Rưng rưng chuyện ở nơi osin được trả công bạc triệu mỗi ngày


Thứ 3, 26/09/2017 | 00:42


Công việc chăm sóc những bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS có thể được trả tiền lên đến hàng triệu đồng mỗi ngày, tuy nhiên không phải ai cũng làm được.

Không phải là thân nhân, cũng không phải cán bộ tế nhưng nhìn người phụ nữ ấy chăm sóc người bệnh một cách chuyên nghiệp và cũng đầy trách nhiệm khiến những người mới đến Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) không khỏi thắc mắc.

Đó là cô Nguyễn Thị Dậu, một trong rất nhiều người được thuê để chăm sóc những bệnh nhân nặng ở các bệnh viện hiện nay. Nếu chăm sóc những bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, họ có thể được trả tiền lên đến hàng triệu đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, có “thâm niên” nghề dịch vụ ở ranh giới giữa sự sống và cái chết mới thấy dù mạo hiểm bản thân để có được khoản thu nhập béo bở ấy không phải là điều dễ dàng.

Đắt đỏ dịch vụ ở “ranh giới tử sinh”

Lần đầu gặp cô Dậu ở khoa Cấp cứu, Bệnh viên Bạch Mai (Hà Nội), người đối diện dễ bị ấn tượng mạnh bởi hình ảnh người phụ nữ trung niên phúc hậu và đặc biệt là nụ cười dễ mến. Tiếp phóng viên bên giường bệnh, cô vừa trò chuyện, vừa luôn tay xoa bóp, lau rửa cho một bệnh nhân lớn tuổi. Nhìn những động tác tỉ mẩn, hết mực ân cần ấy, người ta thậm chí có thể liên tưởng cô Dậu là người thân của bệnh nhân. Nhưng thực tế, cô chỉ đơn giản đang thực hiện công việc hàng ngày của mình với lương tâm và trách nhiệm cao nhất.

Các bác sĩ, y tá trong khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Cô Dậu đã làm tại bệnh viện nhiều năm nay với công việc chính là chăm sóc những bệnh nhân neo đơn, không có người nhà túc trực ngày đêm trong viện. Làm việc cùng kíp với cô Dậu, bệnh viện còn bố trí gần chục đồng nghiệp khác. Tuy nhiên, không giống như những người trong nhóm, hàng chục năm công tác đã qua chưa bao giờ cấp trên phải nghe thấy, dù chỉ một tiếng phàn nàn của bệnh nhân về tinh thần trách nhiệm trước những việc nặng nhọc của cô Dậu.

Không chỉ chăm sóc về mặt thể chất, đề làm được công việc này, cô Dậu còn phải học cách chia sẻ, lắng nghe.

Mỗi kíp trực của mình, người phụ nữ ấy sẵn lòng đảm nhận tất cả công việc mà người nhà bệnh nhân nhờ vả, từ cho ăn, giặt giũ tới tắm rửa cho bệnh nhân đã khuất… Thậm chí, cả những ca bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS, cô Dậu cũng chẳng nề hà. Cô bảo: “Thâm niên cả chục năm chăm sóc bệnh nhân, tôi đã từng nhận không ít ca nhiễm HIV”.

Tâm sự về những lần chăm sóc bệnh nhân mắc phải căn bệnh thế kỷ, cô Dậu bùi ngùi: “Lần đầu tiếp xúc với những bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối, tôi cũng không khỏi e ngại. Họ hầu hết còn trẻ, nhưng vì bị căn bệnh thế kỉ hành hạ nên hốc hác, chỉ còn da bọc xương. Thường thì khi bệnh nhân HIV/AIDS vào viện, người ta sẽ giấu để không bị tai tiếng hay kì thị. Nhưng nhiều năm làm việc, tôi chỉ cần nhìn qua là biết ngay”.

Nhờ sự tinh tường này, trước mỗi lần nhận lời chăm sóc bệnh nhân, cô thường chủ động yêu cầu họ cho biết chính xác tình hình sức khỏe để tiện chăm sóc, đồng thời cũng đảm bảo an toàn tối đa cho bản thân mình.

Cô Dậu cũng thừa nhận: “Những ca chăm sóc bệnh nhân bình thường, tôi được bệnh viện trả 300 nghìn đồng/ngày. Nhưng nếu chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, tôi được bồi dưỡng gấp ba lần”. Một người bạn cùng kíp tâm sự: “Gia cảnh chị Dậu rất đặc biệt. Hơn chục năm trước, cô ấy từng bị thua lỗ vì chăn nuôi, phải gánh món nợ hàng trăm triệu. Có lẽ, nợ nần là động lực khiến chị Dậu thêm quyết tâm làm việc. Nhưng phải thừa nhận, nếu không có cái tâm, sự cảm thương người bệnh, thì chị chắc không thể hoàn thành tốt được công việc”.

Nhớ lại những lần chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, cô Dậu tâm sự: “Tiền kiếm được nhiều đấy nhưng không phải là tất cả. Bởi những ca bệnh thường chăm sóc vất vả một, thì bệnh nhân HIV/AIDS còn vất vả mười. Với những bệnh nhân đặc biệt đó, tôi phải dành hết tình cảm để giúp họ thanh thản trong những ngày cuối cùng của cuộc đời”.

Trong rất nhiều những ca bệnh như thế, cô Dậu còn nhớ mãi kỷ niệm chăm sóc T., một nữ bệnh nhân phải vào Khoa truyền nhiễm điều trị HIV giai đoạn cuối. “Chỉ trụ được 34 ngày thì T. qua đời. Nhưng trong khoảng thời gian chống chọi bệnh tật ấy, tôi đã bao lần rơi nước mắt nghe T. nói về bi kịch nhiễm H. từ người chồng chơi bời. Cho đến tận lúc hấp hối, T. còn viết lên tờ giấy để lại cho tôi 3 viên An cung ngưu hoàng (viên chống đột quỵ giá 1 triệu 780 ngàn đồng/viên – PV) và 5 triệu đồng tiền mặt. Nhưng khi cô ấy ra đi, tôi cũng trả lại người nhà, bởi không nỡ lòng trục lợi giữa lúc gia đình người ta mất mát. Với tôi, tình cảm của người bệnh chính là điều quý giá nhất rồi”.

Rưng rưng chuyện nghề

Chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS không chỉ là một công việc cực nhọc mà còn tiềm ẩn những nguy cơ bị phơi nhiễm. Bởi vậy, dù bệnh viện trả chế độ hàng triệu đồng/ngày, chẳng phải ai cũng sẵn lòng mạo hiểm tính mạng của mình. Thấu hiểu sự hy sinh ấy của những “hộ lý bất đắc dĩ” như cô Dậu, nên đôi khi, người nhà bệnh nhân dư dả cũng bồi dưỡng thêm đồng ra, đồng vào.

“Nhiều lúc người nhà bệnh nhân cần, tôi sẵn lòng giúp những việc “không tên” khác như cho ăn, thay bỉm, giặt giũ quần áo…Đặc biệt là việc tắm rửa cho người chết. Công việc này thường do tùy tâm người nhà bệnh nhân bồi dưỡng, cô Dậu tuyệt đối không đòi hỏi. Tuy nhiên, thông thường mỗi lần tôi cũng được bồi dưỡng khoảng 1– 2 triệu đồng”, cô Dậu cho biết.

Chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS trong các bệnh viện mang lại thu nhập cao nhưng không phải ai cũng làm được.

Sự quý mến của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có lẽ là niềm vui lớn nhất của cô Dậu khi làm công việc này. Cô bảo: “Mối quan hệ giữa mình với người bệnh không chỉ là trách nhiệm mà còn có cả tình yêu thương giữa con người với nhau. Thường thì họ thể hiện sự quý mến mình bằng tiền bồi dưỡng. Với những gia đình giàu có, phóng khoáng thì khi thấy mình tận tâm chân thành, họ chẳng tiếc gì cả. Tôi từng chăm sóc một vị giám đốc bị tai biến. Ngoài tiền công nhật, thi thoảng ông lấy lại “dúi” cho vài trăm ngàn vì thấy thương mình chịu khó.

Khi vị giám đốc này qua đời, gia đình thuê trọn gói ở nhà tang lễ, nhưng tôi vẫn xin được tắm rửa thi thể, coi như nghĩa cử cuối cùng với người đã khuất. Một trường hợp khác là bác Sàng quê ở Phú Thọ cũng khiến tôi vô cùng cảm động. Bác bị liệt chân tưởng không đi lại được nữa. Tuy nhiên sau mấy tháng kiên trì điều trị và được tôi chăm sóc, bác Sàng đã bình phục. Khi trở về quê, bác Sàng mua tặng tôi một chiếc máy phát điện và gửi thẳng về gia đình tôi ở Thái Bình. Điều này khiến tôi thật sự cảm động”.

Khép lại cuộc trò chuyện, tay vẫn không ngừng công việc chăm lo người bệnh, cô nói với tôi như tự nhủ lòng: “Tiền kiếm được cũng nhiều nhưng ngẫm lại thì tôi thấy cái được lớn nhất của mình chính là ân nghĩa, là tình cảm từ người bệnh. Nếu không vì những điều đó, dù có bao nhiêu tiền, chắc tôi cũng chẳng còn trụ lại với nghề này nữa”.

Đến với nghề tình cờ

Cô Dậu cũng từng có một gia đình hạnh phúc, êm ấm nhưng rồi một bi kịch ập đến đã làm tất cả mãi mãi thay đổi. “Năm 2000, vợ chồng tôi quyết định góp tất cả số tiền tiết kiệm rồi vay mượn hơn 100 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi. Đùng một cái, dịch tai xanh hoành hành đã khiến cả đàn lợn theo nhau chết hết. Khó khăn càng chồng chất khi đúng lúc ấy, vết thương thời chiến đấu của chồng tôi tái phát”, cô đắng đót tâm sự.

Để duy trì gia đình, người phụ nữ ấy đành khăn gói lên Hà Nội làm thuê. Tình cờ đến xin vào làm lao công ở bệnh viện, buổi đầu tiên, cô đã được giao tắm rửa cho… một người chết. “Nghĩ lại lúc ấy, tôi rất run và lo lắng. Nhưng nghĩ đến món tiền công 220 nghìn và lời hứa của bệnh viện sẽ nhận vào hẳn nếu làm tốt, tôi nhắm mắt cố gạt đi nỗi sợ để làm”, cô kể.

Lương Thảo

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/rung-rung-chuyen-o-noi-osin-duoc-tra-cong-bac-trieu-moi-ngay-a203088.html