+Aa-
    Zalo

    Hàng loạt trẻ biến chứng do mắc ho gà, cảnh báo khẩn của chuyên gia y tế

    ĐS&PL Số bệnh nhi bị biến chứng nặng do mắc ho gà nhập viện gia tăng. Điều đáng ngại, số trẻ dưới 3 tháng (chưa đủ điều kiện tiêm vắc-xin) mắc ho gà biến chuyển bệnh đột ngột.

    Từ đầu năm đến nay, số bệnh nhi bị biến chứng nặng do mắc ho gà nhập viện gia tăng. Điều đáng ngại, số trẻ dưới 3 tháng (chưa đủ điều kiện tiêm vắc-xin) mắc ho gà biến chuyển bệnh đột ngột. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 5 trường hợp tử vong. Trước tình hình đó, ngày 6/3, bộ Y tế đã có công văn do Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký, gửi các tỉnh, thành khu vực phía Bắc, yêu cầu tăng cường giám sát và rà soát việc tiêm vắc-xin phòng ho gà…

    Không tiêm vắc-xin, nhiều trẻ mắc ho gà thể nặng

    BS.Nguyễn Tấn Quang- bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cảnh báo: “Cách tốt nhất để dự phòng ho gà ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thiếu niên và người lớn là tiêm chủng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bậc cha mẹ có tâm lý chờ đợi vắc-xin dịch vụ sẽ rất dễ dẫn đến bệnh tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

    Miễn dịch của mẹ ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo vệ trẻ khỏi mắc bệnh, khi chưa đến tuổi tiêm phòng. Những trẻ có miễn dịch từ mẹ truyền sang giảm nguy cơ mắc bệnh ở giai đoạn này. Vì thế, phải cho trẻ đi tiêm đầy đủ đúng lịch sớm (khi trẻ tròn 2 tháng tuổi, không nên để 4 -5 tháng mới tiêm vì miễn dịch từ mẹ truyền sang giảm, có nguy cơ mắc bệnh). Ngoài ra, mũi nhắc lại lần 4 khi trẻ được 18 tháng rất quan trọng trong việc kéo dài miễn dịch sau này để truyền cho con. Trẻ được tiêm chủng ho gà theo đúng lịch này sẽ giúp trẻ đủ khả năng phòng bệnh, an toàn. Nếu có sự thay đổi về lịch tiêm phòng sẽ cần các chuyên gia cân nhắc cẩn thận.

    Nếu thời điểm này, trẻ xuất hiện cơn ho bất thường, ho rũ rượi, ho đến tím tái, đặc biệt lại chưa được tiêm phòng thì nên đi khám sớm để được chẩn đoán đúng, điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ biến chứng”.

    Trẻ 1 tháng tuổi đã phải lọc máu do biến chứng ho gà

    Thống kê của bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, từ đầu năm 2017 đến nay, có hơn 50 bệnh nhi mắc ho gà, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Đặc biệt, năm nay trẻ mắc ho gà chủ yếu dưới 3 tháng tuổi. So với các năm trước, năm nay, số ca mắc ho gà tăng gấp bốn lần và 70% là trẻ dưới 3 tháng tuổi.

    Trẻ mắc ho gà đang được điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương.

    Số liệu từ cục Y tế dự phòng (bộ Y tế), hai tháng đầu năm 2017, các ca mắc ho gà rải rác tại các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Nam... trong đó Hà Nội có ca mắc cao nhất với 10/55 trường hợp, trong đó một ca tử vong. 4 trường hợp tử vong khác tại Cao Bằng, Nam Định (2 ca), Nghệ An.

    Về vấn đề này, TS. Trần Đắc Phu- Cục trưởng cục Y tế dự phòng cho biết, đại đa số các ca bệnh là trẻ dưới 3 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vắc- xin, chưa tiêm vắc xin hoặc mới tiêm được một mũi vắc-xin.

    Theo chỉ định trong tiêm chủng, trẻ tiêm vắc-xin ho gà mũi 1 lúc đủ hai tháng tuổi. Trong số trẻ đang điều trị về ho gà, có một số trẻ rất nặng phải thở máy, nguy cơ tử vong rất cao.

    Ghi nhận của PV tại khoa Truyền nhiễm - bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, số bệnh nhi nhập viện do biến chứng ho gà tăng cao. Một bệnh nhi mới hơn 1 tháng tuổi nhưng đã mắc ho gà và được nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, nguy cơ tử vong rất cao. Dù đã 10 ngày, bé vẫn phải lọc máu và sử dụng máy trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể.

    Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Ninh Bình), mẹ cháu bé cho biết, trước khi nhập viện, cháu chỉ bị ho nhẹ nhưng chỉ vài ngày sau, cơn ho kéo dài hàng tiếng, bé có biểu hiện tím tái. Chị đã đưa cháu đi khám tại phòng khám tư nhân, nhưng không thấy đỡ. Sau đó, gia đình thấy cháu ho nhiều hơn nên đã đưa vào bệnh viện Nhi Trung ương, tại đây bác sĩ chẩn đoán cháu mắc bệnh ho gà.

    “Hiện cháu đang phải lọc máu, sử dụng kỹ thuật ecmo- trao đổi oxy qua màng cơ thể. Các bác sĩ bảo rằng, cháu vẫn trong tình trạng nguy kịch. Gia đình tôi cũng chỉ biết hy vọng con sẽ mau lành bệnh mà thôi”, chị Tuyết mắt đỏ hoe nói. Cùng chung sự lo lắng về tình trạng bệnh của con, chị Đỗ Thị Dung (Sơn La) buồn rầu nói: “Lúc đầu bé nhà mình có các triệu chứng như ho, đỏ người, có lúc ho đến tím tái, những ngày sau cơn ho kéo dài hơn. Thấy con ho khó thở, vợ chồng tôi đã cho con nhập viện nhưng không ngờ con đã biến chứng”.

    TS.Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, năm nay trẻ mắc ho gà chủ yếu dưới 3 tháng tuổi, chưa tiêm vắc-xin, mắc kháng thể bà mẹ truyền cho con khi mang thai. Trong khi đó, mẹ của trẻ chưa có kháng thể phòng bệnh vì chưa tiêm vắc-xin hoặc đã hết kháng thể. “Biểu hiện và triệu chứng của ho gà thường giống với viêm phế quản, chỉ khi bệnh nặng gia đình mới đưa vào viện và nhiều trẻ đã biến chứng”, TS.Lâm cảnh báo.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng- nguyên Trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Tôi nhấn mạnh, ho gà là bệnh nguy hiểm, có thể tử vong sau cơn ho hoặc biến chứng”.

    Trao đổi với PV, TS. Trần Đắc Phu nhận định: “Việc quan trọng nhất trong thời điểm này là tập trung phát hiện ca bệnh sớm để điều trị, giảm tử vong, hạn chế thấp nhất số ca chết. Số ca mắc tập trung trẻ nhỏ cho thấy, tỉ lệ tiêm ngừa vắc-xin ho gà ở trẻ em đã đạt hiệu quả. Vì nếu tỉ lệ tiêm chủng những năm qua không cao, số ca bệnh phải xảy ra ở trẻ lớn nhiều hơn...”.

    Biện pháp giảm nguy cơ lây bệnh ho gà

    Theo TS. Phu, để quản lý bệnh ho gà và giảm nguy cơ lây bệnh cho người khác cần thực hiện các biện pháp sau: “Cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà (vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván –DTP hoặc vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virut viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đủ liều, đúng lịch. Với trẻ mắc bệnh, tuân thủ liệu trình sử dụng thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ.

    Giữ cho nhà cửa không có các chất kích thích, vì nó có thể kích thích gây ho, chẳng hạn như khói thuốc, bụi và hơi hóa chất. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho, hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Uống nhiều chất lỏng, bao gồm nước, nước trái cây, súp và ăn nhiều hoa quả để dự phòng mất nước (thiếu dịch); Ăn các bữa nhỏ và thường xuyên giúp dự phòng nôn nếu có.

    Khi có dấu hiệu mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời”.

    Ngân Giang - Lành Nguyễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hang-loat-tre-bien-chung-do-mac-ho-ga-canh-bao-khan-cua-chuyen-gia-y-te-a184635.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.