+Aa-
    Zalo

    Dịch vụ taxi Uber: Nguy cơ mất an toàn cho tài xế lẫn hành khách

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sau một thời gian thử nghiệm thành công ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều trang mạng xã hội loan tin, dịch vụ taxi "phi truyền thống" Uber đã chính thức có mặt ở Hà Nội.

    (ĐSPL) - Sau một thời gian thử nghiệm thành công ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều trang mạng xã hội loan tin, dịch vụ taxi "phi truyền thống" Uber đã chính thức có mặt ở Hà Nội. Mặc dù đây là loại hình taxi đem lại nhiều lợi ích cho người dùng nhưng tính hợp pháp của nó lại là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

    Đe doạ “miếng bánh ngọt” taxi truyền thống

    Thông tin loại hình dịch vụ taxi Uber bắt đầu "tấn công" thị trường Hà Nội gần đây, đang tạo được sự chú ý từ dư luận, đặc biệt là các hãng taxi truyền thống. Bởi lẽ, điểm nổi bật của dịch vụ này là không hoạt động dưới bóng các hãng taxi hiện hành mà hoạt động chủ yếu dưới dạng cho đi nhờ ô tô để "hai bên cùng có lợi". Các xe tham gia sử dụng dịch vụ Uber (tạm gọi là dịch vụ taxi Uber) đều không có biển hiệu taxi, không hoạt động tính tiền như những xe taxi khác mà việc tính toán dựa vào thông tin vị trí trên ứng dụng điện thoại và được thanh toán qua các hệ thống thẻ ngân hàng. Uber được cung cấp hoàn toàn miễn phí dưới dạng ứng dụng và người dùng chỉ cần có một chiếc smartphone là có thể gọi loại hình taxi này.

    Hình thức hoạt động chủ yếu của dịch vụ taxi Uber là người có nhu cầu đi xe có thể dùng ứng dụng Uber trên điện thoại di động để đăng ký hành trình. Hệ thống của Uber sẽ kết nối thông báo với một chủ xe gần đó. Uber sẽ phản hồi cho khách biết về lộ phí cũng như đặc điểm, thông tin chiếc xe sắp có mặt đón khách. Hành khách phải thanh toán phí cho chuyến đi thông qua thẻ tín dụng quốc tế như: Visa, Mastercar... Số tiền thu được thông qua loại hình taxi Uber này, chủ xe hưởng 80\%, còn Uber sẽ lấy "hoa hồng" 20\%.

    Rõ ràng, thông tin dịch vụ taxi Uber có mặt tại Việt Nam đang khiến nhiều hãng taxi trong nước "nóng mặt". Tại nhiều thành phố trên thế giới, các hãng taxi truyền thống đã phản ứng quyết liệt với loại hình này vì cho rằng, nó làm ảnh hưởng tới "nồi cơm" của họ. Ngay tại Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM mới đây đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Tổng cục Đường bộ để có chỉ đạo làm rõ tính pháp lý của loại hình dịch vụ này. Hiệp hội Taxi TP.HCM cũng đã có công văn gửi lên Sở Công Thương TP.HCM kiến nghị xem xét về tính pháp lý, tính cạnh tranh và nghĩa vụ thuế của Uber tại Việt Nam.

    Xác nhận thông tin với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: "Trên địa bàn Hà Nội hiện nay, dịch vụ taxi Uber đã xuất hiện và tôi cũng có văn bản gửi một số hãng taxi để làm rõ thêm một số vấn đề. Hiện nay ý kiến về dịch vụ này chưa đồng nhất vì nó quá mới mẻ. Do đó, tôi cũng không thể đưa ra bình luận. Tuy nhiên, tôi đã được giới thiệu về dịch vụ này và thấy cũng rất khoa học, rất văn minh và có những tiện ích cho người sử dụng. Tất nhiên, vấn đề quan trọng nhất ở đây vẫn là tính hợp pháp của nó".

    Và những ẩn họa...

    Trước nhiều ý kiến cho rằng, dịch vụ taxi Uber đang hoạt động bất hợp pháp ở Việt Nam, PV báo Đời sống Pháp luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Nghi (đoàn Luật sư Hà Nội) về vấn đề này. Luật sư Nghi cho biết: "Tôi đã nghe về dịch vụ taxi này. ý kiến cá nhân tôi cho rằng, đây là hình thức kinh doanh mới giúp tiết kiệm chi phí cho người dân và xã hội nói chung. Điều này cũng góp phần giảm bớt những cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng taxi thời gian qua. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của hình thức này là chưa có quy định pháp lý cụ thể, nhà cung cấp dịch vụ cũng chưa có mặt tại Việt Nam. Vì vậy, khi có những tranh chấp xảy ra giữa khách hàng và người cung cấp dịch vụ thì khó xử lý".

    Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên cho biết: "Việc kết nối giữa người dùng và người đi xe với nhau là việc làm tiến bộ nhưng câu hỏi đặt ra ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất là hình thức này có nộp thuế hay không? Có đăng ký kinh doanh không? Thứ hai là những vấn đề phát sinh từ dịch vụ này phải xử lý như thế nào? Thực tế là tôi biết được người dân phản ánh về những bất cập của dịch vụ này. Chẳng hạn, do taxi không có đơn vị quản lý và điều hành nên không ai đảm bảo khi khách gọi điện thì xe đó có đến hay không? Có chở đến đúng địa điểm khách yêu cầu không? Thế rồi vấn đề an ninh, an toàn khi dịch vụ này được đưa vào vận hành sẽ như thế nào?".

    (bgiay)Dịch vụ taxi Uber

    Ông Bùi Danh Liên: Vấn đề của loại hình taxi này là tính hợp pháp.

    Không chỉ các chuyên gia lo ngại mà ngay cả các đơn vị quản lý cũng đang rất "mù mờ" về thông tin của loại hình kinh doanh này. Trả lời phỏng vấn báo giới, Phó Giám đốc sở GTVT TP.HCM Dương Hồng Thanh cho rằng: "Chúng tôi cũng đã nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp taxi phản đối mô hình kinh doanh kiểu Uber và đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

    Xét về góc độ kinh doanh, việc ứng dụng phần mềm Uber trên smartphone cộng với việc sử dụng xe sang để vận tải là ý tưởng kinh doanh tốt, đáp ứng nhu cầu sang trọng của một lượng khách hàng khi sử dụng taxi. Nhưng xét về góc độ pháp lý thì taxi Uber chưa tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về kinh doanh vận tải taxi, luật sư Lâm Văn Quang (đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định.

    Nguy cơ mất an toàn cả cho tài xế lẫn... hành khách

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, lãnh đạo phòng Cảnh sát Hình sự (Công an TP.Hà Nội) cho biết: Dịch vụ taxi qua ứng dụng Uber là loại hình dịch vụ rất mới, chủ yếu họ quảng cáo thông qua mạng, còn đến thời điểm hiện tại, cơ quan công an chưa nhận được phản ánh nào về những sự việc liên quan đến dịch vụ này. Tuy nhiên, lời khuyên dành cho khách hàng có ý định sử dụng loại hình dịch vụ này là nên thận trọng, bởi vì họ không có công ty quản lý, do họ tự đứng ra làm dịch vụ, xe và tài xế mình cũng không nắm được nên có thể phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là vấn đề an ninh, an toàn.

    Khách hàng cần ghi lại số điện thoại của tài xế, biển số xe ô tô, tên tuổi địa chỉ tài xế để nếu có vấn đề phức tạp phát sinh sẽ có cơ sở để giải quyết, xử lý. Hiện nay, các đối tượng lừa đảo phát sinh rất nhiều nên người dân cần thận trọng cảnh giác. Ở một góc độ khác, chính bản thân tài xế taxi cũng có nguy cơ mất an toàn cao. Bởi nếu taxi chính hãng thì còn có công ty quản lý, theo dõi hành trình di chuyển… còn loại hình này chỉ có mình tài xế tự đứng ra làm nên dễ xảy ra những việc như bị cướp, bị lừa mất tiền, sau này khi Cơ quan điều tra vào cuộc, làm án truy xét cũng gặp khó khăn.

    Bởi vậy có thể nói rằng, dịch vụ taxi qua ứng dụng Uber tiềm ẩn nhiều vấn đề mất an toàn hơn dịch vụ taxi truyền thống (chính hãng).

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dich-vu-taxi-uber-nguy-co-mat-an-toan-cho-tai-xe-lan-hanh-khach-a71433.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan