+Aa-
    Zalo

    Đón Tết ở "ốc đảo" Hồng Lam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Nằm cách TP Vinh (Nghệ An) tầm 3km, có một nơi mà cái Tết vẫn trở nên xa vời, mọi thứ vẫn còn ảm đạm dù hoa đã "bung" trên mọi nẻo đường.

    (ĐSPL) – Nằm cách TP Vinh (Nghệ An) tầm 3km, có một nơi mà cái Tết vẫn trở nên xa vời, mọi thứ vẫn còn ảm đạm dù hoa đã "bung" trên mọi nẻo đường.
    Nằm giữa 3 đô thị là TP Vinh của Nghệ An, thị trấn Nghi Xuân và thị trấn Xuân An của Hà Tĩnh nhưng thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) lâu nay được xem như một ốc đảo bị ngăn cách với thế giới xung quanh bởi 4 bề sông nước.
    Chúng tôi tìm về thôn Hồng Lam trong những ngày cuối năm. Trái ngược với sự ồn ào, hối hả bên kia bờ sông, Hồng Lam vẫn lặng lẽ đến lạ thường. Đi dọc con đường đầy những rác để vào thôn, thi thoảng gió từ mép sông lại rít lên từng đợt khiến chúng tôi lạnh đến run người. Thứ âm thanh duy nhất chúng tôi có thể nghe thấy khi đặt chân vào đây là tiếng nước bì bõm vỗ vào bờ. Đâu đó còn có tiếng chó sủa, gà kêu xoá tan bầu không khí tĩnh mịch nơi đây.
    Đã 9h sáng nhưng thôn Hồng Lam vẫn vắng bóng người.
    Mặc dù Tết Nguyên đán đã cận kề, nhưng không khí nơi đây vẫn chẳng khác gì ngày thường, những ngôi nhà cửa đóng then cài vẫn chiếm hơn nửa nơi xóm nghèo. Bà Nguyễn Thị Luyến, một người dân địa phương cho biết: “Nhà tôi được 3 người con, học xong phổ thông, cả 3 đứa phải đi kiếm việc trong miền Nam. Tết đến nơi chưa thấy đứa nào về, tôi thì không có điện thoại mà gọi hỏi con. Mà hơn nữa, giờ ngày Tết đi về tiền xe cộ tốn kém nên nếu con không về thì cũng phải chịu thôi”.
    Bà Luyến rầu rĩ đợi con về.
    Chiều 29 Tết, bà Luyến vẫn thui thủi một mình trong căn nhà vắng người. Nhìn lên bàn thờ chồng, bà gạt nước mắt chia sẻ: “Chồng tôi mất sớm, giờ con cái lại đi làm xa cả, chỉ mỗi tôi ở nhà. Bình thường tôi đi làm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, mấy đứa lâu rồi cũng không có tiền gửi về. Vừa rồi, mùa màng xong, tiết kiệm được đồng nào, tôi lo phân với giống hết cả rồi, giờ Tết đến muốn mua cái lễ thắp hương hay chuẩn bị sắm sửa Tết cũng phải đợi con cái về, chứ giờ vay mượn cũng khó coi”.
    Được biết, toàn thôn Hồng Lam hiện còn 670 nhân khẩu, với 182 hộ, trong đó hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 17\%. Hầu hết người dân nơi đây đều sống nhờ vào nông nghiệp. Hết mùa họ lại bắt tay vào nghề phụ như dệt chiếu, chài lưới để kiếm thêm thu nhập.
    Những ngày này, khi chúng tôi về thăm lại Hồng Lam, tất thảy mọi người đều đang tất bật với mùa màng nên hầu như chưa nhà nào chuẩn bị mua sắm gì cho Tết. Điều này cũng lí giải tại sao khi chúng tôi vào thôn lại im ắng đến vậy. Nơi đông nhất của thôn lúc này là bãi bồi đầu thôn. Ở đó, mọi người đang hăng say gieo trỉa để kịp cho vụ lạc năm nay.
    Ông Hân chuẩn bị đi phun thuốc cỏ cho ruộng lạc mới gieo.
    Rời nhà bà Luyến, chúng tôi ghé thăm nhà ông Đậu Xuân Hân, khi được hỏi về việc chuẩn bị đón Tết của gia đình, ông Hân suy nghĩ một lúc rồi hỏi lại: "Hôm nay hai mấy rồi nhỉ?" rồi bất ngờ khi biết hôm nay đã là 29 Tết, ông nói: "Nào có ai quan tâm đến ngày tháng, Tết nhất gì đâu, phải lo cho ấm cái bụng hôm nay đã, Tết cũng thế thôi”.
    Trên đường rong ruổi dọc thôn Hồng Lam, chúng tôi gặp một số người là giáo viên. Trò chuyện với họ, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi khi biết, song hành với mong muốn cuộc sống đủ đầy là ước vọng sẽ đào tạo thật tốt cho các em nhỏ nơi đây. Bởi, nếu các học sinh thành tài thì sẽ có cơ hội xây dựng quê hương.
    Hàng ngày, các em học sinh vẫn phải chòng chành trên những chuyến đò ngang để tới lớp.
    Cũng trên con đường quê đấy, chúng tôi nghe vang vọng tiếng của những em nhỏ vừa đi vừa hát ngân nga: “Sắp đến Tết rồi đến trường rất vui, sắp đến Tết rồi về nhà rất vui. Mẹ may cho áo mới nhé, ai cũng vui mừng ghê. Mùa xuân nay em đã lớn biết đi thăm ông bà rồi”.
    Một em nhỏ đi cùng đường thỏ thẻ: “Tết thì được nghỉ học, được đi chơi xung quanh xóm, nhưng chưa năm nào cháu được đi công viên hay đi xem chợ Tết cả. Năm nay, mẹ cháu hứa sẽ cho cháu đi thuyền sang bên kia sông cùng mẹ, giờ cháu chỉ mong đến ngày đó thật nhanh thôi”.
    Tết với những đứa trẻ tại thôn Hồng Lam là nô đùa quanh xóm.
    Ông Nguyễn Thế Lục, Trưởng thôn Hồng Lam cho biết: “Đối với 25 hộ nghèo của thôn, đến thời điểm này đã nhận được quà Tết từ chính quyền địa phương. Chúng tôi đảm bảo không có hộ dân nào thiếu đói trong Tết. Tuy nhiên, do toàn thôn chỉ có 2 chiếc thuyền nên việc phục vụ người dân qua bên kia sông mua sắm còn gặp khá nhiều khó khăn. Những ngày này, để thuận tiện cho người dân chúng tôi đã đề nghị 2 lái thuyền tăng chuyến để phục vụ bà con".
    Rời Hồng Lam khi mặt Trời đã tắt hẳn. Hình ảnh những ngôi nhà cửa đóng, then cài cận Tết vẫn chưa có người về vẫn hiện hữu trong tâm trí chúng tôi khi người đi chưa trở về, người ở chẳng mấy mặn mà với Tết. Ở Hồng Lam, dù ngày tết hay ngày thường, cuộc sống vẫn không có gì thay đổi...
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/don-tet-o-oc-dao-hong-lam-a83962.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan

    "Ốc đảo" Thanh Sơn khát khao điện để đổi đời

    Chỉ cách thành phố Phủ Lý chừng hơn chục km nhưng thôn Thanh Sơn (xã Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) biệt lập như một ốc đảo. Kể từ khi lên lập nghiệp ở vùng đất này, người dân nơi đây vẫn sống không ánh sáng điện, không trạm y tế, không nước sạch, không trường học...