“Bí kíp” khiến vấn nạn lạm thu không còn “đường sống”


Thứ 2, 25/09/2017 | 01:22


Cùng sự kiện

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã đưa ra một ý tưởng độc đáo có thể giải quyết tình trạng lạm thu đầu năm.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã đưa ra một ý tưởng độc đáo có thể giải quyết tình trạng lạm thu đầu năm.

Lạm thu – bức tranh màu xám của giáo dục?

Trước hàng loạt phản ánh của dư luận về tình trạng lạm thu đầu năm học, thanh tra Bộ Giáo dục – Đào tạo đã vào cuộc để làm rõ các khoản thu và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo kết quả của đoàn thanh tra, ngoài khoản thu bắt buộc và thu hộ (học phí và bảo hiểm y tế), các trường trong diện đoàn kiểm tra đến làm việc còn thu các khoản thỏa thuận như tiền học hai buổi trên ngày, tiền chăm sóc bán trú, tiền cơ sở vật chất phục vụ bán trú; tiền đồng phục, tiền tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, tiền kỹ năng sống, tiền sổ liên lạc điện tử, tiền bảo hiểm thân thể, tiền quỹ khuyến học, tiền quỹ đoàn thanh niên, tiền quỹ lớp, tiền quỹ hội cha mẹ học sinh trường.

Các khoản thu khác như tiền lao công, tiền tạp phí, tiền gửi xe, tiền ủng hộ cơ sở vật chất, tiền học ngoại khóa, tiền trải nghiệm theo chuyên đề, tiền mua máy chiếu, tiền lắp đặt điều hòa, tiền hỗ trợ bàn ghế…

Trong số các khoản thu thỏa thuận, có nhiều khoản thu các trường này tổ chức thực hiện không đúng về quy trình theo quy định tại Điều 5 Thông tư 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Cụ thể là trường đứng ra trực tiếp thu, quy định mức thu, thu bình quân, sai nguyên tắc về tự nguyện.

Những khoản phí đầu năm luôn là áp lực với nhiều bậc phụ huynh

Trong giáo dục, phải làm rõ rằng học phí là học phí – còn nếu không phải học phí, đã là tiền nong thì phải hết sức minh bạch. Những khoản thu ngoài học phí với đóng góp tự nguyện, giữa việc thu của nhà trường với thu của hội phụ huynh đang bị lẫn lộn, do đó nó tạo ra một bức tranh mập mờ, gây cảm giác khó chịu cho phụ huynh và xã hội.

Sự mập mờ này không chỉ bởi nhà trường mà một phần do chính những chỉ đạo không nhất quán từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Đơn cử như việc Bộ GD&ĐT quy định ngoài học phí các trường không được thu những khoản khác trái quy định. Phải chăng như thế có nghĩa là những khoản thu ngoài học phí mà trong quy định thì nhà trường được thu và những khoản này được gọi tên là “xã hội hóa”, nấp dưới chiêu bài tự nguyện, đồng thời dựa vào sự ràng buộc, phụ thuộc của phụ huynh vào nhà trường do có con em đang theo học tại trường? Cơ chế này đưa phụ huynh vào thế dù không thích nhưng vẫn phải “tự nguyện” cho xong.

“Bí kíp” giúp hạn chế tình trạng lạm thu?

“Bí kíp” này thực chất là ý tưởng của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Theo GS Thuyết, các trường và phụ huynh có nguyện vọng tăng cường trang thiết bị, cải thiện điều kiện học tập cho học sinh như lắp điều hòa, lắp tivi… thì nhà trường có thể tổ chức vay phụ huynh học sinh cho đến khi các cháu ra trường thì hoàn trả lại số tiền này. Giải pháp nhỏ này có thể giúp tránh tình trạng nhiều trường vừa thu tiền của học sinh vào lớp 1 để lắp điều hòa, sang năm lại thu tiền của phụ huynh học sinh lớp 1 mới.

 “Thay vì thu tiền thì nhà trường nên vay tiền phụ huynh học sinh. Phụ huynh học sinh sẽ đỡ cảm thấy bị thiệt thòi vì người ta đóng tiền để con họ học suốt năm lớp, không phải đóng thêm một khoản nào nữa, đến khi con ra trường lại được trả lại. Mỗi khóa học sinh, nhà trường chỉ vay một lần. Như thế mới chấm dứt chuyện lạm dụng hội phụ huynh học sinh để thu tiền”. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

Bên cạnh ý tưởng độc đáo này, GS.TS Thuyết cũng cho rằng cần kiến nghị với Quốc hội sửa lại quy định trong Luật Giáo dục. Không phải cấm tuyệt đối không thu bất cứ khoản nào mà phỉa có quy định về thu dịch vị thì thu như thế nào? Bởi không có quy định “trên đầu” thì các trường vẫn sẽ làm theo “cách riêng” của mình. Cũng cần kiến nghị với Chính phủ, HĐND các cấp cần phải quy định lại mức học phí cho phù hợp với thực tế hơn, chứ không thể thu học phí "tượng trưng" như hiện nay.

Theo GS Thuyết thì các cơ quan quản lý nhà nước cần thể hiện rõ hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giám sát, kiểm tra các trường để chấm dứt tình trạng một số trường, một số cá nhân lợi dụng việc thu học phí đầu năm để tư lợi. Ngay khi phát hiện, cần xử lý trách nhiệm của người đứng đầu tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Từng bước một, vấn nạn lạm thu sẽ được triệt tiêu và trả lại bức tranh với gam màu sáng cho ngành giáo dục. 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-kip-khien-van-nan-lam-thu-khong-con-duong-song-a202759.html