Hồi ký nạn nhân nô lệ tình dục: Cha mẹ ghẻ lạnh, ác mộng hành hạ


Thứ 3, 22/07/2014 | 02:30


Không chỉ bị hành hạ về thể xác và mắc những căn bệnh nguy hiểm, nhiều nạn nhân còn mang trong mình nỗi đau tinh thần không thể xóa nhòa. Ngày trở về họ phải đối mặt...

Không chỉ bị hành hạ về thể xác và mắc những căn bệnh nguy hiểm, nhiều nạn nhân còn mang trong mình nỗi đau tinh thần không thể xóa nhòa. Ngày trở về họ phải đối mặt với sự kỳ thị từ xã hội, thậm chí chính gia đình cũng quay lưng lại với họ.

Không cho con chơi cùng vì sợ bị bán sang Trung Quốc

Nỗi đau ngỡ như đã dừng lại khi họ được giải thoát về đoàn tụ cùng gia đình, vậy nhưng tại chính nơi ấy họ lại tiếp tục trở thành nạn nhân mới của sự kỳ thị trong cộng đồng, thậm chí là sự ghẻ lạnh bởi chính gia đình mình.

Đời sống - Hồi ký nạn nhân nô lệ tình dục: Cha mẹ ghẻ lạnh, ác mộng hành hạ  Những bức tranh được vẽ ghi đầy những tâm sự của nạn nhân trong giờ học kỹ năng sống.

Nạn nhân N.T.T (20 tuổi, Bắc Giang) tâm sự: “Người hàng xóm cạnh nhà khi thấy tôi về thì dị nghị, thấy con họ qua chơi với tôi thì mắng nhiếc nói cạnh khóe: “Về nhà ngay, cẩn thận không nó lại lừa bắt đi sang Trung Quốc bây giờ” – T ngậm ngùi. 

Cũng bởi lẽ đó mà T phải bán xới, lên thành phố kiếm sống. Dù có nhớ nhà, nhớ bố mẹ, phải vài ba tháng hoặc nửa năm, cô mới dám về  nhà một lần.

Nạn nhân bị mua bán được giải thoát trở về nhà, họ có thể phải đối mặt với cuộc sống còn tồi tệ hơn trước do dự kỳ thị của cộng đồng, sự tự ti mặc cảm dẫn tới lo lắng và sợ hãi. Những cảm giác đó sẽ khiến họ khó khăn khi hòa nhập cộng đồng và làm gia tăng nguy cơ làm mua bán trở lại, đặc biệt sau 2 năm đầu tiên kể từ khi được giải cứu.

Dù rất thương con gái, nhưng chính mẹ T cũng không có những kỹ năng ứng xử hù hợp giúp cô vượt qua nỗi đau. Điều này càng làm T sống ẩn mình, cô gần như bị cô lập trong ngay chính ngôi nhà của mình. “Mẹ tôi cảm thấy rất khổ tâm và xấu hổ. Bà nói với tôi rằng hàng xóm nói tôi đi Trung Quốc làm gái vì chê ở Việt Nam làm được ít tiền quá. Giờ thì bệnh tật vô người rồi nên bị họ đuổi về Việt Nam. Sau đó không lâu cha mẹ tôi tìm cho tôi một người chồng, bất chấp việc anh ta đang là người nghiện hút” – T ngậm ngùi. 

Cũng giống như T, nạn nhân N.T.G (16 tuổi, Hà Giang) đã tâm sự trong hồi ký:“Ngày trở về tưởng mình đã thoát khỏi thế giới ngục tù, không còn phải lo lắng sợ hãi nữa. Thế nhưng thật đau lòng, khi tôi trở về nhà tôi lại chịu thêm sự kỳ thị của làng xóm, bạn bè, người thân và cả người cha dượng. Mọi người đã dùng những từ ngữ rất khó nghe để lăng mạ, xúc phạm tôi... mỗi lúc như vậy tôi lại nghĩ đến cái chết” – G nói.

Hiện tại tủi nhục, quá khứ chết chóc, khổ đau lại vẫn luôn hành hạ cô trong mỗi giấc mơ khi tối về. “Có đêm đang ngủ, tôi ú ớ bật dậy, nước mắt làm gối ướt đầm đìa. Cảnh chém giết, thanh toán lẫn nhau, của các băng đảng mua bán dâm ở Trung Quốc, cảnh chị em bán dâm chạy trốn, cảnh bị bắt bị đánh… luôn ám ảnh tôi từ năm này qua năm khác” – G kể lại. 

Vết xước tâm lý

Nỗi đau thân thể thì có thể được điều trị, nhưng những tổn thương về tâm lý dù có cố gắng cũng không thể phai nhạt.

Nạn nhân M.T.S (16 tuổi Lào Cai) hiện đang sống tại ngôi nhà bình yên (NNBY) có một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Gia đình ly tán, cô ở với mẹ và cha dượng. Tại đây, cô bị cha dượng bạo hành và lạm dụng tình dục mà không thể nói cùng ai. Chán nản S bỏ học, đi làm thuê rồi bị lừa bán sang Trung Quốc.  

Bà Lê Thị Ngọc Bích - Cán bộ tham vấn tâm lý của NNBY (Trung tâm Phụ nữ Phát triển Việt Nam) –  người trực tiếp điều trị tâm lý của S cho biết: “Cô ấy từng nói với tôi rằng đã không còn niềm tin với bản thân, hàng xóm nơi cô ở thì xa lánh, còn bố mẹ thì nhất quyết ép cô phải lấy một người đàn ông đang nghiện”.

Bà Bích cho rằng, câu truyện của nạn nhân S trên đây chính là hậu quả tất yếu của việc nạn nhân bị lạm dụng trong một thời gian quá dài. Chính vì vậy sau khi trở về nạn nhân và chính người  nhà của họ thường rất mặc cảm, họ tin rằng không có bất cứ cách nào để thoát khỏi tình trạng này. “Điều này giải thích vì sao nhiều nạn nhân trở nên nghi hoặc, thờ ơ hoặc thụ động và mất khả năng đấu tranh để thoái khỏi hoàn cảnh. Có người còn bị bệnh thần kinh, điên loạn” – Bà Bích khẳng định.

Thông thường đối với đa số nạn nhân bị mua bán trở về, những gì họ trải qua thường gây cho họ những ám ảnh sang chấn về tâm lý. Nói cách khác nỗi ám ảnh đó (bao gồm cả việc bị đối xử tồi tệ hay lạm dụng tình dục) đều dẫn tới nguy cơ bị bị lạm dụng một lần nữa. Thời gian mua bán càng kéo dài càng góp phần làm gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm cả rối loạn căng thẳng sau khủng hoảng thường xuất hiện sau quá trình bị buôn bán. Những rối liễu tâm lý này có thể bị kéo dài và để lại hậu quả xấu cho nạn nhân, gia đình có thể là chính con cái của họ nếu bệnh không được điều trị kịp thời.

Thống kê trong 7 năm qua (từ 2007- 2014) NNBY đã tiếp nhận hỗ trợ cho 281 nạn nhân, trong đó có 267 người trong số đó đã hồi gia. Số trẻ em gái, người dưới 20 tuổi chiếm 80\% đối tượng được hỗ trợ; gần 15\% được hỗ trợ không biết chữ hoặc chưa từng đi học; 46\% trong số đó là người không có việc làm hoặc hoặc đi làm thuê mùa vụ; 87\% số nạn nhân là trẻ em cho biết có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đây chính là căn nguyên của nỗi đau lặp lại gây nên các sang chấn tâm lý phức tạp mà chính các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng khó can thiệp và trị liệu.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoi-ky-nan-nhan-no-le-tinh-duc-cha-me-ghe-lanh-ac-mong-hanh-ha-a42235.html