Luyện chiến mã, trọn đời một đam mê!


Thứ 2, 15/04/2019 | 03:52


Cùng sự kiện

Môn đua ngựa được người Pháp đưa vào Việt Nam năm 1932, ngay sau đó đã trở thành môn thể thao "vua", thu hút mọi thành phần xã hội.

Môn đua ngựa được người Pháp đưa vào Việt Nam năm 1932, ngay sau đó đã trở thành môn thể thao "vua", thu hút mọi thành phần xã hội. Năm 2011, trường đua đóng cửa, nhưng đến nay, nhiều người nuôi ngựa vẫn không nỡ "dứt áo" chia tay chúng.

Huyền thoại đường đua

Huyền thoại ngựa đua một thời, ông Năm Gò Công ở nghĩa trang Bình Hưng Hoà.

Ông là Nguyễn Văn Tường, 85 tuổi, do quê ông ở Gò Công, Tiền Giang nên mọi người thường gọi ông là Năm Gò Công. Hiện cả gia đình ông đang tá túc trong căn nhà dột nát trong nghĩa trang Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, TP.HCM. Còn đàn ngựa hơn chục con cũng có một dãy chuồng rách nát nằm xen giữa những ngôi mộ.

Lúc chúng tôi đến, ông đang cho con ngựa có tên Xích Thố ăn, ông vừa vuốt ve vừa thì thầm nói chuyện với nó. Con ngựa chậm rãi nhai, tai vểnh lên nghe như hiểu những lời ông nói. Năm 2011, trường đua Phú Thọ đóng cửa, thời huy hoàng của môn đua ngựa không còn, nhiều người đành rơi nước mắt chia tay những con ngựa từng gắn bó với mình. Riêng ông Năm nhất định không bán.

"Không hiểu tại sao niềm đam mê ngựa trong tôi luôn ngùn ngụt cháy. Mỗi khi nghe tiếng vó ngựa là tim tôi đập rộn rã y như chàng trai mới lớn gặp người yêu vậy", ông mở đầu. Năm 12 tuổi, ông Năm thoát ly, lên Sài Gòn xin làm chăm ngựa thuê. Năm 1989, trường đua Phú Thọ mở cửa lại, ông chính thức bước chân vào cuộc chơi khốc liệt cùng những chiến mã.

Ông được thầy Hai Lợi, một huyền thoại đua ngựa từ thời Pháp thuộc nhận làm đệ tử. Từ ngón nghề của thầy, ông Năm lĩnh hội được những bí quyết huấn luyện chiến mã không ai sánh kịp. Theo kinh nghiệm của ông thì ngựa tốt, ngựa khỏe nếu huấn luyện không giỏi thì cũng vứt.

Ông nói: "Phải huấn luyện làm sao để ngựa hiểu ý chủ, chỉ cần một cái vuốt nhẹ lúc mình đang trên lưng nó, hay một động tác, một ánh mắt... là ngựa hiểu ý mình. Như vậy mới mong thắng. Ngựa thông minh lắm, nó giống như người vậy mà. Mình quý nó thì nó yêu lại thôi".

Ông Năm nói, một trong những bài tập đầu tiên khi ngựa lên 3 tuổi là mỗi sáng sớm, ngựa phải thức dậy để đi quần nước. Phải có một bãi nước vừa chớm ngập đến bụng ngựa. Buổi sáng, nước còn lạnh nên khi nước vừa chạm bụng, ngựa theo phản xạ tự nhiên sẽ thóp bụng lại. Đó là bài tập đầu tiên về cơ bụng, giảm cân, tăng khả năng chạy nhanh. Ngoài ra, đứng dưới nước cũng khiến ngựa phải nhón chân lên, móng như thế sẽ ít chạm đất hơn, giúp giảm ma sát trên đường đua nước rút.

Ông vừa nuôi, vừa huấn luyện vừa tham gia đua. Ngựa của ông được chăm sóc kỹ, được huấn luyện bài bản nên hễ tham gia là rinh giải. Tiền thưởng nhận được, ông đầu tư cho ngựa tiếp. Ngựa của ông luôn được dân chơi cá cược ưu tiên đặt. 4 đứa con trai của ông chỉ học đến lớp 3, lớp 4 cũng nghỉ, theo cha đi làm nài ngựa và tham gia đua.

"Nài ngựa cần sức khỏe, trẻ và dũng mãnh, mấy đứa con của tôi đều đạt tiêu chuẩn. Tôi chỉ việc huấn luyện cho chúng các kỹ thuật cơ bản là có thể tham gia đua", ông Năm kể.

Mải mê chinh chiến với ngựa, vòng xoáy trường đua cứ hút gia đình ông Năm Gò Công đi mãi, đến miếng đất cũng chẳng thể mua nổi. Có thời, ông sở hữu đàn ngựa trị giá tiền tỉ, nhưng vì tiếc, vì đam mê mà ông quyết không chịu bán bớt, lấy tiền mua lấy miếng đất chọi chim, dựng căn nhà nhỏ cho vợ con ở.

Từ chăn ngựa thuê thành cao thủ

Ông Võ Bửu Trí .

Người đàn ông thứ hai chúng tôi gặp, cũng đầy "chiến tích" trên đường đua và cũng "cứng đầu" không chịu chia tay bầy ngựa của mình, đó là ông Võ Bửu Trí, ở ấp 1, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn.

Năm nay đã 76 tuổi nhưng trí nhớ của ông vẫn còn rất minh mẫn, ánh mắt ông rạo rực khi kể về ngựa đua, cái công việc đã gắn liền với ông hơn 60 năm. Ông kể, năm 9 tuổi ông bắt đầu gắn bó với ngựa bằng nghề chăm sóc ngựa ở trường đua Phú Thọ. Công việc của ông là dắt ngựa đi bộ, tắm cho ngựa, và ăn ngủ cùng ngựa. Những bí kíp nuôi ngựa đua được ông tích góp từ những ngày tháng ấy.

Ông Trí kể: "Hồi đó, giá mỗi con ngựa đua là vô cùng đắt đỏ, trung bình một con ngựa hay có giá khoảng hơn 30.000 đồng (tương đương khoảng 15 cây vàng). Năm 1960, tôi bỏ ra mười bảy ngàn đồng để mua một con ngựa đua. Sau mấy trận thắng, tôi bán lại cho một chủ khác ở trên Chợ Lớn được gần trăm ngàn. Sau này, nhiều lúc đàn ngựa của tôi lên đến mấy chục con. Trong đó có những con nếu muốn bán, "hét" giá trên trời cũng có người dắt ngay".

Nói về "đẳng cấp" ngựa đua Sài Gòn, ông Trí không giấu vẻ tự hào: "Đua ngựa vào Việt Nam chưa lâu, nhưng tiếng tăm thì mãi bên Tây, bên Mỹ còn nghe.

Nhiều con ngựa chỉ nhắc tên là người ta nhớ và xuýt xoa, như: Thoại Lang, Xích Tú, Trúc Mai, Tuấn Mã, Long Sơn Hiệp, Xích Tu Long, Phụng Hoàng, Ô Điểu... hay những con ngựa có tên Tây như: Lipa Sinette của ông Dương Hạo Tôn; con France Vedé của ông Ba Tộ.

Đặc biệt có con Lữ Bố của ông Chín Xèng, từng 48 lần đoạt quán quân, trong đó mấy lần đoạt giải ở nước ngoài. Khi con Lữ Bố già, chết, ông Chín lập mộ cho nó như người". Trong số những con ngựa nổi tiếng, ông Trí cũng có vài con. Trong đó, ông ấn tượng nhất là con Phụng Hoàng.

"Đó là một con ngựa thuộc giống Hoàng gia Anh, tôi mua dưới Hòa Khánh Đông, Đức Hoà, Long An. Lúc đầu, nó hơi còi, lại không có tướng chiến mã, dắt về ai cũng chê, nhưng tôi vẫn linh cảm thấy đây là con ngựa tốt.

Và đúng như thế, sau 3 năm nuôi, huấn luyện, con Phụng Hoàng bắt đầu trổ mã. Chân thon gọn, móng sức, ức cao, cổ vươn thẳng đứng, bờm dựng như mây lúc hừng đông, lưng dài và thẳng đều tăm tắp, đuôi cong vút như dãy núi uốn lượn.

Hồi đó, khi tôi dắt ngựa đến trường đua, ai nhìn nó cũng xuýt xoa khen và đặt cược nó sẽ về nhất. Một trong những điểm cực hay của con Phụng Hoàng là nó hiểu ý khi nài ra hiệu chạy nước rút ở cuối chặng, y như người vậy. Nhờ vậy mà nó thắng hoài", ông Trí kể.

Một kỷ niệm khó quên nữa là năm 1965, con Xích Tu Long của tôi đấu với con Long Sơn Hiệp của ông Trần Ngọc Sơn ở Xóm Gà, Q.5, một trong những tên tuổi lớn trong làng ngựa đua thời đó. Tôi nhớ ngày 2 con ngựa thi đấu, trường đua Phú Thọ lớn là vậy mà không còn chỗ trống.

Các nhà thầu khoán, luật sư, bác sĩ, trí thức và hàng ngàn người dân ngồi trên khán đài cổ vũ, hò reo vang trời. Trận đó, Xích Tu Long thua Long Sơn Hiệp, nhưng đấy vẫn là một trong những trận đua đáng nhớ nhất trong đời. Cả 2 con ngựa đều khiến người xem vô cùng mãn nhãn vì tốc độ như gió, kỹ thuật điêu luyện, chứng tỏ đẳng cấp của người huấn luyện".

Lập Phúc

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật tháng số 15

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luyen-chien-ma-tron-doi-mot-dam-me-a270792.html