+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tránh "bê tông hóa" trong biên chế

    ĐS&PL Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ Giáo dục và đào tạo hướng tới triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên nhằm tránh “bê tông hoá” trong...

    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ Giáo dục và đào tạo hướng tới triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên nhằm tránh “bê tông hoá” trong biên chế.

    Báo Giáo dục & Thời đại đưa tin, Bộ trưởng Bộ GD&TĐ Phùng Xuân Nhạ vừa có buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục tỉnh Bình Định. Tại đây, nhiều câu hỏi về Chương trình phổ thông mới, chế độ đối với giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp đã được đặt ra cho người đứng đầu ngành giáo dục.

    Trả lời về việc giáo viên dạy tăng giờ, dạy ngày 2 buổi, Bộ trưởng cho rằng: Tăng thời gian, có hiệu quả thì phải tăng chế độ. Hiện đang là định biên, hướng tới Bộ sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên, mà theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn, tránh “bê tông hoá” trong biên chế. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình.

    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời cử tri (Ảnh: TTTT Bộ)

    Bộ trưởng cho hay, theo tính toán, chỉ tính riêng nhu cầu định biên kế toán và y tế, hiện khoảng 80.000 cán bộ. Tiến tới, sẽ triển khai theo kiểu 1 kế toán phục vụ 3 - 4 trường, thậm chí có trường chỉ cần thuê kế toán. Tiến tới chúng tôi tinh giảm kế toán, hoặc kiêm nhiệm. Còn y tế trường học đã có trạm y tế xã, những trường ở xa trạm xá thì sẽ cân nhắc, điều chỉnh cho hợp lý.

    Báo Lao Động thông tin thêm, tại buổi tiếp xúc, trước ý kiến của cử tri cho rằng, việc xây dựng mới chương trình phổ thông là đúng đắn và cần thiết, tuy nhiên quá trình triển khai sẽ “vướng” trong việc bố trí giáo viên.

    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra thời điểm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông bắt đầu từ năm 2018, đây là thời điểm đã được tính toán đến quá trình chuẩn bị. Ngành giáo dục cũng đang triển khai theo hướng quyết liệt, thận trọng và cầu thị lắng nghe.

    Theo Bộ trưởng Nhạ, Ban Quản lý dự án của Bộ đang rà soát, xây dựng các chuẩn giáo viên theo khung mới và chuẩn quản lý nhà giáo mới. Từ đó xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho giáo viên đạt mức chuẩn tối thiểu, đáp ứng yêu cầu chương trình mới và tổ chức đào tạo bồi dưỡng. Bộ đã giao cho 7 trường đại học sư phạm làm nòng cốt, hơn 100 trường cao đẳng, trung cấp sư phạm sẽ làm vệ tinh cho việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên ở các địa phương.

    Từ tháng 9/2017 sẽ tiến hành đào tạo giáo viên cốt cán, sau đó sẽ mở rộng ra toàn đội ngũ giáo viên.

    Riêng về cơ sở vật chất mỗi lớp/phòng học ở bậc tiểu học để đảm bảo dạy hai buổi/ngày, trước mắt thiết kế chương trình theo hướng linh hoạt, trường có đủ cơ sở hai buổi thì dạy học thế nào, trường một buổi thì thế nào để từng bước tiến tới các lớp tiểu học học hai buổi/ngày.

    “Chúng tôi đang tính toán theo hướng khả thi, mức độ linh hoạt của từng địa phương để điều chỉnh” - Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-phung-xuan-nha-tranh-be-tong-hoa-trong-bien-che-a190292.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan