Dòng sự kiện
    +Aa-
    Zalo

    Đổ xô nuôi đuông làm “thần dược”, vườn dừa có nguy cơ bị… xóa sổ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời gian gần đây, hàng loạt nhà hàng, quán nhậu ở TP.HCM và dọc các tỉnh miền Tây công khai bán đuông dừa. Nghe đồn thổi, đuông có khả năng cải thiện sinh lực.

    (ĐSPL) - Thời gian gần đây, hàng loạt nhà hàng, quán nhậu ở TP.HCM và dọc các tỉnh miền Tây công khai bán đuông dừa. Nghe đồn thổi, đuông có khả năng cải thiện sinh lực nên giới mày râu càng săn lùng hơn bao giờ hết. Cũng chính vì nhu cầu đó nên nhiều người đã bất chấp “lệnh cấm” để nuôi đuông dừa, thậm chí còn tạo điều kiện cho bọ đẻ ra đuông dừa, khiến các vườn dừa đứng trước nguy cơ bị… tiêu diệt.

    Săn lùng vì bồi bổ sinh lực(?!)

    Trong vai người chuẩn bị mở quán nhậu, PV tìm đến một số địa chỉ chuyên cung cấp đuông dừa tại TP.HCM. Tuấn – chủ nhà hàng kiêm người cung cấp đuông dừa ở đường D1 (quận Bình Thạnh) cho biết: “Giá bán lẻ là 8 ngàn đồng/con. Nếu anh mở nhà hàng và lấy mối từ 100 con trở lên, giá chỉ là 6,5 ngàn đồng/con. Đuông này em lấy từ Bến Tre lên”.

    Tương tự, tại điểm cung cấp đuông dừa nằm trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, PV được Lê – chủ cơ sở đặt vấn đề: “Nếu anh lấy trên 300 con, em sẽ bán giá 5 ngàn đồng/con, từ 200 – 300 con sẽ là 6 ngàn đồng/con. Còn nếu lấy dưới 100 con thì giá là 8 ngàn đồng/con. Bên em sẽ giao hàng tận nơi cho anh. Đuông này chuyển từ Bến Tre lên”.

    Bên cạnh đuông dừa đủ tuổi, các điểm còn cung cấp loại đuông sữa. “Đuông sữa tươi, sống, được bắt tận cây và chuyển lên giao trong ngày. Loại này được dưỡng trong những đọt cổ hủ dừa xay nguyên chất, tự nhiên (không sử dụng đọt cổ hủ dừa đã qua xử lý và mua trong siêu thị). Đuông sữa là những con non, nhỏ hoặc vừa mới trải qua giai đoạn lột xác. Đuông sữa lúc này rất trắng, sạch, giàu dinh dưỡng và không có ruột đen”, chị Trinh – chủ cơ sở cung cấp đuông dừa ở đường D2, quận Bình Thạnh nói.

    Theo ghi nhận của PV, đuông dừa từ lâu đã trở thành món ăn khoái khẩu của giới mày râu. “Món ưa thích nhất là đuông sống, tẩm nước mắm, dân sành điệu gọi là “đuông lội sông”. Do những con đuông vàng ruộm, mình tròn trịa, di chuyển trong đĩa nước mắm như những chiếc xe lội sông. Vì đuông dừa có hàm lượng dinh dưỡng cao, có khả năng tăng cường sinh lực cho đàn ông như thần dược nên nhiều người chọn lắm”, anh Bùi Văn Hòa – chủ quán nhậu trên đường Cây Trâm, quận Gò Vấp thông tin.

    Cũng vì những quảng cáo như “thần dược” nên đuông dừa đang được nhiều người săn lùng. Và, chỉ vùng đất Bến Tre mới có nhiều dừa, nên đây cũng là nơi cung cấp hàng cho các nhà hàng, quán nhậu tại TP.HCM. Thậm chí, nhiều người vì cái lợi trước mắt đã suýt đốn hết cả vườn dừa.

    Việc “nuôi” đuông dừa là một trong những nguy cơ triệt hạ vườn dừa.

    Ông Nguyễn Văn Tư, ở huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) từng có thời gian nuôi đuông dừa bán cho các thương lái gom lên TP.HCM cung cấp cho các quán nhậu (sau khi được vận động đã bỏ hẳn nghề) cho biết: “Cứ vào mùa mưa là những con bọ rầy bắt đầu đục khoét vào ngọn dừa để sinh trứng. Khi nở thành ấu trùng, chúng bắt đầu ăn hủ dừa đến khi cây dừa héo úa, cũng là lúc những con đuông dừa đã to, mập. Khi đó, chỉ cần đốn hạ cây dừa là có thể bắt đuông bán. Hồi trước, mỗi lúc vào mùa mưa, có khi tôi cung cấp cả ngàn con cho thương lái là chuyện bình thường”.

    Theo ông Tư, trung bình mỗi cây dừa có khoảng 50 – 100 con đuông. Những cây dừa bị đuông xâm chiếm dần kiệt sức, úa tàn cho đến chết. “Lúc đó, người ta chặt cây dừa để bắt đuông. Áp tai vào thân cây, nếu nghe thấy những tiếng lạo xạo bên trong thì cây đó có đuông sinh sống. Những con đuông thường dài cỡ ngón tay cái, màu trắng, béo tròn, có cả những con đuông đã mọc cánh màu cánh gián”, ông Tư cho biết thêm.

    Cũng theo ghi nhận của PV, hiện nay, dù bị chính quyền cấm, nhưng một số hộ nông dân vẫn lén lút hoặc “làm ngơ” cho đuông dừa phát triển, sau đó đốn hạ để cung cấp cho các thương lái. “Một số người lén lút nuôi đuông, dù chính quyền xã đã vận động nhưng họ không nghe. Vì họ thấy có lợi nhiều quá, một con đuông giá 3 – 5 ngàn đồng, nếu đốn một cây có 100 con thì cũng được gần 500 ngàn đồng rồi, hơn bán cả buồng dừa”, anh Nguyễn Đình Bảo, ngụ huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre cho biết.

    Cảnh báo nhập viện vì ăn đuông

    Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Văn Lân, giảng viên trường đại học Nông Lâm cho biết: “Đuông thực chất là ấu trùng dạng sâu của một số loại bọ cánh cứng, thường sinh sống trong cổ hũ (phần mềm bên trong ngọn) của cây chà là dại, dừa, cau, đủng đỉnh... Đến mùa sinh sản, bọ cánh cứng đục lỗ trên ngọn cây và đẻ trứng vào. Ấu trùng lớn gần bằng ngón tay thì hóa thành đuông, con đuông non nào cũng ứ sữa, mập tròn và mềm nhũn. Nó là loại vật có hại, vì cây dừa nào bị đục khoét thân đều bị chết”.

    Theo TS. Lân, người ta chỉ tìm được đuông khi thấy chòm lá trên ngọn cây chà là, dừa, cau bị héo và đổ gục xuống. Thường đuông dừa có thể có hàng trăm con trong một cổ hũ của một cây dừa. Để bắt được đuông dừa phải đốn cây dừa đó. Những con đuông bắt được có giá trị bằng một cây dừa nên người nông dân mới sẵn sàng đốn. Thế nhưng, điều này lại gây ra nhiều hệ lụy. “Họ chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến lâu dài. Vào mùa sau, sẽ không còn dừa để thu hoạch trái. Thậm chí có hộ nông dân đã triệt hạ cả vườn dừa để bán đuông”, TS. Lân chia sẻ.

    Bác sỹ Nguyễn Thành Hải, bệnh viện cấp cứu Trưng Vương cho biết: “Phải thận trọng và hạn chế, tốt nhất là không ăn những loài có hại như đuông dừa (vì như thế sẽ góp phần làm hại cây dừa). Hơn nữa, khi ăn loài côn trùng này, cũng có những nguy cơ ngộ độc, thậm chí mất mạng nếu không cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, nếu ăn phải côn trùng chết (vì khi chế biến món ăn khó nhận biết), nó sẽ tiết ra những chất có thể gây độc”.

    “Loại côn trùng này có chứa một số chất độc, vì vậy, một số người ăn vào sẽ xảy ra tình trạng ngộ độc hoặc dị ứng. Biểu hiện của tình trạng này là nổi mề đay, phát ban từng vùng, hoặc ngứa ngáy khắp người, đau bụng, tiêu chảy, khó thở. Nếu có những biểu hiện như trên thì hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý”, bác sỹ Hải cho biết thêm.

    Đuông dừa được ngâm trong nước mắm.

    Thực tế cũng đã ghi nhận trường hợp suýt mất mạng vì đuông dừa. Người nhà của bé N.T.N.A. (13 tuổi, ở TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) kể, sau khi bé ăn thử 5 con đuông (bị nhiễm độc) liền ngứa ngáy, nổi mề đay, sau đó ngất xỉu. May mà người đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời mới qua khỏi.

    Cũng trao đổi với PV báo ĐS&PL về nguy cơ nuôi đuông khiến các vườn dừa bị tiêu diệt, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Chi cục phó chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết: “Mới đây, UBND tỉnh đã có chỉ thị nghiêm cấm nuôi, phát tán đuông dừa và giao cho sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các ngành và địa phương tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại của đuông dừa. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời những nơi vi phạm. Chính vì mối nguy hiểm của loài dịch hại này, nên mọi người đều phải nắm được quy định cấm nhân nuôi, buôn bán dịch hại nói chung, đuông dừa nói riêng để thực hiện đúng pháp luật”. 

    Xử phạt một chủ nhà hàng 6 triệu đồng, về hành vi bán đuông dừa

    Mới đây, chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre) đã xử phạt 6 triệu đồng đối với ông Phạm Thế Hiền, chủ vườn ẩm thực Mai An Tiêm (xã Mỹ Thạnh An, TP.Bến Tre) về hành vi bán đuông dừa cho khách. Đồng thời, buộc chủ nhà hàng này cam kết không tái phạm. Đây là trường hợp đầu tiên tại Bến Tre bị cơ quan chức năng xử phạt về hành vi kinh doanh, phát tán đuông dừa theo khoản 5, Điều 19, Nghị định 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật).

    THANH TÙNG

    [mecloud]UkrhtZSrOF[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/do-xo-nuoi-duong-lam-than-duoc-vuon-dua-co-nguy-co-bi-xoa-so-a142149.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan