lại dậy sớm lo cơm nước...rồi lại đi làm tiếp. Người dân trong xóm thương chị lắm, nhưng cũng chỉ cho được lon gạo, bó rau, cho họ ăn qua ngày. Không biết rồi đây khi chị không còn đủ sức khỏe ai sẽ lo cho mấy miệng ăn, lo tiền cho con đi học nữa", ông trưởng xóm Nguyễn Văn Long tâm sự.

 Hiện sức khỏe chị An không còn như trước, bệnh cao huyết áp và hiện tượng mờ mắt hàng ngày hành hạ chị. Nhưng để duy trì cuộc sống gia đình, chị An không thể một ngày nghỉ ngơi. Chị khẳng định, còn sống chị sẽ cố gắng chăm lo chu tất cho gia đình này. “Số phận quyết định tôi phải gắn bó với những con người này, dẫu có tủi phận, tôi cũng không thể nào làm khác được”, chị An nói.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cau-chuyen-cam-dong-ve-co-con-dau-hieu-thao-a32811.html