Vì sao giới trẻ lại thiếu những kỹ năng chèo lái “con thuyền gia đình”


Thứ 2, 10/10/2016 | 13:00


(ĐSPL) - Trong số các vụ án ly hôn, xét về mặt học vấn thì giới trí thức có tỷ lệ cao nhất! Họ luôn được đánh giá là người hiện đại, sớm thành đạt nhưng lại thiếu kỹ năng

(ĐSPL) - Trong một lần làm việc tại TAND TP.Hà Nội, tôi được nghe những lời trăn trở của một vị thẩm phán. Theo ông: Trong số các vụ án ly hôn, xét về mặt học vấn thì giới trí thức có tỷ lệ cao nhất! Họ luôn được đánh giá là người hiện đại, sớm thành đạt nhưng lại thiếu những kỹ năng chèo lái con thuyền gia đình. Một số cặp vợ chồng trẻ có điều kiện kinh tế ổn định khiến những tranh chấp về tài sản trong ly hôn trở nên quyết liệt, làm đau đầu các thành viên Hội đồng xét xử.

Câu chuyện phải suy ngẫm

Hai con người trẻ ấy bước ra khỏi cổng tòa án vào lúc chiều muộn một ngày tháng Ba. Mưa lây phây. Mặt đường ướt nhẹp. Vô số lá vàng rụng xuống bết trên lối đi. Họ đã từng chung sống với nhau 6 năm trời với bao buồn vui kỷ niệm. Hai đứa con xinh xắn cũng không thể gắn kết tình cảm hai người để rồi từ hôm nay, đứa lớn sống với cha, đứa nhỏ ở với mẹ. Có lẽ, họ đã mong chờ điều này từ lâu, khi cả hai đều muốn được giải thoát, nhưng vào thời điểm tòa công bố quyết định cho hai bên thuận tình ly hôn, cả hai dường như thấy hụt hẫng. Có một điều gì đó nát vụn trong tim họ. Đợi cho hai người lên hai chiếc ôtô và chìm khuất vào dòng người hối hả trên đường, thẩm phán Mai - người thụ lý hồ sơ và xử vụ ly hôn chép miệng thở dài: Thật đáng tiếc. Cả hai đều có học vấn, kinh tế dư dả, các con ngoan ngoãn, thông minh, vậy mà họ vẫn chưa hài lòng và mải miết đi tìm những thứ khác mà họ cho là hạnh phúc. Tôi không thể hiểu giới trẻ ngày nay họ thật sự muốn gì nữa?

Và trong cái buổi chiều u ám đó, tôi được nghe thẩm phán Mai kể về bi kịch của đôi vợ chồng trẻ ấy, một bi kịch nhỏ trong cuộc sống hiện đại khi họ không biết trân trọng những điều tốt đẹp của quá khứ và sẵn sàng rũ bỏ tất cả để tìm đến những thú vui của riêng mình. Người chồng có tên là Trần Văn Lâm và vợ là Lê Hoàng Lan. Nhà Lâm ở Sơn La, bố mẹ nghèo khó, sau Lâm còn có 4 người em. Tốt nghiệp Đại học Xây dựng, Lâm không về quê mà bám trụ ở Hà Nội, làm thuê cho các công ty xây dựng tư nhân. Hai người biết nhau trong một lần người bạn của Lan rủ cô đến công ty Lâm thuê thiết kế xây nhà.

Hơn một năm sau, họ làm đám cưới. Do cả hai còn trẻ, thu nhập thấp nên Lâm chấp nhận ở rể dù nhà Lan cũng chẳng rộng rãi gì. Phải mất ba năm, Lâm mới tích cóp đủ tiền mua một căn hộ chung cư cũ. Bữa cơm đầu tiên trong “thế giới tự do” ấy, Lâm tâm sự với vợ: Kể từ khi lấy em, đây là lần đầu tiên anh được ăn một bữa no và không phải để ý đến những người xung quanh! Nghe chồng nói vậy, Lan bật khóc. Đó là tâm sự rất thật của chồng, vậy mà sống với nhau, chưa lần nào cô hiểu và thông cảm cho anh khi phải chấp nhận là “chó chui gậm chạn”. Những kỷ niệm của thời gian khó ấy những tưởng sẽ gắn kết bền chặt hai người.

Vậy mà... Phải thừa nhận Lâm là người may mắn. Anh cùng với người bạn thân sau khi có ít vốn mở hẳn một công ty xây dựng riêng, kiêm môi giới bất động sản. Công việc làm ăn suôn sẻ nên chỉ sau 2 năm thành lập, Lâm đã mua được ngôi nhà mặt phố và 3 mảnh đất ở quận Hoàng Mai, Từ Liêm, tổng giá trị tài sản lên tới vài chục tỷ đồng. Lẽ đời điều khiến con người thay đổi nhanh nhất chính là sự tác động của đồng tiền. Lâm giờ đã là người khác, với các buổi tiệc tùng, gặp gỡ đối tác và mở rộng kinh doanh.

Ảnh minh họa.

Những cô gái trẻ đẹp lao đến với anh nhiều hơn. Và việc phải đến cũng đến: Lâm sống như vợ chồng với một cô gái trẻ và mua cho cô ta một căn hộ chung cư ở trung tâm thành phố. Lan biết hết, lúc đầu cô cố gắng chịu đựng nhưng rồi như sợi dây chun bị căng kéo hết cỡ, cô bất lực. Bố mẹ Lâm từ Sơn La khuyên răn anh đủ điều, song khi người ta đã rơi vào sự u mê thì mọi khuyên răn trở nên vô nghĩa. Rất may là chuyện con và tài sản hai người tự thoả thuận được, nếu không vụ ly hôn sẽ trở nên vô cùng phức tạp – vị thẩm phán trẻ cười buồn. Tất nhiên, sau đó mỗi người sẽ đi tìm tổ ấm cho mình, nhưng ai có thể khẳng định chắc chắn rằng cuộc hôn nhân sau sẽ vững hơn lần đầu?

Vật chất là cần thiết, nhưng với hai con người trẻ ấy, tiền bạc với họ quá nhiều mà còn không mang lại hạnh phúc thì không biết điều gì sẽ khiến họ thấy vui vẻ và thanh thản trong lòng?

Cuộc ly hôn của đôi vợ chồng trẻ dưới đây lại nhuốm màu bi kịch khác. Chàng trai Nguyễn Văn Nhâm kết hôn khi vừa bước sang tuổi 25, cô dâu là Đoàn Khánh Vân, 23 tuổi là con gái duy nhất một vị thứ trưởng. Quà cưới của bố vợ cho đôi vợ chồng trẻ là... 2 cuốn sổ đỏ và rất nhiều bất động sản khác. Chưa hết, sau ngày cưới, Nhâm và Vân sang một nước châu Âu học cao học. Kết thúc khóa học, Vân về nước sinh con vì cô rất sợ mùa đông lạnh giá ở đây. Còn Nhâm ở lại học tiếp lên tiến sĩ. Học xong, anh xin vào làm việc ở một công ty với mức lương khá cao. Ngoài ra, anh còn tham gia vào một số công trình khoa học khác.

Sau 7 năm sống nơi xứ người, Nhâm tích cóp đủ tiền để mua 2 ngôi nhà rộng rãi với giá gần triệu euro. Mỗi năm, Vân và con lại sang đây chơi hoặc Nhâm về nước nghỉ hè, nghỉ Tết, kết hợp làm việc với một số công ty trong nước. Cuộc sống của đôi vợ chồng ấy có thể nói là đỉnh cao của sự viên mãn và là ước mơ của tất cả những người trẻ. Thế nhưng, từ thẳm sâu tâm hồn, chính Vân lại linh cảm một điều gì đó bất ổn. Cô luôn thấy giữa hai người không chỉ là khoảng cách địa lý mà cả những khoảng cách vô hình khác.

Cả hai đều thuộc loại người chung thủy, nghĩa là cô không nghĩ tới bất cứ người đàn ông nào khác ngoài chồng và Nhâm cũng vậy. Nhưng rồi, một sáng thức dậy, cô thấy mọi thứ đều trống rỗng. Chiếc giường như rộng hơn và căn phòng như lạnh hơn. Những câu hỏi cứ lần lượt hiện lên trong trí não cô: Mình đã sống như thế này bao nhiêu ngày rồi nhỉ? Nhâm có cảm giác này như mình không? Tại sao xa chồng mà mình không hề có cảm giác nhớ nhung gì? Ngay cả những cú điện thoại của anh lúc đêm về cũng không còn làm mình khắc khoải, bồn chồn nữa? Mình cần một người chồng luôn bên cạnh để yêu thương và sẻ chia chứ không phải một người chồng trên danh nghĩa, tài năng và giàu có... Cô bay sang gặp chồng và giữa hai người có một cuộc nói chuyện nghiêm túc, rằng cô muốn anh trở về. Nhưng anh không bao giờ chấp nhận điều này, vì anh có sự nghiệp của anh, cơ hội của anh, mà vì điều đó, anh sẵn sàng hy sinh những cái khác.

Sau nhiều đêm cân nhắc, cuối cùng, Vân quyết định ly hôn. Tôi đã đọc trong một cuốn sách, đại ý: Hạnh phúc không chỉ là tình yêu đôi lứa, cũng không phải là sự thỏa mãn những giá trị vật chất, hạnh phúc vô cùng giản dị, đó là sự hài hòa giữa các mặt của đời sống. “Sự hài hòa” là một khái niệm vừa trừu tượng, nhưng cũng rất cụ thể khi nói về sự nỗ lực của con người nếu họ có khát vọng sống, khát vọng yêu thương. Vật chất là điều kiện cần thiết nhưng không phải là số một trong cuộc sống hôn nhân. Chỉ có tình yêu chân thành mới nuôi dưỡng hôn nhân và chính tình yêu sẽ giúp con người ta hoàn thiện hơn, tiếp cho họ đủ nghị lực để vượt qua những giông bão đời người.

Tiền bạc có phải là con dao hai lưỡi?

Theo các chuyên gia tâm lý, sau khi kết hôn, cuộc sống vợ chồng thường trải qua ba giai đoạn: giai đoạn "làm quen thực tế", giai đoạn "nỗ lực thích nghi" và giai đoạn "ổn định, phát triển cuộc sống". Ở một chừng mực nào đó, tương ứng với ba giai đoạn nói trên là ba hoàn cảnh sống thường gặp nhất của cuộc sống vợ chồng: chật vật, vừa đủ và giàu có.

Theo thống kê, tỉ lệ ly hôn ở những cặp vợ chồng có cuộc sống chật vật và giàu có bao giờ cũng cao hơn những cặp có cuộc sống vừa đủ. Tại sao ư? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng xem ra tiền vẫn là nguyên nhân "nặng ký" nhất.

Nếu gặp cuộc sống khó khăn mà vợ chồng không đủ niềm tin và tình yêu trao cho nhau thì rất dễ nảy sinh mâu thuẫn và lời qua tiếng lại. Hoặc, một khi đã có "của để dành" mà vợ chồng không biết làm chủ bản thân thì cũng rất dễ nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, như: rượu chè, cờ bạc, con cái hư hỏng, ông ăn chả bà ăn nem... Thế là, tiền bỗng dưng trở thành "dâu trăm họ", kẻ xưng tụng, người chê bai. Khi hạnh phúc, sung sướng người ta bảo nhờ tiền; khi gây gổ, bất hòa người ta lại bảo "vì" tiền!

Thật ra, tiền bạc chẳng có tội tình gì, có chăng là do suy nghĩ, thái độ và quan điểm của chúng ta về nó lệch lạc, méo mó mà thôi. Về bản chất, tiền là vật vô tri vô giác, tự thân nó không xây dựng được hạnh phúc cũng như không có sức phá hủy hạnh phúc của con người. Con người có thể làm ra đồng tiền, có thể mưu cầu hạnh phúc qua đồng tiền, nhưng không vì thế mà nó có khả năng định đoạt số phận của một cuộc hôn nhân.

Tiền không phải là con dao hai lưỡi, chỉ có cái nhìn của chúng ta là hai mặt mà thôi. Và chuyện hôn nhân tan vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Sau những cuộc hôn nhân không thành là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng.

HÂN NGUYỄN

Xem thêm video:

[mecloud]tIl57FDgXK[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-gioi-tre-lai-thieu-nhung-ky-nang-cheo-lai-con-thuyen-gia-dinh-a165337.html