“Vàng đen” chết hàng loạt, người nông dân điêu đứng


Thứ 3, 11/11/2014 | 09:04


(ĐSPL) - Trong những năm qua giá hồ tiêu liên tục tăng, người dân theo đó cũng gia tăng diện tích ồ ạt, không theo quy hoạch. Điều này đã khiến nhiều cây hồ tiêu bị chết.

(ĐSPL) - Được mệnh danh là “vàng đen” của Tây Nguyên, trong những năm qua, giá hồ tiêu liên tục tăng. Theo đó, diện tích trồng cũng được người dân gia tăng một cách chóng mặt, không theo quy hoạch khiến nhiều diện tích cây hồ tiêu bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 11.700ha cây hồ tiêu, vượt xa so với quy hoạch 6.000ha đến năm 2020. Tuy nhiên, đi đôi với tăng điện tích là nỗi lo về dịch bệnh đang bùng phát một cách nhanh chóng. Trong năm 2014, diện tích cây hồ tiêu chết nhiều khiến các hộ dân ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đang điêu đứng trước nguy cơ mất trắng.
Tại các huyện trồng hồ tiêu trọng điểm của Gia Lai như: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, câu chuyện thời sự được người dân nhắc đến nhiều nhất là làm cách nào để ngăn chặn hồ tiêu chết.
“Vàng đen” chết hàng loạt, người nông dân điêu đứng
Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra vườn hồ tiêu bị chết do dịch bệnh tại Gia Lai.
Với diện tích lên tới hơn 2.200ha, huyện Chư Prông được đánh giá là một trong những huyện trọng điểm về trồng hồ tiêu của tỉnh Gia Lai. Tại đây, giá hồ tiêu luôn ở mức trên dưới 180 triệu đồng/1 tấn, chính điều này đã khiến người dân ồ ạt mở rộng diện tích dù trình độ canh tác chưa cao. Do vậy, đi kèm với phát triển “nóng” cây hồ tiêu là dịch bệnh đang bùng phát mạnh và lan rộng tại nhiều địa phương trong huyện.
Về xã Ia Tô, huyện Chư Prông, dọc tuyến đường chính dẫn vào trung tâm xã, nhiều người không khỏi xót xa khi chứng kiến hàng nghìn trụ tiêu của bà con chết đứng giữa trời. Anh Lê Thành Trung, trú tại thôn 1, xã Ia Tô buồn bã cho biết, gia đình anh vay ngân hàng 500 triệu đồng để đầu tư vào trồng trên 2000 trụ tiêu, đến nay, tiêu đang trong giai đoạn thu hoạch thì đột nhiên chết hàng loạt. “Chi phí ban đầu gia đình bỏ ra để trồng hơn 2000 trụ tiêu là trên 600 triệu đồng, chưa tính tiền công và phân bón hàng năm. Lúc đầu tiêu chết rải rác, tôi đã mua thuốc bảo vệ thực vật về cứu chữa, đồng thời vệ sinh vườn song vẫn không hiệu quả. Đến nay, tiêu chết quá nhiều nhưng vô phương cứu chữa nên gia đình tôi đã bỏ mặc cả nghìn trụ tiêu”, anh Trung nói.
Trường hợp như gia đình anh Trung ở xã Ia Tô giờ là chuyện hết sức bình thường. Khi phát hiện tiêu bị nhiễm bệnh, người dân đã nỗ lực cứu chữa bằng nhiều cách như: phun thuốc, đổ thuốc vào gốc, dọn vệ sinh, tiêu huỷ cây bệnh... nhưng tất cả đều không có tác dụng.
“Vàng đen” chết hàng loạt, người nông dân điêu đứng
Tiêu chết đứng giữa trời khiến nhiều hộ dân lo lắng, bất an
Để trồng tiêu, người dân địa phương phải bỏ ra chi phí đầu tư lớn hơn nhiều so với các loại cây công nghiệp khác. Chỉ tính riêng tiền mua giống, mua trụ, cải tạo vườn rộng 1ha, trong năm đầu đã tốn hơn nửa tỷ đồng. Nếu tiêu không chết cũng phải mất 3 năm sau mới thu hoạch được. Chi phí lớn nên người trồng tiêu chủ yếu vay mượn ngân hàng để đầu tư, tiêu chết hàng loạt đồng nghĩa với việc cả gia đình rơi vào vực thẳm nợ nần.
Nhiều năm nay, khi giá hồ tiêu luôn ở mức cao, trở thành thứ “vàng đen” giúp nông dân làm giàu, nhiều người đã không ngần ngại bỏ trồng cao su và cà phê để chuyển sang trồng hồ tiêu. Ông Huỳnh Minh Ý, một người dân địa phương cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng cây cao su, nhưng sau giá cả đi xuống nên tôi chuyển sang trồng tiêu. Đến giờ, 700 trụ tiêu của gia đình chết sạch, tôi lại chuyển sang trồng cây cà phê”. Vòng luẩn quẩn này gần như khiến người dân không tìm ra hướng đi thích hợp cho mình trong chuyên canh cây trồng.
“Vàng đen” chết hàng loạt, người nông dân điêu đứng
Nhìn những vườn tiêu chết hàng loạt nhưng người dân đành bất lực vì không có thuốc đặc trị
Theo thống kê của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông, từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn toàn huyện đã có gần hơn 80ha hồ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh bị chết hàng loạt do dịch bệnh, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân.
Ông Lê Quang Nhân Trí, cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông cho biết: “Nguyên nhân cây hồ tiêu chết hàng loạt được xác định là do nấm Phytophthora, bệnh tuyến trùng, bệnh tán thư gây ra. Chúng có thể khiến cây chết nhanh hoặc chậm, rất dễ lây lan và hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị”.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vang-den-chet-hang-loat-nguoi-nong-dan-dieu-dung-a68520.html