+Aa-
    Zalo

    Ghi nhận thêm một ổ dịch thủy đậu tại trường mầm non ở Đắk Lắk

    (ĐS&PL) - Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mới ghi nhận thêm một ổ dịch thủy đậu tại Trường Mẫu giáo Bình Minh (phường An Bình, thị xã Buôn Hồ).

    Theo báo cáo của Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ, ngày 6/3, tại lớp Lá 1, Trường Mẫu giáo Bình Minh phát hiện một trẻ xuất hiện các mụn nước mọc ở mặt và tay. Cô giáo nghi ngờ trẻ mắc bệnh thủy đậu nên đã liên hệ với gia đình, cho cháu về nhà để cách ly và điều trị.

    Từ ngày 10 - 20/3, tại lớp Lá 1 có thêm 23 trẻ có các triệu chứng sốt, nổi mụn nước, được chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu. Hiện, các trẻ đều đã được nghỉ học để cách ly và điều trị tại nhà. Đến ngày 20/3, lớp Lá 2 và 2 lớp Mầm xuất hiện thêm 4 trường hợp mắc bệnh tương tự, thông tin trên TTXVN.

    ghi nhan them mot o dich thuy dau tai truong mam non o dak lak2
    Bệnh thủy đậu ở trẻ sẽ được chữa khỏi sau khoảng 7-10 ngày khi được chăm sóc và hỗ trợ điều trị đúng cách. Ảnh minh họa

    Trường Mẫu Giáo Bình Minh có 136 học sinh với 5 lớp học. Theo đánh giá của Trung tâm Y tế Thị xã Buôn Hồ, ổ dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, do học sinh học bán trú, ăn ngủ tại trường. Khuôn viên nhà trường nhỏ hẹp, học sinh đông (136 cháu/5 lớp, trung bình 27,2 cháu/lớp, mỗi lớp học rộng 20 m2). Ổ dịch có thể phát tán và lan rộng ra cộng đồng do có học sinh của các địa phương khác theo học tại Trường.

    Ngay sau khi ghi nhận ổ dịch thủy đậu tại trường học, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Trung tâm Y tế Thị xã Buôn Hồ đã tiến hành điều tra, giám sát ổ dịch, hướng dẫn Trường Mẫu giáo Bình Minh vệ sinh, phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên nhà trường và lớp học bằng dung dịch Cloramin B 0,5%, tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh thủy đậu tại trường học.

    Để phòng chống dịch bệnh thủy đậu, chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần lưu ý: Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

    Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

    Theo số liệu thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh đã ghi nhận 162 trường hợp mắc bệnh thủy đậu với 5 ổ dịch (TP Buôn Ma Thuột 22 trường hợp, huyện Krông Pắk 26 trường hợp, huyện Ea Kar 37 trường hợp, thị xã Buôn Hồ 27 trường hợp và huyện Buôn Đôn 25 trường hợp), theo Pháp luật Việt Nam.

    Cách chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà

    - Cách ly trẻ: Bệnh thủy đậu có thể bắt đầu lây lan trước khi trẻ nổi mụn nước 1-2 ngày và kéo dài cho đến khi nốt thủy đậu đóng vảy hoàn toàn. Vì vậy, khi trẻ bị thủy đậu, trẻ cần được cách ly với những người xung quanh nhằm ngăn ngừa bệnh lây lan rộng, khó kiểm soát. Nếu bố mẹ hoặc người thân tiếp xúc với trẻ trong khoảng thời gian này cần đeo khẩu trang, sau đó, sát khuẩn cẩn thận. Đặc biệt, bố mẹ không cho trẻ mắc bệnh dùng chung đồ với những người khác, nếu có, đồ dùng cần được sát khuẩn sau khi sử dụng. 

    - Đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ, môi trường sống thông thoáng: Trẻ bị thủy đậu cần được vệ sinh cơ thể sạch sẽ, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày. Việc tắm rửa hằng ngày nên được hiện nhẹ nhàng với nước ấm. Điều này sẽ giúp làm sạch bụi bẩn, hạn chế nhiễm trùng và giúp cho trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, tránh làm vỡ, trầy xước các nốt mụn nước. Sau khi tắm xong, bố mẹ nên dùng khăn mềm lau kho cho trẻ và cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, mỏng nhẹ. Ngoài ra, trẻ cần giữ tay sạch sẽ, cắt gọn gàng để trẻ không cào, gãy gây vỡ nốt thủy đậu. 

    - Hạ sốt cho trẻ đúng cách: Sốt là một trong những biểu hiện phổ biến của thủy đậu. Nếu trẻ sốt nhẹ, bố mẹ có thể hạ sốt cho trẻ bằng các phương pháp không dùng thuốc như dùng khăn ấm lau người cho trẻ, uống nhiều nước, ăn nhiều đồ mát, mặc quần áo thông thoáng,… Nhưng nếu trẻ sốt cao, bố mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ và cho trẻ uống thuốc hạ sốt với liều lượng phù hợp. Đặc biệt, nếu các nốt thủy đậu có mủ hoặc có biểu hiện sưng tấy ở những vùng da xung quanh, các triệu chứng của thủy đậu trở nặng, trẻ có biểu hiện mệt mỏi, lừ đừ, co giật, hôn mê,…trẻ cần được đưa đến bệnh viện để được kiểm tra càng sớm càng tốt. 

    - Thực hiện chế độ dinh dưỡng đủ chất, phù hợp với lứa tuổi: Việc bổ sung đủ dưỡng chất cho trẻ khi mắc bệnh thủy đậu sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, đẩy nhanh quá trình hồi phục. Bố mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và đảm bảo cung cấp đủ những dưỡng chất quan trọng như đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất với liều lượng phù hợp với độ tuổi và nhu cầu phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, mẹ nên cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày. 

    Thùy Dung (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ghi-nhan-them-mot-o-dich-thuy-dau-tai-truong-mam-non-o-dak-lak-a616005.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan