Âm mưu phá hoại giáo dục và màn khủng bố dọa “xử” phóng viên


Thứ 2, 05/01/2015 | 04:19


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Bất chấp trên các hội Học hộ - Thi thuê liên tục đưa thông tin cảnh báo về việc bị báo chí phanh phui nhiều đường dây thi thuê, các "trùm" không hề lo sợ, vẫn âm thầm đưa "người của mình" vào đại học Mở.

(ĐSPL) - Bất chấp trên các hội Học hộ - Thi thuê liên tục đưa thông tin cảnh báo về việc bị báo chí phanh phui nhiều đường dây thi thuê, các "trùm" không hề lo sợ, vẫn âm thầm đưa "người của mình" vào đại học Mở. Thậm chí, khi phát hiện nick facebook của PV báo Đời sống và Pháp luật cài cắm vào hệ thống, chúng cử người theo dõi và đe dọa...

Theo dấu kẻ hành nghề trong trường Mở

Việc nhiều thành viên trong các nhóm Học hộ - Thi thuê cảnh báo bị PV báo Đời sống và Pháp luật theo dõi không làm những thành viên trong "chiến dịch" truy quét các "băng nhóm" ẩn mình để hủy hoại nền giáo dục cảm thấy chùn bước.

Chiều ngày 9/11, mũi điều tra viên trong nhóm cài vào phòng trọ cùng M.P.T., một sinh viên bỏ học lang thang hành nghề học hộ - thi thuê khắp các trường đại học tại Hà Nội, báo tin M.P.T. vừa nhận một ca thi thuê cho Lê Thị Như Q. (SN 1991; hộ khẩu: Ba Vì, Hà Nội; lớp Kxxx đồ họa, trường đại học Mở Hà Nội; mã SV trên thẻ 10A63xxx).

Chỉ cần cầm chiếc thẻ của sinh viên Lê Thị Như Q., có ảnh nhang nhác giống mình, đối tượng thi thuê M.P.T. dễ dàng lọt vào phòng thi trong trường đại học Mở Hà Nội.

Đây không phải là mối do M.P.T. trực tiếp nhận mà do "bà trùm" Nguyễn Phương Ng. nhượng lại. Cụ thể vào ngày 9, 10/11, Ng. nhắn tin hỏi xem M.P.T. có rảnh để thi cho một bạn vào 17h ngày 13/11 hay không? Đây là môn tiếng Anh chuyên ngành đồ họa. Giá thỏa thuận là 300 nghìn đồng, nếu bài thi đạt 8 điểm. M.P.T. sẽ nhận được 50\% số tiền ngay khi rời phòng thi, 50\% còn lại sẽ được chuyển đến tận tay khi có điểm.

Do vừa nhận một ca thi khác tại trường đại học Nông nghiệp có giờ khá cận giờ với ca này, ban đầu M.P.T. có vẻ ngập ngừng, nhưng khi nhẩm tính, thời gian di chuyển từ Gia Lâm về 18 Tam Trinh vừa kịp vào phòng thi cho Lê Thị Như Q., nên T. vui vẻ nhận lời. Cùng lúc đó, Ng. đưa số điện thoại của Q. để M.P.T. chủ động liên lạc, hẹn ngày gặp để trao đổi thông tin, cũng như kế hoạch đội lốt vào phòng thi.

Nắm được thông tin chính xác về giờ thi, ngày thi, đối tượng thi thuê, một nhóm điều tra viên của báo đã bày binh bố trận sẵn trong trường Mở để theo dõi mọi động thái trong quá trình hành nghề của M.P.T. Đúng như đã hẹn, khoảng 16h15, sau khi thi xong ca tại trường đại học Nông nghiệp, M.P.T. bắt xe ôm đi về địa chỉ số 18 Tam Trinh (Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Vừa đến nơi, Q. đã chờ sẵn đón T. tại cổng trường. Do giờ thi khá cận kề, Q. dẫn M.P.T. thẳng vào trong trường, đồng thời đưa thẻ sinh viên cho T. để học thuộc thông tin.

Do có việc bận phải đi gấp, ngay khi đưa T. đến cửa phòng thi, Q. rút hầu bao đưa trước 150 nghìn đồng. Đội lốt của Q., M.P.T lang thang trước cửa phòng được gần 10 phút thì được giám thị gọi tên và cho vào phòng mà không hề có bất kỳ thủ tục kiểm tra danh tính cá nhân nào. Lúc đó là 15h. Bài thi nhanh chóng được M.P.T hoàn thiện và rời phòng trót lọt.

Qua tìm hiểu từ phía mũi điều tra cắm tại phòng trọ cùng M.P.T., sau buổi thi, T. kể, đề thi không khó, tuy nhiên M.P.T. phát hiện một bài bị thiếu dữ liệu nghiêm trọng không thể làm được. Cụ thể đó là bài yêu cầu đọc đoạn văn, sau đó nối tên đoạn với nội dung cho trước. Nhưng đoạn văn lại không có nên M.P.T. không thể làm được. Tại phòng thi, M.P.T. thưa chuyện với cô giám thị về sự việc. Ban đầu cán bộ coi thi này nói: Em cứ làm đi, cô không biết tiếng Anh đâu mà hỏi. Sau đó vị giám thị này đi ra ngoài một lúc, quay lại và bảo: Đề không hề thiếu, em cần đọc kỹ. M.P.T. đọc kỹ lại và càng nhận ra rõ hơn rằng đề bị thiếu nghiêm trọng. Trong phòng thi có một sinh viên khác đồng tình với M.P.T., còn tất cả các bạn còn lại thì không nói gì.

18h cán bộ coi thi yêu cầu nộp bài. Khi một vị giám thị đang thu bài ở dãy bên cạnh, M.P.T. có hỏi một sinh viên bàn bên: Đề của cậu có bị thiếu không? Sinh viên đó nói không cùng mã đề với T. và cầm bài của T. lên xem. Lúc đó một cán bộ coi thi phát hiện ra và yêu cầu lên lập biên bản bài thi của M.P.T.. T. cố giải thích với vị giám thị này, do đề bị thiếu, nên bạn đó tò mò cầm xem, và bạn đó không cùng mã đề và đã nộp bài, nhưng cô giám thị này đáp lại lạnh lùng: Không giải thích.

Thách thức pháp luật, đe dọa phóng viên

Lo lắng bài thi thuê cho sinh viên Q. bị hỏng chỉ vì lỗi ngớ ngẩn, M.P.T. đứng ở cửa lớp đợi. Thấy các sinh viên khác đã ra về hết, hai giám thị cũng sắp xếp bài thi và ra khỏi phòng, nên M.P.T. nghĩ mình đã không bị lập biên bản nữa. Nhưng khi nghe nhiều sinh viên trong lớp nói: ở trường này không cần giấy tờ gì, không cần lập biên bản, chỉ cần các giám thị thông báo lại sự việc với nhau là vẫn bị xử lý, M.P.T. cảm thấy không an tâm. Lo sợ là thế, nhưng vì tò mò, sau đó M.P.T. hỏi nhiều sinh viên trong buổi thi xem mọi người có nhận ra đề thi bị thiếu hay không, hầu như đều trả lời: "Tớ chịu, đọc đề không hiểu gì". Số khác thì trả lời: "Đề này đúng bởi vì đã được giáo viên cho làm ở nhà. Và đã học thuộc đáp án, nên không cần quan tâm đến đúng - sai vẫn làm được".

Khi những bài phóng sự đầu tiên trong loạt bài: "Điều tra độc quyền về những đường dây và hệ thống tổ chức Học hộ - Thi thuê ở hàng loạt trường đại học" được đăng tải, một trong số các nick facebook của các nhóm phóng viên cài cắm trong các tổ chức này bị phát hiện. Nhanh chóng admin của các nhóm Học hộ - Thi thuê trên mạng xã hội truất quyền thành viên của nick này nhằm mục đích bảo mật cho các thành viên và hoạt động bí mật của mình. Cùng thời điểm đó, một vài nick lạ nhảy vào kết bạn, nhắn tin cho nick facebook chúng tôi bị phát hiện, với nội dung lên mặt dạy đời, rồi đe dọa... Chúng tôi cho rằng những kẻ vì hám lợi sẵn sàng tham gia hoạt động thi thuê chẳng khác gì đang thực hiện âm mưu phá hoại giáo dục. Bất thường hơn, chúng vẫn ngang nhiên hoạt động và thách thức đe dọa phóng viên.

Facebook có tên Cường Xu (https://www.facebook.com/cuong.xu.73?fref=ts) ban đầu nhảy vào dùng những lời mang đậm chất phật pháp để giáo huấn: "Trong phúc đã chứa sẵn mầm họa. Trong họa luôn chứa sẵn mầm phúc. Phúc càng lớn, họa càng lớn và ngược lại họa càng lớn, phúc càng lớn. Trong cái được có cái mất. Trong cái mất có cái được. Đó là tính hai mặt của phúc họa, được mất. Bạn nên biết rằng hai chữ danh và lợi làm hại tất cả người đời".

Nhưng sau một hồi lảm nhảm mà không thấy tôi trả lời, Cường Xu hiện nguyên hình là tay anh chị có liên quan đến các đối tượng thi thuê, học hộ. Ngoài việc đăng lên face tôi tên bài phóng sự: Học viện Ngân hàng và "kỳ tích" một ngày trót lọt 3 ca thi gian lận, Cường Xu thằng thừng đe dọa: Gan em hơi bị to đấy em à... Anh không biết em là cái loại người như thế nào nữa, nhưng em cứ liệu hồn... em còn cứ ở trên mảnh đất Việt Nam này thì bọn anh sẽ không ngừng truy tìm em đâu... Cứ chờ mà xem".

Facebook Cường Xu lên mặt dạy đời và đe dọa thành viên trong nhóm PV báo Đời sống và Pháp luật.

Không chỉ bị các đối tượng đe dọa, các thành viên trong nhóm còn bị cảnh báo trên toàn diễn đàn. Một facebook có tên là Tăng A Ngưu, người tự xưng là một dân thi thuê chuyên nghiệp cảnh báo các thành viên: "Các anh chị em cẩn thận, dạo này nhà báo làm ác lắm. Chính tôi suýt bị nhà báo cho vào tròng". Khi được nhiều thành viên hỏi về lai lịch các nhà báo đang mật phục trong các hội, Tăng A Ngưu cảnh giới: "Nếu ông bạn muốn biết nó như thế nào, thì cứ đăng tin lên rồi ông bạn sẽ biết. Thôi nối môn TCDN1 nữa là mình cũng nghỉ. Out nhóm cho lành. Đau tim lắm rồi. 1,5 năm tù treo + 15 triệu tiền phạt. Muốn biết chi tiết thì hỏi vụ 20 ông KTQD bị đuổi 1 năm + 3 ông ra phường nhé".

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/am-muu-pha-hoai-giao-duc-va-man-khung-bo-doa-xu-phong-vien-a77261.html