Bộ GD-ĐT bỏ độc quyền làm sách giáo khoa


Thứ 4, 29/10/2014 | 10:54


(ĐSPL) - Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ không còn độc quyền trong việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới.

(ĐSPL) - Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ không còn độc quyền trong việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới.

Chuyện học đường - Bộ GD-ĐT bỏ độc quyền làm sách giáo khoa

Sắp tới, làm sách giáo khoa sẽ không chỉ riêng ngành giáo dục mà khuyến khích các tổ chức, nhân sỹ, trí thức cùng tham gia.

Theo tin tức từ báo Giáo dục Việt Nam, trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” gần đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chỉ rõ, chương trình sách giáo khoa (SGK) hiện nay được biên soạn theo cách chú trọng truyền thụ kiến thức, thiết kế theo các lĩnh vực khoa học nên nặng tính hàn lâm, quá tải, học sinh không thấy dễ hiểu và không thể tự học.
Việc truyền thụ kiến thức, tri thức trước đây được coi là nhiệm vụ số một của nhà trường thì nay chỉ là khâu trung gian, là công cụ để giúp học sinh từng bước phát triển, bộc lộ, nâng cao trong quá trình hình thành, phát triển, hoàn thiện kỹ năng, phẩm chất con người mới.
Sắp tới Bộ GD-ĐT cũng sẽ không còn độc quyền trong việc xây dựng Chương trình, SGK mới.
Trong chương trình nói trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã chỉ ra những hạn chế trong chương trình và SGK hiện hành. Cụ thể, chương trình và SGK hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, đặc biệt là chưa đáp ứng được yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp để giải quyết tình huống trong học tập và trong cuộc sống. 
Ngoài nặng về trang bị kiến thức, SGK và chương trình hiện hành ở một số sách còn chưa cân đối được yêu cầu nội dung kiến thức và hướng dẫn phương pháp dạy và học.
Trước đó, liên quan đến việc xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa, trao đổi với báo Lao Động, PGS-TS Bùi Mạnh Hùng (khoa Ngữ văn ĐHSP TPHCM, hiện giảng dạy đại học tại Hàn Quốc) cho rằng, thực hiện một chính sách mở đối với SGK chính là góp phần dân chủ hóa nền giáo dục. Cần có chính sách cho phép biên soạn nhiều bộ SGK trên cơ sở một chương trình quốc gia. CT quốc gia mới là cơ sở chuyên môn và pháp lý quan trọng, còn SGK chỉ nên đóng vai trò là tài liệu hỗ trợ cho hoạt động dạy và học.
Các nhóm tác giả và NXB- trong đó có NXB Giáo dục, có thể tổ chức biên soạn nhiều bộ SGK khác nhau. Phải làm sao để ưu thế lớn nhất của NXB này là có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn hơn so với các NXB khác, chứ ưu thế không phải là do chính sách của bộ chủ quản dành cho nó. Việc lựa chọn bộ SGK thích hợp cần giao cho các tổ bộ môn của mỗi trường, đến khi có điều kiện có thể giao quyền lựa chọn cho từng giáo viên. Nếu việc biên soạn SGK được phân quyền thì Nhà nước sẽ giảm một phần đáng kể kinh phí để tổ chức biên soạn SGK.
Tác giả SGK có thể là giáo viên phổ thông hay giảng viên ĐH, đang công tác hay đã về hưu, nhưng giáo viên phổ thông phải có vai trò đáng kể trong nhận xét, góp ý, tư vấn để bảo đảm SGK phù hợp với thực tiễn phổ thông.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-gd-dt-bo-doc-quyen-lam-sach-giao-khoa-a66387.html