+Aa-
    Zalo

    Dịch COVID-19 ngày 23/11: Châu Âu bước vào mùa Giáng Sinh "khác thường"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các nước châu Âu có thể sẽ đón một mùa Giáng Sinh "khác thường" khi tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

    Các nước châu Âu có thể sẽ đón một mùa Giáng Sinh "khác thường" khi tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

    Theo dữ liệu thời gian thực trên trang thống kế worldometers, tính đến 9h30 ngày 23/11 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 58.970.525 ca nhiễm COVID-19, tăng 489.012 ca so với cùng thời điểm ngày hôm trước. Trong khi đó, có thêm 7.409 trường hợp tử vong được báo cáo, nâng tổng số lên 1.393.227.

    Đặc phái viên của WHO về COVID-19 David Nabarro ngày 22/11 đã trả lời phỏng vấn báo chí Thụy Sĩ và vừa đưa ra dự đoán sóng lây nhiễm thứ ba sẽ bùng phát ở châu Âu vào đầu năm 2021.

    "Họ đã bỏ lỡ cơ hội xây dựng lại cơ sở hạ tầng cần thiết (để chống dịch bệnh) trong những tháng mùa hè sau khi đã khống chế thành công sóng lây nhiễm đầu tiên", đặc phái viên này cho biết.

    "Giờ đây, chúng ta có sóng lây nhiễm thứ hai. Nếu họ không xây dựng những cơ sở hạ tầng cần thiết. Chúng ta sẽ đối diện với sóng bùng phát thứ ba vào đầu năm sau", ông Nabarro nói.

    Châu Âu có thể đón mùa Giáng Sinh khác với mọi năm. Ảnh minh họa

    Châu Âu đang trải qua một mùa đông "khắc nghiệt" khi nhiều nước trong khu vực phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn số ca nhiễm COVID-19 đang tăng mạnh trở lại. Điều này có thể khiến lễ Giáng Sinh năm nay không giống với mọi năm.

    Pháp hiện đang vùng dịch lớn nhất châu Âu và thứ 4 thế giới với tổng cộng 2.140.208 ca nhiễm và 48.732 trường hợp tử vong, tăng lần lượt 13.157 và 214 ca trong 24 giờ qua.

    Pháp đang dần kiểm soát lại được đà gia tăng của dịch bệnh và đang chuẩn bị cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại nhằm phục vụ mua sắm cho dịp Giáng Sinh.

    Tây Ban Nha, quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ hai tại châu Âu, vẫn chưa báo cáo tình hình dịch bệnh trong 24 giờ qua. Hiện nước này đã ghi nhận hơn 1,5 triệu ca nhiễm và gần 43.000 người tử vong.

    Phát biểu trong buổi họp báo ngày 22/11 tại thủ đô Madrid, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết, Tây Ban Nha sẽ triển khai một chương trình toàn diện về tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho dân chúng và dự kiến sẽ bảo vệ được một lượng lớn người dân sau 6 tháng triển khai.

    Đức báo cáo thêm 13.840 ca nhiễm và 104 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 932.111 và 14.343.

    Đức sẽ cùng Tây Ban Nha là các quốc gia Liên minh châu Âu đầu tiên có một kế hoạch hoàn thiện về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho dân chúng.

    Theo Thủ tướng Tây Ban Nha, hai nước đã chuẩn bị cho kế hoạch này từ tháng 9/2020 và sẽ công bố chi tiết tại cuộc họp nội các vào ngày 24/11 này.

    Nga ghi nhận thêm 24.581 ca nhiễm COVID-19 và 401 người chết trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số lên lần lượt 2.089.329 và 36.179.

    Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ngày 22/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Tổ chức Y tế thế giới WHO nên được củng cố để điều phối phản ứng toàn cầu đối với đại dịch COVID-19 và đề xuất một hội nghị cấp cao về hợp tác vaccine.

    "Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tiếp tục hợp tác với tất cả các nước và các công ty quốc tế, bao gồm cung cấp vaccine của Nga vốn đã được chứng minh là đáng tin cậy, an toàn, và hiệu quả tới các nước khác", ông Putin nói.

    Anh báo cáo thêm 18.662 ca nhiễm và 398 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.512.045 và 55.024.

    Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cảnh báo lễ Giáng sinh năm nay sẽ không "bình thường" do tình hình dịch COVID-19, trong bối cảnh Anh chuẩn bị đổi lệnh phong tỏa toàn quốc sang các biện pháp hạn chế theo khu vực.

    Chính phủ Anh thông báo đang thảo luận với Scotland, Wales và Bắc Ireland về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế cho thời điểm Giáng sinh sắp tới, đồng thời cho biết các bên đã nhất trí rằng cần có một phương thức an toàn và giới hạn để gia đình và bạn bè có thể gặp nhau trong dịp Giáng sinh.

    Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 trên thế giới, ghi nhận 12.579.636 ca nhiễm và 262.681 ca tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 127.602 và 851 trường hợp.

    Moncef Slaoui, Trưởng cố vấn chương trình vắc-xin của chính quyền ông Trump dự đoán, cuộc sống ở Mỹ có thể trở lại bình thường vào tháng 5/2021, thời điểm dự kiến bắt đầu quá trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 rộng rãi.

    Tại Châu Á, Hàn Quốc trải qua ngày thứ 5 liên tiếp ghi nhận hơn 300 ca nhiễm mới hôm 22/11. Nước này hiện ghi nhận 30.733 và 505 trường hợp tử vong.

    Giới chức cảnh báo có thể phải triển khai các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt hơn nếu xu hướng này tiếp tục, đe dọa thủ đô Seoul và các khu vực lân cận đông đúc dân cư.

    Nhật Bản báo cáo thêm 2.514 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 130.179.

    Phát biểu trên đài truyền hình NHK ngày 22/11, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Yasutoshi Nishimura tuyên bố, nước này có thể tái áp đặt giới hạn tham dự các sự kiện thể thao và những sự kiện lớn khác nhằm khống chế sự gia tăng số ca nhiễm mới COVID-19. Chính phủ từng cho triển khai những biện pháp như vậy hồi đầu năm nay nhưng đã nới lỏng các biện pháp này trong các tháng gần đây.

    Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 497.668 ca nhiễm, tăng 4.360 so với hôm trước, trong đó người chết là 15.884, tăng 110 ca.

    Philippines báo cáo 418.818 ca nhiễm và 8.123 ca tử vong, tăng lần lượt 1.968 và 43 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.

    Hoa Vũ (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dich-covid-19-ngay-2311-chau-au-buoc-vao-mua-giang-sinh-khac-thuong-a346931.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan