+Aa-
    Zalo

    Giá cà phê trong nước cao kỷ lục

    (ĐS&PL) - Giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới tăng nóng, loại hạt này ở nước ta cũng vọt lên mức cao chưa từng có trong lịch sử.

    Nông dân được mùa, được giá

    Theo báo Lao động, hiện người dân Đắk Nông đang bước vào vụ thu hoạch cây cà phê với niềm vui được mùa, được giá. Đơn cử như trường hợp của anh Phạm Văn Hanh (ở xã Đắk N'Drung, huyện Đắk Song) có khoảng 2 hecta cà phê vừa mới thu hoạch được hơn 7 tấn cà phê nhân.

    "Cà phê là nguồn thu nhập chính của gia đình nên với mức giá cà phê vượt mức 70.000 đồng/kg, gia đình tôi ai nấy cũng đều rất vui và phấn khởi. Sau khi bán hết 7 tấn cà phê nhân, trừ hết chi phí, gia đình tôi còn lợi nhuận hàng trăm triệu đồng", anh Hanh phấn khởi chia sẻ.

    gia ca phe trong nuoc cao ky luc
    Giá cà phê trong nước vọt lên mức cao chưa từng có trong lịch sử.

    Chia sẻ trên báo Vietnamnet, ông Nguyễn Văn Tạo (Đắk Nông) khoe: “Giá như hiện nay người trồng cà phê trúng lớn. Trung bình 1ha thu được khoảng 5 tấn cà phê nhân, trừ chi phí lãi khoảng 250 triệu đồng”. 

    Hiện giá cà phê nhân xô lên tới trên 71.000 - 72.000 đồng/kg. Hai ngày nữa ông Tạo sẽ thu hoạch xong vụ cà phê này. Sản lượng cà phê nhân của gia đình ông ước khoảng 15 tấn. Dù năng suất không bằng vụ trước nhưng giá lại cao kỷ lục. 

    “Sau mấy chục năm trồng cà phê, đây là năm đầu tiên tôi bán được giá cao đến vậy”, ông nói. Gia đình ông Tạo ước lãi khoảng 750 triệu đồng sau khi thu hoạch xong vụ này. Bởi, quá trình canh tác, chi phí tưới tiêu nước cho vườn cà phê của gia đình ông thấp hơn so với những hộ dân khác nên lợi nhuận cao hơn.

    Tại thủ phủ cà phê Tây Nguyên, giá mặt hàng này sắp chạm mốc 73.000 đồng/kg. Cụ thể, ngày 17/1, giá cà phê ở Lâm Đồng tăng lên 72.100 đồng/kg; ở Đắk Lắk và Kon Tum có giá 72.600 đồng/kg; Đắk Nông giá dao động từ 72.800-72.700 đồng/kg; Gia Lai giá cà phê cũng tăng lên ngưỡng 72.700 đồng/kg.

    Các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định, những ngày tới giá cà phê nguyên liệu tại Tây Nguyên có thể đạt 73-74 triệu đồng/tấn.

    Doanh nghiệp xuất khẩu kín đơn hàng

    Ông Nguyễn Huy Hùng, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Phúc Sinh cho hay, doanh nghiệp đang không đủ người để tiếp các đoàn khách từ nhiều nơi trên thế giới đến tìm hiểu và mua cà phê Việt Nam. Bởi, cà phê của nước ta trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà nhập khẩu trong phân khúc Robusta. Doanh số năm 2023 của công ty tăng trưởng 25% so với năm trước đó.

    “Cuối năm ngoái, công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu cà phê sang các thị trường mới. Hiện, đơn hàng xuất khẩu cà phê đã kín đến hết quý I/2024”, ông chia sẻ.

    Ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam nhận định, chất lượng cà phê của Việt Nam đã thay đổi rất nhiều nhờ người nông dân chuyển đổi phương thức canh tác sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Cùng với đó, đẩy mạnh sản xuất cà phê đặc sản, chế biến sâu.

    “Các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê”, ông nói. Thực tế cho thấy, trong năm vừa qua các doanh nghiệp ở nước ta gần như “vét sạch” kho hàng để xuất khẩu. Điều này khiến tồn kho giảm mạnh và năm 2023 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khi chỉ đến tháng 6, người dân đã không có cà phê để bán.

    Ông Doãn Hữu Tuệ, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt (doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê hoà tan), cho biết, doanh nghiệp đang xuất khẩu cà phê sang thị trường Trung Quốc, Dubai, Úc và EU. 

    Nhu cầu của các nhà nhập khẩu cà phê tăng khá cao, đơn hàng nhiều. Song doanh nghiệp phải từ chối bớt đơn hàng lớn do đang thiếu vốn sản xuất, vay ngân hàng lại khá khó khăn, ông Tuệ cho hay.

    Theo chuyên gia ngành hàng cà phê, chất lượng Robusta của Việt Nam đang được nhà nhập khẩu và người tiêu dùng trên thế giới đánh giá cao. Nếu tập trung hơn nữa vào chế biến sau thu hoạch, cà phê Việt sẽ tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

    Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh, báo cáo của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa) cho biết dự kiến sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 giảm 10% so với niên vụ trước đó do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, diện tích trồng xen tăng, người nông dân sẽ đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái.

    Cùng với giảm sản lượng, tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới cũng ở mức thấp nhất qua các năm. Nếu như ở niên vụ 2022 - 2023, lượng tồn kho chuyển từ vụ trước đó là khoảng 160.000 tấn thì năm nay, con số này chưa bằng một nửa, khoảng 58.000 tấn. 

    Trong báo cáo mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá cà phê Robusta và Arabia sẽ còn tăng do thị trường lo ngại cước phí vận tải biển tăng cao và yếu tố thời tiết không thuận lợi tại các vùng trồng cà phê của Brazil.

    Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 đạt 171,4 triệu bao, trong khi tiêu thụ ở mức kỷ lục 169,5 triệu bao. Tồn kho cà phê thế giới dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua là 26,5 triệu bao.

    Cơ quan này cũng cho rằng trong năm nay ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ đà tăng của giá cà phê robusta do lo thiếu hụt nguồn cung.

    "Dù vụ mùa Việt Nam thu hoạch rộ, nhưng sức cung ứng không đủ mạnh như những năm trước. Người dân đang có xu hướng hạn chế bán để chờ giá lên, đẩy giá cà phê nội địa tăng liên tục", Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-ca-phe-trong-nuoc-cao-ky-luc-a607640.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan