Sán lá gan chui vào ký sinh hủy hoại gan thế nào?


Thứ 6, 04/08/2017 | 03:43


Cùng sự kiện

Bệnh nhân 70 tuổi sống ở vùng quê hay ăn đồ chưa nấu chín như nem chua, gỏi, rau sống và có thể, sán lá gan đã chui vào gan và phá hủy cơ quan quan trọng này.

Bệnh nhân 70 tuổi sống ở vùng quê hay ăn đồ chưa nấu chín như nem chua, gỏi, rau sống và có thể, sán lá gan đã chui vào gan và phá hủy cơ quan quan trọng này.

TS.BS Đoàn Thu Trà - Trưởng Phòng Nhiễm khuẩn tổng hợp, Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai vừa cho biết, hiện Khoa đang điều trị cho một bệnh nhân 70 tuổi (Ý Yên, Nam Định) bị áp xe gan do nhiễm sán lá gan. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt cao và đau nhiều vùng gan được tuyến dưới chẩn đoán áp xe gan không rõ nguyên nhân.

Bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan tại BV Bạch Mai

Đến Khoa Truyền nhiễm, thể trạng một người già sốt cao, rét run, có biểu hiện bệnh lý nhiễm trùng, vùng gan rất đau, men gan cũng như xét nghiệm Bilirubin máu tăng cao. Chúng tôi đã lưu ý đặc biệt đến yếu tố tập quán của bệnh nhân sống ở vùng quê hay ăn những thức ăn chưa được nấu chín như nem chua, gỏi, rau sống… và kết quả xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán là dương tính với sán lá gan. Như vậy bệnh nhân được chẩn đoán áp xe gan là do nhiễm sán lá gan.

BS Trà cho rằng, khí hậu nhiệt đới của nước ta, cùng ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo và những thói quen tập quán sinh hoạt lạc hậu là điều kiện thuận lợi cho bệnh nhiễm kí sinh trùng phát triển.

Theo TS.BS Đoàn Thu Trà cách đơn giản nhất để phòng tránh các bệnh do ký sinh trùng là người dân thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh cá nhân và định kỳ tẩy giun sán 12 tháng/lần.

Về con đường bị nhiễm sán lá gan lớn, TS- BS Huỳnh Hồng Quang, viện ký sinh trùng và côn trùng Quy Nhơn cho biết: Bệnh sán lá gan lớn (Fascioliasis) là một bệnh nhiễm ký sinh trùng gây ra bởi Fasciolia hepatica hoặc Fasciola gigantica. Người là các vật chủ tình cờ cho bệnh và vật chủ chính vẫn là cừu và một số gia súc khác như trâu, bò.

Ấu trùng của ký sinh trùng này đóng kén trên các thực vật thủy sinh như rau cải xoong, rau muống, rau ngổ, rau rút… Khi con người ăn những loại rau bị nhiễm ấu trùng có thể bị bệnh.

Một số người có thói quen ăn rau sống hoặc có người bị sỏi thận điều trị theo cách dân gian là xay cây rau ngổ và uống sống nên ăn luôn cả ấu trùng sán lá gan lớn. Hay có thể, nhiễm phải ấu trùng giai đoạn nhiễm thông qua uống phải nguồn nước nhiễm ấu trùng cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.

Một số người bị bệnh gan, mua gan bò, cừu về hấp để ăn chữa bệnh. Nhưng vì gan của con bò, trâu, cừu nhiễm sán lá gan lớn không được hấp chín kỹ cũng có thể gây bệnh.

Cận cảnh sán lá gan lớn

Sau khi ăn bằng đường miệng, ấu trùng thoát kén và đi xuyên qua thành dạ dày vào trong khoang phúc mạc và tìm đường đến gan, đến đường mật, ở đó chúng định vị và thành sán trưởng thành.

Người bị bệnh sán lá gan lớn thường có các triệu chứng đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc đau tức vùng thượng vị và mũi ức; tính chất đau không đặc hiệu, có thể âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, cũng có trường hợp không đau bụng.

Bệnh nhân suy nhược, mệt mỏi, có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, có thể sốt hoặc đau khớp, đau cơ và mẩn ngứa, sụt cân...

Bác sỹ Quang lý giải, đó là nguyên nhân tại sao nhiều người bị sán lá gan ở giai đoạn đầu tưởng mình bị viêm loét dạ dày và được chẩn đoán và điều trị “không thỏa đáng”.

Một thời gian sau, người bị bệnh sẽ bị tổn thương gan, áp xe gan, đau hạ sườn phải, đặc biệt đau tức vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải, đau vắt qua thắt lưng, có cảm giác đau mỏi 2 vai.

Chưa vào gan thì phát hiện rất khó, vì vậy, phải làm các xét nghiệm miễn dịch ELISA qua thử máu. Chỉ số bạch cầu ái toan tăng cao khi bệnh nhân ở giai đoạn cấp.

Khi sán lá gan lớn phát triển gây tổn thương, tạo nhiều ổ áp xe lớn nhỏ, có trường hợp biến chứng vỡ ổ áp xe gây viêm phúc mạc, đe dọa đến tính mạn. Một số biến chứng do sán lá gan lớn dẫn đến như viêm đường mật, túi mật, viêm tụy, viêm phúc mạc, thiếu máu,...

Tuy nhiên, cũng có khi sán lá gan lớn đi lạc chỗ lên tụy, thận, cơ thẳng bụng, phổi, buồng trứng, khớp, mạch máu, tinh hoàn, não bộ… gây các biểu hiện bệnh khác thường.

Theo bác sỹ Quang, dù có rửa rau bằng thuốc tím, nước muối, hoặc sục ozon cũng khó có thể diệt được ấu trùng sán lá gan lớn một cách hoàn toàn. Do vậy, để tránh nhiễm sán, người dân không nên thận trọng khi ăn rau sống và nên uống nước đun sôi để nguội. Rau, gan động vật cần nấu chín kỹ.

Để trị bệnh sán lá gan lớn không khó bởi đã có thuốc đặc hiệu, miễn là phát hiện bệnh sớm và dùng thuốc đặc hiệu.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/san-la-gan-chui-vao-ky-sinh-huy-hoai-gan-the-nao-a198144.html