Loạn “thầy” bói dạo ở đền chùa đầu năm


Thứ 3, 24/02/2015 | 03:15


(ĐSPL) - Đầu năm mới là dịp để các "thầy" bói dạo làm ăn tại các chùa, đền. Rất nhiều người đã tốn công, hao của vì tin vào những lời bói toán không căn cứ của các "thầy”...

(ĐSPL) – Chùa, đền là điểm đến được khá nhiều người dân lựa chọn trong dịp đầu năm mới. Đây cũng chính là mảnh đất tạo cơ hội cho các “thầy” bói dạo làm ăn. Rất nhiều người đã tốn công, hao của vì tin vào những lời bói toán không căn cứ của các "thầy”.
Miền Trung - Loạn “thầy” bói dạo ở đền chùa đầu năm

Ngay cổng đền thờ ông Hoàng Mười đã có "thầy" ngồi đọc quẻ cho khách

Nếu ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, bói dạo xuất hiện nhiều ở cổng công viên, vườn hoa thì ở Nghệ An, địa điểm để các “thầy” bói dạo hoạt động chủ yếu là cửa đền, chùa.
Theo ghi nhận của phóng viên tại đền thờ ông Hoàng Mười (Nghệ An), hoạt động bói toán diễn ra công khai ở khá nhiều nơi trong khu vực đền. Người đi chùa dễ dàng bắt gặp những đám đông tụm năm tụm ba bên một người được xem là “thầy” tướng số.
Miền Trung - Loạn “thầy” bói dạo ở đền chùa đầu năm (Hình 2).

Các "thầy" có tuổi thường rất "hút" khách

Các “thầy” ăn mặc bình thường như mọi người khác, dụng cụ hành nghề là vài quyển sách tử vi cũ nát hoặc một ống tre đựng các quẻ thẻ do các “thầy” tự tay chuẩn bị từ ở nhà. Ấn tượng đầu tiên ở các “thầy” chính là những lời mời mọc, chèo kéo “rất uy tín”: “Xem bói đi! Đầu năm xem quẻ để còn biết tài vận, tình duyên, xem đúng thì mới lấy tiền". Với những câu mời tương tự như thế rất nhiều người cả tin đã “sập bẫy”.
Để tìm hiểu đến cùng những màn “biểu diễn” của các thầy bói dạo, chúng tôi sà vào 1 đám đông ngay gần điện thờ bên trái đền thờ ông Hoàng Mười. Tại đây, có rất nhiều người hiếu kỳ, tò mò cũng đang cúi đầu ngó nghiêng, đợi đến lượt mình được xem.
Miền Trung - Loạn “thầy” bói dạo ở đền chùa đầu năm (Hình 3).

Bàn nghỉ dưới gốc cây Sanh ở sân chùa cũng là nơi các "thầy" hành nghề

Khi tôi đến, thầy đang xem tay cho một cô gái trạc ngoài 20. Sau khi nhìn qua tướng mạo cô gái, “thầy” phán qua loa: “Trán cao bướng lắm, nhìn mặt này làm ra nhiều tiền nhưng không đọng của, chưa lấy chồng được vì có duyên âm. Muốn đường tình duyên thuận buồm xuôi gió cần làm lễ cầu duyên”.
Chỉ chưa đầy 3 phút, “thầy” đã phán xong cho một người khách và không quên đưa đĩa ra xin lễ để làm cho người tiếp theO. Cứ thế, lần lượt từng người một ngồi vào vị trí cho thầy xem. Theo ghi nhận, một buổi sáng mỗi thầy phải có hơn 20 khách đến xóc quẻ, xem tay, xem tướng. Trung bình mỗi lượt xem, khách đặt lễ từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Dung, trú tại Nghi Phú, TP Vinh (Nghệ An), một người vừa rời đám đông bói toán cho hay: “Thầy phán linh tinh quá, mình có chồng và 2 con rồi nhưng vẫn phán khó khăn đường con cái. Muốn có con phải làm lễ cầu tự. Mặc dù nói không đúng nhưng đã lỡ ngồi vào rồi nên đành đặt lễ 50.000 đồng theo những người trước. Xem một lần cho biết rồi rút kinh nghiệm để không tham gia mấy trò vớ vẩn này nữa”.
Miền Trung - Loạn “thầy” bói dạo ở đền chùa đầu năm (Hình 4).

Các "thầy" ngang nhiên ngồi quay lưng vào điện thờ để hành nghề

Cũng là một khách xem bói, khi được hỏi thầy phán chuẩn không, chị Nguyễn Thị Hồng (nhân viên bán hàng tại TP Vinh) cho hay: “ Mình chỉ làm công ăn lương mà thầy phán năm nay lên chức, nhiều tài lộc, có thể thuyên chuyển công tác lên vị trí quan trọng. Chẳng hiểu thế nào?”.
Hình ảnh “thầy” bói dạo đã trở nên quen thuộc tại các chùa, đền trong dịp đầu năm. Các thầy nắm bắt được tâm lý của nhiều người muốn biết trước tình hình của năm mới nên đã lợi dụng vào đó để kiếm tiền.
Mục 3, Điều 18 Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định rõ: Các hành vi tổ chức lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan; đốt vàng mã tại lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng; tuyên truyền mê tín dị đoan để bán vàng mã là vi phạm nếp sống văn hóa, sẽ bị xử phạt từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loan-thay-boi-dao-o-den-chua-dau-nam-a84822.html