Đại gia Việt và những vụ ly hôn nghìn tỷ xôn xao giới doanh nhân


Thứ 4, 20/07/2016 | 06:11


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Việc tranh chấp tài sản nghìn tỷ trong quá trình làm thủ tục li hôn của vợ chồng đại gia Đặng Lê Nguyên Vũ, không phải vụ việc đầu tiên.

(ĐSPL) - Việc tranh chấp tài sản nghìn tỷ trong quá trình làm thủ tục li hôn của vợ chồng đại gia Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên không phải vụ việc đầu tiên trong giới doanh nhân Việt...

Vợ chồng ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên

Ngày 13/7 Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương đã quyết định huỷ bỏ quyền đại diện pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) tại Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên có trụ sở ở KCN Tân Đông Hiệp, Thị xã Dĩ An và khôi phục lại giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 7 của công ty này với người đại diện pháp luật là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Trung Nguyên IC có 3 cổ đông sáng lập gồm CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (85\%), ông Đặng Lê Nguyên Vũ (10\%) và bà Lê Hoàng Diệu Thảo (5\%). Và khi còn “cơm lành canh ngọt”, bà Thảo đảm nhận 3 vai trò là Chủ tịch HĐQT, TGĐ và người đại diện theo pháp luật.

Khi ông Vũ và bà Thảo làm thủ tục li hôn, Trung Nguyên IC xảy ra tranh chấp, thông tin về vụ việc chỉ xuất phát từ phía bà Lê Hoàng Diệu Thảo. Ông Vũ và đại diện của Tập đoàn Trung Nguyên không xuất hiện trước công chúng và từ chối nói về bất kỳ điều gì liên quan đến chuyện tranh chấp cá nhân giữa 2 vợ chồng Vũ - Thảo.


Từ ngày 21/4/2016 Trung Nguyên IC đã thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ngoài ra, cũng có thông tin ông Vũ đã chuyển luôn quyền quản lý Công ty TNHH đầu tư du lịch Đặng Lê mà trước đó bà Thảo quản lý sang tên mình.

Với những động thái đó, ngày 23/5 bà Thảo đã có đơn khiếu nại gửi chủ tịch UBND Bình Dương với nội dung:

“Đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên ngày 21/4/2016 (thay đổi lần thứ 8) về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ chờ kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh”.

Cuối cùng, đến ngày 13/7, bà Thảo đã được như ý nguyện khi Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương cũng khôi phục giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 7 ngày 28/11/2013 của Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên với người đại diện pháp luật là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Căn cứ ra quyết định này là từ Công văn số 426/CV-TANDCC ngày 13/5/2016 của Tòa án Nhân dân cấp cao tại TPHCM.

Được biết, trong tháng 5 và 6/2016, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã gởi đơn kiến nghị đến UBND, Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên ngày 21/4/2016 (thay đổi lần thứ 8) về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ chờ kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM. Đến nay yêu cầu của bà đã được giải quyết.

Thông tin trên Tri thức trực tuyến, bà Thảo hiện giữ quyền kiểm soát mảng hòa tan Trung Nguyên và Trung Nguyên International. Ông Vũ vẫn nắm quyền kiểm soát tại tập đoàn Trung Nguyên.

Vợ chồng con gái ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn

Vụ ly hôn giữa ông Bùi Đức Minh và bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, đồng thời là con gái ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn xảy ra năm 2011 cũng được dư luận quan tâm bởi khối tài sản tranh chấp lên tới khoảng 500 triệu USD (10.000 tỷ đồng).

Cuối năm 2010, sau đề nghị của 2 bên, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm TP Hà Nội đã có quyết định cho ly hôn. Tuy nhiên, tại quyết định này, về tài sản chung, nhà đất ở, công nợ chung không được quyết định phân chia. Do đó, ông Bùi Đức Minh đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án, yêu cầu hủy bản án sơ thẩm.

Tập đoàn Bảo Sơn vốn nổi tiếng với khách sạn tư nhân cao cấp đầu tiên tại Hà Nội cũng như những dự án án lớn, nổi bật nhất là khu Thiên đường Bảo Sơn. Ngoài tập đoàn Bảo Sơn, số tài sản này còn phân bố ở dạng cổ phần trong 7 công ty khác do Bảo Sơn làm chủ sở hữu. Theo ông Minh, số tài sản nghìn tỷ nói trên được xác lập trong thời kỳ hôn nhân, nhưng phần lớn cổ phần mang tên cổ đông là Nguyễn Thanh Thủy. Do đó, ông đòi chia số cổ phần tăng thêm đứng tên bà Thủy tại Công ty cổ phần tập đoàn Bảo Sơn và 7 công ty khác.

Tuy nhiên vụ việc chưa được giải quyết thì đầu năm 2012 công an Hà Nội đã bất ngờ bắt ông Bùi Đức Minh để điều tra về hành vi vu khống do dùng hàng trăm sim “rác” để nhắn tin vu khống, bôi nhọ một số lãnh đạo ban, ngành tại Hà Nội.

Đại gia Lê Ân và vụ kiện 30 năm đòi nhà sau ly hôn

Vụ kiện tranh chấp nhà của đại gia Lê Ân với người vợ cũ là bà Lê Ngọc Lan kéo dài suốt gần 30 năm. Ông Ân cho biết, năm 1965, ông và bà Lan kết hôn, cùng chung sống tại căn nhà số 408 Cách mạng tháng 8 (quận Tân Bình, TP HCM) do ông đứng tên. Năm 1980, ông vượt biên và bị bắt tại Bến Tre. Sau 4 năm ở tù ông được về nhà, người vợ xin ly hôn. Tòa thuận tình và giao hết tài sản, bao gồm cả căn nhà cho bà Lan.


Không chấp nhận phán quyết của tòa, năm 1987, ông Ân khiếu nại yêu cầu tòa cấp trên xem xét lại việc phân chia tài sản. Do khối tài sản mà hai bên còn tranh chấp khá lớn gồm hàng chục cây vàng, nữ trang, hột xoàn và cả căn nhà 408, nhưng cơ quan chức năng chưa điều tra xác minh, Tòa án nhân dân TP HCM đã quyết định công nhận việc thuận tình ly hôn, hủy phần giải quyết về tài sản, giao hồ sơ cho TAND quận Tân Bình xét xử lại. Vụ việc tranh chấp kéo dài đến tận năm 2013 mới có hồi kết sau khi cơ quan quản lý thẩm tra lại và ra quyết định đại gia này được nhận lại căn nhà.

Tại phiên tòa ngày 18/5 mới đây, ông Lê Ân trình bày 4 năm sau khi ly dị bà Lan, năm 1988 ông mua của bà Nguyễn Thị Khâm, khu nhà 929 đường Tự Cường, Phường 4, Quận Tân Bình, nằm chung vách phía sau căn nhà 408 đường CMT8.

Trong lúc ông Lê Ân đi tù vì liên quan đến vụ án ngân hàng VCSB, bà Lan đã đục tường, thông căn nhà 408 đường CMT8 và căn nhà 929 đường Tự Cường thành một.

Ông Lê Ân cũng trưng tại tòa hai bản chính bản vẽ sơ đồ nhà và ‘tố’ phía con trai đã cạo sửa, giả mạo giấy tờ, mang lên UBND Quận Tân Bình, đăng ký chủ quyền.

Đại diện UBND quận Tân Bình tại phiên tòa, ông Phạm Phú Dũng (phó Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tân Bình) cho rằng, UBND quận ra Quyết định 32 hủy bỏ Giấy chứng nhận cấp cho bà Lan là đúng, bởi khi cấp Giấy chứng nhận cho bà Lan, quận đã không biết ông Lê Ân đang thụ án tù nên không có tranh chấp.

Mặc khác, khi đi xác minh thực tế thì bà Lan cũng đang cư ngụ tại căn nhà, quận cũng đã đăng báo 3 kỳ. “Việc quận cấp Giấy chứng nhận cho bà Lan, cũng như lúc cấp giấy nhập hai căn nhà là một là do bà Lan yêu cầu. Quận xác minh thấy bà Lan có ở tại đây, cũng như không tranh chấp” – Ông Dũng trình bày tại tòa.

Ông Lê Ân cho biết sẽ chia gia tài cho các con để sau này khỏi kiện tụng nhau và sẽ mời báo chí đến chứng kiến việc chia gia tài.

Ông Lê Ân là Chủ tịch đơn vị sở hữu Khu du lịch Chí Linh và Công ty Lê Hoàng tại Vũng Tàu. 4 năm trước, vị đại gia 74 tuổi này gây xôn xao dư luận khi cưới cô vợ mới 20 tuổi. Trước đó, ông Ân chia tay vợ thứ 4 khi cô ở tuổi 25.

Vụ ly hôn 2.000 tỷ của Chủ tịch HĐQT-TGĐ Tập đoàn quốc tế Năm Sao

Vụ ly hôn giữ ông Trần Văn Mười - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn quốc tế Năm sao và bà Phạm Thị Hương Giang - Phó giám đốc Công ty cổ phần giám định Đại Tây Dương là một vụ ly hôn kỷ lục bởi khối tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng, kéo dài gần 4 năm.

Ông Giang và bà Mười kết hôn năm 1999, có hai đứa con và đến năm 2004 thì lục đục rồi kéo nhau ra tòa. Ông Mười muốn nuôi cả hai con nhưng con lớn muốn sống với mẹ và ông Mười đồng ý và sẽ cung cấp 35 triệu đồng một tháng để nuôi cháu. Còn bà Mười có nguyện vọng nuôi cả hai con và yêu cầu ông Mười cấp 100 triệu/tháng.

Về phần tài sản, tổng cộng ông Mười và bà Giang sở hữu 2000 tỷ đồng bao gồm: 1 xe hơi Camry, biệt thự ở TP.HCM, Vũng Tàu, Hải Phòng và nhiều nhà đất khác, vốn đầu tư trong các công ty: CP Tập đoàn quốc tế Năm Sao (85 tỷ đồng), Công ty CP quốc tế Hòn Đảo Việt (8,5 tỷ đồng), Công ty CP đầu tư đô thị Sam My (30 tỷ đồng), Công ty CP vật tư nông nghiệp Vàm Cỏ Đông (16 tỷ đồng).

Số tài sản trên bà Giang đề nghị được chia đôi còn ông Mười cho rằng số tài sản này chủ yếu là vay mượn để mua bán kiếm lời. Sau nhiều lần thương lượng hai bên không tìm được tiếng nói chung, ông Mười đưa ra hướng giải quyết là đưa cho bà Giang 60 tỷ đồng và phần còn lại ông sẽ chi trả nợ nần và toàn quyền quyết định. Tuy nhiên bà Giang không chấp nhận phương án này. Cuối cùng tòa án đã hoãn xử để định giá lại khối tài sản trên.

Đại gia Nguyễn Đức An và siêu mẫu Ngọc Thúy

Cuộc tranh chấp tài sản giữa doanh nhân Việt kiều Mỹ Nguyễn Đức An và siêu mẫu Ngọc Thúy xảy ra từ năm 2011. Kể từ khi kết hôn, ông An cho bà Thúy đứng tên trên nhiều tài sản ông đầu tư tại Việt Nam.


Khi ly hôn, số tài sản mà ông An kê khai để "đòi lại" vợ cũ bao gồm 13 lô đất và biệt thự ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; 9 căn hộ cao cấp ở quận 1, 3 lô đất ở thành phố Vũng Tàu. Bên cạnh đó, vị đại gia này còn sở hữu một biệt thự tại quận Bình Thạnh, tiền tiết kiệm ngân hàng, tiền mua cổ phiếu dự án Bank New Venture, 31\% cổ phần trong Công ty Sao Mai ở thành phố Vũng Tàu, một xe Vespa và 7 xe ôtô. Ước tính số tài sản này lên tới 288 tỷ đồng. Vụ kiện tranh chấp số tài sản này đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Vụ ly hôn 1.000 tỷ của Phó chủ tịch tập đoàn FPT

Vụ ly hôn đình đám và tốn kém nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho đến nay là vụ ly hôn của Phó chủ tịch tập đoàn FPT và buộc phải chia số cổ phiếu cho người vợ lên đến con số gần 2 triệu cổ phiếu FPT. Lúc đó, cổ phiếu FPT đang được giá nên với 2 triệu cổ phiếu ước tính lên đến 1.000 tỷ đồng.

Cụ thể, thời điểm đó, ông Lê Quang Tiến - Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Phó tổng giám đốc đang sở hữu 3.709.630 cổ phần của Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT. Và khi ly hôn, ông đã "ga lăng" chuyển cho người vợ là bà Lê Thị Hồng Hải 1.854.815 cổ phần. Thời điểm đó, nếu giao dịch ngay, bà Hải có khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia chứng khoán, do nhiều quy định về điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán, bà Hải không thể bán hết số cổ phiếu đó để gom 1.000 tỷ.

Nhưng nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, việc chia đôi tài sản cổ phiếu của ông Tiến là điều hiếm có và được xem là "sòng phẳng" và hợp tình theo cả pháp lý và quan niệm dân gian "của chồng công vợ". Chuyện ồn ào chẳng qua là vì số tiền rất lớn còn trong cách hành xử được xem là "chơi đẹp" với tình cũ.

Cuộc ly hôn của hoa hậu Hà Kiều Anh

Cuộc hôn nhân đại gia – chân dài này tốn nhiều giấy mực của báo chí nhất thời điểm đấy. Bởi khi tình đang mặn nồng thì ông GĐ công ty Đông Nam phải vào tù vì buôn lậu số điện thoại với tổng trị giá lên tới 149 tỷ đồng và trốn thuế 99 tỷ đồng. Trước đó, ông Nguyễn Gia Thiều đã tẩu tán vào tài khoản của vợ 8,4 tỷ đồng và khi công an khám nhà, phát hiện ra 200.000 USD trong két sắt.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-gia-viet-va-nhung-vu-ly-hon-nghin-ty-xon-xao-gioi-doanh-nhan-a140273.html