+Aa-
    Zalo

    Điểm mặt những cải cách thất bại của bộ Giáo dục & Đào tạo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những năm qua, dư luận xã hội, đặc biệt là giáo viên và học sinh luôn nằm trong tâm thế của sự thay đổi. Tuy nhiên, những thay đổi của bộ GD&ĐT gặp không ít thất bại.

    Những năm qua, dư luận xã hội, đặc biệt là giáo viên và học sinh luôn nằm trong tâm thế của sự thay đổi. Tuy nhiên, những thay đổi của bộ GD&ĐT gặp không ít thất bại.

    Thất bại của 5.400 tỷ đồng

    Tháng 9/2008, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 hướng tới đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo.

    Nguồn kinh phí đề án giai đoạn 2008-2020 là 9.378 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2008-2010 là 1.060 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 là 4.378 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 4.300 tỷ đồng.

    Sau một thời gian triển khai, đề án đã thất bại vì thiếu thực tế

    Đề án nêu ra 7 nhiệm vụ quan trọng, trong đó có xây dựng và triển khai chương trình mới đào tạo ngoại ngữ bắt buộc ở cấp học phổ thông theo các bậc trình độ tốt nghiệp tiểu học đạt bậc 1, THCS bậc 2, THPT bậc 3. Đối với người tốt nghiệp ĐH, nhiệm vụ đặt ra là 100% sinh viên chuyên ngữ đạt chuẩn bậc 5, 70% sinh viên không chuyên ngữ đạt bậc 3.

    Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã đi qua hơn nửa chặng đường, tiêu hết khoảng 5.400 tỷ đồng nhưng hiệu quả thì hoàn toàn không như kỳ vọng. Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ, trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (còn gọi là Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020) hồi tháng 10/2016, đã thừa nhận, mục tiêu của đề án thiếu thực tế. Người đứng đầu ngành giáo dục sau đó cũng khẳng định trong phiên chất vấn của Quốc hội rằng, đến năm 2020 chưa thể thực hiện được các mục tiêu đặt ra trong đề án này.

    Thất bại của dự án VNEN

    Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) được triển khai từ tháng 1/2013 với tổng số vốn được phê duyệt là 87,6 triệu USD, gồm vốn viện trợ không hoàn lại của tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu 84,6 triệu USD và vốn đối ứng trong nước 3 triệu USD. Một chương trình tưởng chừng là lý tưởng và được triển khai rầm rộ trong cả nước nhưng rất nhiều trường sau một thời gian thí điểm đã phải kêu cứu, xin không tiếp tục áp dụng.

    Tháng 10/2016, bộ GD&ĐT đã có một báo cáo ngắn gọn về một số thông tin liên quan đến VNEN. Theo đó, bộ nhìn nhận khó khăn của dự án là thời gian triển khai ngắn, phạm vi triển khai rộng khắp các tỉnh, thành cả nước với trình độ quản lý và tổ chức không đồng đều ở các cấp khác nhau. VNEN phải triển khai đổi mới đồng bộ trong khi điều kiện áp dụng tại một số trường học ở Việt Nam chưa chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ, dẫn tới hiệu quả chưa được như mong muốn. Việc áp dụng mô hình chưa linh hoạt và chưa phù hợp với điều kiện của một số địa phương…

    Bộ GD&ĐT thừa nhận dự án VNEN chưa phù hợp.

    Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận lộ trình và bước đi triển khai VNEN chưa phù hợp, cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc. Việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông... Điều đó dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận.

    Theo số liệu từ dự án VNEN, năm học 2011-2012, bộ GD&ĐT triển khai thí điểm mô hình này tại 24 trường học thuộc 12 huyện ở 6 tỉnh. Năm học 2012-2013, triển khai trên diện rộng và thí điểm tại 1.447 trường tiểu học trên 63 tỉnh, thành trong cả nước. Năm học 2015-2016, 4.177 trường tiểu học ở 63 tỉnh, thành triển khai thực hiện mô hình này.

    Thay đổi liên tục ở kỳ thi THPT Quốc gia

    Năm 2017, bộ GD&ĐT tiếp tục thay đổi phương pháp và cách tổ chức thi THPT Quốc gia. Nếu như năm 2016, Bộ vẫn cân đối giữa môn thi tự luận và trắc nghiệm, thì năm nay, chỉ còn duy nhất môn Ngữ Văn là làm dưới hình thức thi tự luận. Cụ thể, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 tổ chức thi 5 bài thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học Xã hội (KHXH). Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi khác theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

    Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc Bộ liên tục thay đổi không có lộ trình khiến cho học sinh gặp không ít vất vả trong quá trình ôn tập. Việc lấy mô hình thi của ĐH Quốc gia Hà Nội mang áp dụng cho cả nước khiến cho nhiều người không khỏi băn khoăn. Bởi thực tế, chưa có một con số chính thức thể hiện sự thành công nào về phương pháp thi trắc nghiệm của ĐH Quốc gia được công bố.

    Không chỉ có vậy, cách thức tổ chức kỳ thi cũng được Bộ thay đổi liên tục trong 3 năm qua. Cụ thể, năm 2015 có 38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì và 63 cụm thi do các sở chủ trì. Năm 2016, mỗi tỉnh có một cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Tới năm nay, mỗi tỉnh sẽ có một cụm thi và do Sở chủ trì.

    Trước đó, năm 2015, ban đầu bộ GD&ĐT định “ôm” trọn gói dữ liệu điểm của thí sinh trên toàn quốc nhưng sát ngày công bố điểm, thấy tình hình có vẻ không ổn, Bộ liền chia cho 8 trường tổ chức cụm thi ĐH công bố đồng thời với Bộ.

    Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống mạng của Bộ và của 8 trường này đã “chết lâm sàng” vài tiếng đồng hồ. Thí sinh, phụ huynh được phen hoảng loạn.

    Năm 2016, dư luận xã hội xôn xao khi một cô giáo tại TP.HCM gửi tân Bộ trưởng GD&ĐT 8 thỉnh cầu. Trong đó, yêu cầu thứ hai của cô là: Xin Bộ trưởng chấm dứt nỗi lo sợ cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh nữa bởi sự thay đổi liên tục trong giáo dục, đặc biệt là trong thi cử. Hãy cho chúng tôi sự yên lòng.

    Đừng có năm nay thi kiểu này, năm sau thi kiểu khác. Dạy học theo “Nghiên cứu bài học” chưa đâu vào đâu lại chuyển sang “Tích hợp liên môn”, rồi phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Liệu sau đó có còn phương pháp “nhào bột”, “làm bánh” nữa hay không?

    Kế hoạch bỏ biên chế trong ngành giáo dục đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận.

    Lại "thí nghiệm" bỏ biên chế giáo viên

    Sau một loạt những đổi mới, cải cách dang dở mà hiệu quả thực sự vẫn là dấu hỏi thì mới đây, bộ GD&ĐT muốn thí điểm việc bỏ biên chế giáo viên. Việc này đã vấp phải sự phản đối của nhiều người đang làm trong ngành giáo dục.

    Đổi mới để phát triển là sự phù hợp của xu thế, quy luật chung nhưng cần sự ổn định chứ không nên tạo ra sự xáo trộn và bất ổn. Nếu thay đổi này thành hiện thực, không ai dám chắc sẽ nó sẽ thành công, không ai dám chắc những hậu quả không lường trước được mà trước tiên chính là tạo nên sự xáo trộn về tâm can của nhiều giáo viên đang đứng lớp.

    Công Luân

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/diem-mat-nhung-cai-cach-that-bai-cua-bo-giao-duc-dao-tao-a192445.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan